ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 00:51:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Dòng kênh bỏ bãi

Báo Cà Mau Men theo con nước lớn ròng, người dân xứ Cái Muối này đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn bà đầu trần đi thẫn thờ dưới trời nắng oi ả. Họ thì thầm với nhau, họ trao nhau ánh mắt đầy ái ngại, đầy tò mò, mặc cho tà áo sờn màu kia dần khuất sau đám đước um tùm.

Men theo con nước lớn ròng, người dân xứ Cái Muối này đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn bà đầu trần đi thẫn thờ dưới trời nắng oi ả. Họ thì thầm với nhau, họ trao nhau ánh mắt đầy ái ngại, đầy tò mò, mặc cho tà áo sờn màu kia dần khuất sau đám đước um tùm.

Người ta quen gọi bà là bà Năm Lặt. Bà cũng có chồng con như người ta. Từ khi  "Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu xa", bà ngậm ngùi nuôi con. Bà con xóm giềng cứ bảo, sao bà ấy không tìm, không xé xác con nhỏ giựt chồng người ta một trận; hoặc đại loại: chồng gì bạc ác, ăn ở ngần ấy con mà bỏ cho đành, mai này lại mò về cho xem...

Minh hoạ: HOÀNG VŨ

Người ta nói nhiều lắm, như một trận bão mồm. Người ta cứ nói, bà cứ nghe. Bà không đính chính gì, chỉ cười nhạt. Nói gì bây giờ? Ðánh ghen ư? Ðể được gì? Người ta có còn yêu thương mà quay về với mái nhà này không? Bà còn nhớ như in việc vợ ông có máu mặt trong làng đánh ghen bồ chồng bằng cây dầm khi hai người tằng tịu với nhau. Ðánh dữ dội cho hả hê cơn bực tức bấy lâu, phần vì muốn dằn mặt ông chồng, nhưng rồi mang tội hành hung người khác, xóm giềng cười chê cả họ. Cũng chả được tích sự gì. Có người rạch mặt người khác bằng lưỡi lam, mọi việc sau đó càng thêm rắc rối...

Bà chọn cách im lặng. Vâng, chỉ im lặng. Bà chỉ nghĩ rằng, hết duyên hết nợ thì ép uổng người ta làm gì.

Qua hơn 20 năm, ngần ấy thời gian cũng đủ làm thay đổi diện mạo con người ta, nhất là người có tâm sự. Gương mặt bà Năm càng hốc hác hơn. Bà càng ít nói hơn. Bà thường đi về cô độc. Bà chọn cách giải thoát đơn giản cho đời mình là đi tìm người tâm sự. Cuối cùng bà tìm được người phụ nữ có hoàn cảnh như bà. Hai người phụ nữ khổ đau gặp lại, họ nói chuyện gì có trời mới biết. Nhưng cứ mỗi lần trò chuyện xong, hai bà cứ cười rộn lên. Nụ cười của sự đồng cảm!

Con nước ròng rồi con nước lớn. Những khi nước lớn mang theo ăm ắp phù sa. Những con sóng tham lam cứ thi nhau chạy nhanh vào bờ và ôm nhẹ nhàng lấy những chang đước khẳng khiu. Rồi khi con nước dần lui, bỏ lại lòng kênh trơ bãi, màu phù sa lắng lại, một sự cô độc đáng sợ. Bà cũng như bãi nọ, cũng bị dòng nước cuốn phăng và thu hẹp dần niềm vui lẽ sống. Trong khi ai kia đang hạnh phúc, say sưa niềm vui mới, bà lại chèo chống, sớm hôm còng lưng nuôi hai con. Nước lớn bà đi giăng lưới, đặt lú dưới sông, mong kiếm thu nhập lo cho hai con. Người ta đi biển có đôi, bà chỉ có một thân một mình! Khi nước ròng, người dân xứ này vẫn quen thuộc với bóng dáng lom khom mò sò trên bãi của bà, công việc này cũng phụ thêm phần cơm áo, thang thuốc cho con.

Những đêm trăng tỏ, đêm nào bà cũng khóc. Bà khóc trong trạng thái ức chế, không tiếng động, không tiếng ré lên, chỉ đơn thuần là dòng nước mắt rơi dài và lăn méo xệch trên gương mặt đang cố chịu đựng niềm đau. Bà đau lắm. Bà hận lắm. Bao giờ thôi hết khổ. Bờ vai bà run lên bần bật. Thời ấy làm gì có điện thoại hay thư từ. Chỉ biết rằng, đã đi là biền biệt. Những lúc nỗi nhớ đan xen niềm đau như thế, bà chỉ cầm gáo nước dội vào đầu, vào thân thể gầy guộc… thế thì không ai biết bà đang khóc dưới trăng. Có người tình cờ thấy, bảo bà bị điên. Người ta nhìn bà với cặp mắt sờ sợ, ngại ngùng.

