(CMO) Mặc dù đã chuyển dịch sang nuôi tôm, nhưng nhiều bà con người Khmer ở xã Tân Phú, huyện Thới Bình vẫn gắn bó với nghề trồng màu. Sản xuất lúa - màu trên cùng diện tích đất mang lại hiệu quả kép, giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, vươn lên khá giàu.
Trở lại ấp Đầu Nai, xã Tân Phú những ngày này không khí nhộn nhịp hẳn lên bởi hình ảnh nông dân tất bật chăm sóc và thu hoạch hoa màu. Gia đình ông Lâm Văn Út có thâm niên trồng hoa màu khá lâu, dù xung quanh ông đã chuyển dịch sang trồng lúa - nuôi tôm nhưng ông vẫn trồng màu.
Với 2.500 m2 đất, ông be bờ cao thành từng liếp nhỏ để trồng dưa leo, mỗi năm ngoài 1 vụ lúa ông trồng được 3 vụ dưa leo. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang đến cho gia đình ông trên 150 triệu đồng.
Ông Út khai rãnh cho nước vào để tránh nhiễm mặn và dễ tưới tiêu. |
Ông Út chia sẻ: “Gia đình thiếu công làm, phải thuê thêm người. Vụ đầu mướn lên liếp thì lời khoảng 30-40 triệu đồng/vụ, vụ sau lời nhiều hơn, có khi 50-60 triệu đồng. Kinh tế vững chắc rồi, giờ xây dựng được ngôi nhà hơn 300 triệu đồng từ hoa màu!”.
Khó khăn do công việc không ổn định, làm nghề chăn vịt mướn thu nhập không được bao nhiêu, cuộc sống bấp bênh. Sau khi thuê đất trồng màu, gia đình ông Lâm Văn Đón, ấp Đầu Nai đã thoát khó khăn, trả hết nợ, vươn lên khấm khá.
Ông Lâm Văn Đón cho hay: “Ngoài 500 m2 đất trồng khổ qua, tôi thuê thêm 6 công đất với giá 18 triệu đồng/năm. 2 công trồng lúa thu hoạch được 70 giạ để ăn, còn lại 4 công trồng 2 vụ dưa, thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Hiện tại, 4 công dưa leo của gia đình ông Đón đang cho thu hoạch. Nhờ chăm sóc tốt nên dưa leo trúng mùa, ông Đón đã thu hoạch được 15 ngày, thu hoạch khoảng 1 tháng nữa cho đến lúc tàn cây, ước tính thu về khoảng vài chục tấn.
Toàn ấp Đầu Nai có khoảng 5 ha hoa màu, bình quân mỗi hộ trồng từ 1.000-6.000 m2, nhiều hộ còn áp dụng trồng theo mô hình VietGAP và đầu tư hệ thống tưới tự động, giúp giảm chi phí và sức lao động.
Ngoài cây lúa, bà con còn tận dụng trồng màu, cũng là chủ lực của xã để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo. Toàn ấp có 76 hộ đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ khá giàu chiếm 2/3, chỉ còn 2 hộ thuộc diện nghèo.
Trưởng ấp Đầu Nai Trần Nhân Thế cho hay: “Trước đây vùng đất này trồng 2 vụ lúa, sau chuyển đổi canh tác 1 vụ lúa, 1 vụ tôm và trồng màu. Nhìn chung, việc trồng lúa và nuôi tôm thu nhập không bằng trồng màu, có thể nói 1 công màu bây giờ thu nhập bằng 10 công vuông nuôi tôm”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú Nguyễn Minh Luân cho biết: “Diện tích màu toàn xã còn khoảng 10 ha, trong đó ấp Đầu Nai chiếm hơn 50%, chủ yếu trồng khổ qua và dưa leo. Nhờ giá cả rau màu hiện nay tương đối ổn định nên người trồng màu có thu nhập đảm bảo, đời sống đồng bào dân tộc Khmer nơi đây ngày càng phát triển hơn”./.
Thuỳ Linh