(CMO) “Các cơ quan chuyên môn đừng để người dân và doanh nghiệp tự bơi, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, có sự trăn trở cùng người dân thì mới có giải pháp thiết thực nhất giúp họ" đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau trong chuyến khảo sát và làm việc với lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời về thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn, vào ngày 14/1.
Theo đó, đoàn đã đến khảo sát tại mô hình 2 vụ lúa – cá đồng, 2 vụ lúa – 1 vụ màu và mô hình sản xuất lúa bao lợi nhuận tại xã Trần Hợi và Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời.
Đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn công tác đến khảo sát các mô hình sản xuất hiệu quả tại huyện Trần Văn Thời. |
Cụ thể, đối với mô hình sản xuất lúa bao lợi nhuận đã được triển khai 2 vụ. Vụ Hè Thu được triển khai tổng diện tích 39 ha, với 17 hộ thực hiện. Kết quả, 100% hộ dân tham gia mô hình đạt lợi nhuận tối thiểu là 8 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nông dân còn được chi trả tiền công, thù lao khi trực tiếp lao động, sản xuất trên ruộng của mình. Đối với vụ lúa Đông Xuân, có 12 hộ tham gia, với 24,8 ha tại xã Khánh Bình Đông. Hiện nay, lúa đã thu hoạch xong, năng suất bình quân 6,2-6,3 tấn/ha.
Đối với mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu, những năm qua, được người dân ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông và Ấp 4, 5 (xã Trần Hợi), thực hiện với diện tích hằng năm 240 ha. Đây là khu vực đã có khoanh ô thuỷ lợi, có trạm bơm nên chủ động trong việc xuống giống lúa Đông Xuân trước ngày 15/10 và thu hoạch trong tháng 1 năm sau. Với mô hình này, vụ màu cho năng suất khá cao, ổn định, khi thu hoạch có thương lái từ TP. Cần Thơ đến thu mua; lợi nhuận trung bình khoảng 80 triệu đồng/ha/năm cả lúa và màu.
Theo nhận định của lãnh đạo huyện Trần Văn Thời, các mô hình phù hợp cho khu vực đồng trũng sinh thái ngọt của huyện, góp phần tăng thêm thu nhập từ cá đồng tương đương 1 vụ lúa, nhưng cần phải có bờ bao khuôn hộ, bờ bao xung quanh vùng cao ráo, chắc chắn. Theo dự kiến, năm 2022-2023, huyện sẽ nhân rộng 120 ha sản xuất 2 vụ lúa – cá đồng, với 55 hộ tham gia thực hiện tại ấp Đá Bạc A và Đá Bạc B (xã Khánh Bình Tây). Mô hình 2 vụ lúa – cá bổi thâm canh dự kiến có 205 hộ tham gia thực hiện có ao cá liền với ruộng lúa khoảng 358 ha. Đối với mô hình sản xuất lúa bao tiêu lợi nhuận, vụ lúa Hè Thu 2022 dự kiến thực hiện 1.000 ha.
Mô hình sản xuất 2 vụ lúa – 1 màu mang lại cho người dân lợi nhuận trung bình khoảng 80 triệu đồng/ha/năm. |
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng, dù đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Do đó, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành và huyện tổ chức khảo sát đánh giá và tìm kiếm thị trường, đầu ra sản phẩm cho người dân mà trước mắt là vụ bí này. Để từ đó, tổ chức lại sản xuất bài bản và hiệu quả hơn, tăng cường tìm kiếm và mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm. Riêng Sở NN&PTNT hướng dẫn cho huyện rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất, tích hợp vào sản xuất chung của tỉnh. Rà soát và bố trí vốn xây dựng các công trình thuỷ lợi để phục vụ sản xuất cũng như tăng cường tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân áp dụng.
Để việc nhân rộng mô hình hiệu quả đạt kết quả, Phó bí thư Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại lưu ý: “Huyện cần tập trung quy hoạch vùng sản xuất cụ thể theo từng vùng từng tiềm năng và điều kiện thích hợp, đầu tư hạ tầng đảm bảo với từng loại hình sản xuất. Tổ chức lại sản xuất, tạo vùng nguyên liệu tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan chuyên môn đừng để người dân và doanh nghiệp tự bơi, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, có sự trăn trở cùng người dân thì mới có giải pháp thiết thực nhất giúp họ".
Riêng đối với công tác chuẩn bị cho người dân vui xuân đón Tết và phòng chống dịch, bệnh Covid-19, đồng chí Phạm Thành Ngại chỉ đạo, huyện đặc biệt quan tâm tăng cường công tác tiêm ngừa để tiến tới sinh hoạt và giao thương trong điều kiện bình thường mới. Tổ chức từng đoàn đến từng nhà để tiêm cho người dân đối với những trường hợp không đủ điều kiện đến các điểm tiêm ngừa tập trung. Đặc biệt quan tâm chăm lo cho các trường hợp gia đình nghèo, gia đình khó khăn, nhất là gia đình chính sách, đừng để hộ dân nào không có Tết./.
Nguyễn Phú