Thoảng nghe câu hát chị nhà bên ru con:

Gió đưa bụi chuối sau hè

Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ

Người ra đi như cơn gió, chỉ người ở lại với nghĩa vụ phải lo, phải nghĩ, khổ thân bà biết mấy. Cực thân nhất là khi nhà hàng xóm qua mắng vốn:

- Bà dạy con kiểu gì mà tối ngày nó qua nhà tôi nó phá phách. Thân không cha thì sống đàng hoàng cho làng xóm thương!

Chỉ nghe tiếng trả lời gãy gọn:

- Xin lỗi, xin lỗi…

Nhìn con người ta ăn mặc bảnh bao, bà ham lắm, bà nhìn lại con mình, chúng lem luốc quá, nhưng có thương cách mấy cũng không ngốc đầu lên được vì nhà bà cùng đinh nhất xóm. May mà khi lớn con bà biết chí thú làm ăn, từ đó bà nhẹ lòng. Rồi con bà cũng cưới được vợ. Vậy là bà có thể an nhàn chuỗi ngày còn lại…

                  ***

- Bà Năm đâu rồi, bà Năm ơi!

Không cần nhìn mặt, nghe tiếng cũng biết bà Béo cuối xóm. Sáng chưa mở mắt mà nghe tiếng điếc cả tai, bà chạy như ma đuổi vào ngay nhà bà Năm.

Không biết nói gì mà thấy bà quơ tay, múa chân như xiếc, rồi thấy bà Năm ngồi phịch xuống bộ ván.

- Trời ơi là trời!

Số là, con dâu bà bỏ nhà trốn theo người khác, để lại cho bà hai đứa cháu thơ dại. Ðời bà chưa hết khổ. Nhìn hai cháu ngây thơ, ngủ say, miệng đang cười tủm tỉm, bà khóc như ai đó đang tát mạnh vào mặt mình. Cháu bà không có tội. Tại chữ duyên nợ hay tại gia cảnh cơ hàn của bà đã khiến gia đình bé nhỏ của con bà tan nát? Bà biết nói sao với con trai bà, thấy thương con giờ này đang còng lưng làm thuê cho người ta, ăn quán ngủ đình nào có quản, mong lo cho mái ấm, vậy mà...

Thế là từ ngày đó, người xóm trên hay xóm dưới đều thấy ba dáng người, người bà đi trước, hai đứa cháu đi theo sau, khắp xóm, ai thấy cũng thương. Ánh nắng chiều cứ soi rõ dáng lầm lũi suốt con đường quê phèn mặn. Ngặt nỗi, nhờ có chuyện như thế, bà lại bớt buồn về mình, dường như bà dồn tâm trí lo cho hai đứa cháu thơ dại. Hàng xóm cho gì, tặng gì bà cũng dành cho chúng. Bà thương chúng như thương chính cuộc đời của bà, của con bà.

Biết bao lần cháu bà nhìn sông, đón đò, đợi chuyến xe ngang nhà, hy vọng mẹ quay về thăm chị em nó. Cổ như muốn dài ra mà niềm tin cứ mong manh dần…

Rồi một ngày, người ta thấy đứa con trai bà Năm đưa về một ông lão bệnh tật, gầy yếu. Không ai nhận ra ông ấy. Ông Năm ngày nào giờ như một bó củi khô mùa hạn. Ông chỉ phều phào, nói chẳng nên lời, tay chỉ chỉ điều gì đó. Dù biết lá rụng về cội, nhưng người đời vẫn trách, vẫn đau. Sinh thời khoẻ mạnh rũ bỏ người thân, quên đi ân nghĩa vợ chồng, khi mỏi gối chồn chân lại mang thân xác rã rời về tìm nơi an nghỉ. Thiệt thòi và đau đớn nhường nào cho người đàn bà kia.

Không hơn nửa tháng, ông Năm mất. Lại một lần nữa ông bỏ rơi bà. Lần này ra đi và mãi mãi ông không quay lại. Bà không nói là tha thứ cho ông, nhưng cũng không kể lể là thương ông. Nhưng bà vẫn khóc. Vẫn nhìn dòng kênh đang rút dần, hẹp dần khi con nước ròng. Bãi bồi trơ ra, phơi lì ở mặt sông, như đời bà mãi chịu cô đơn. Bà không trách số phận, không trách ai, chỉ mong dòng nước lớn mau trở lại để mặt sông đong đầy sức sống, đơn giản thôi nhưng sao khó quá.

Ngày tháng cuối đời, bà Năm chỉ mong nhìn nước lớn. Nước về mang cho cháu bà niềm hy vọng. Bà tin rằng, ở đời này tình mẫu tử vẫn thiêng liêng, như dòng sông kia, dù nước có khi ròng nhưng rồi sẽ lớn./.

Truyện ngắn của Xuân Dị

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.