Những ngày này, tại vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời, sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, nông dân tất bật chạy máy cuộn rơm trên đồng.
Nông dân Dư Hoàng Nhựt, Ấp 19/5, xã Khánh Bình, dùng những chiếc máy cày sẵn có, thay thế giàn xới phía sau bằng máy cuộn rơm. Với cách này, tuy mất nhiều thời gian và công sức, nhưng sau mỗi đợt cuộn rơm, anh thu về vài chục triệu đồng.
Thấy được tiềm năng kinh tế từ rơm rạ, ông Nguyễn Văn Tùng, ấp Cơi 6A, xã Khánh Bình Tây, đầu tư hơn 300 triệu đồng mua máy cuộn rơm chuyên dụng. Mỗi ngày thu được trên 800 cuộn rơm, giá mỗi cuộn từ 15-30 ngàn đồng, tuỳ thời điểm.
Rơm sau khi cuộn được các thương lái mua, chở đi các tỉnh miền Tây tiêu thụ hoặc bán cho những người trồng nấm rơm, trồng màu, chăn nuôi để làm thức ăn cho trâu, bò...
Nhờ cơ giới hoá, nông dân huyện Trần Văn Thời vừa tận dụng được phế phẩm trong nông nghiệp, thu được giá trị kinh tế từ rơm, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất, do không phải đốt đồng.
Huyện Trần Văn Thời có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh, mỗi năm, sau khi thu hoạch lúa, thải ra hàng trăm tấn rơm - tiềm năng kinh tế rất lớn đang được bà con khai thác hiệu quả.
Nông dân Dư Hoàng Nhựt dùng những chiếc máy cày gắn máy để cuộn rơm, mỗi đợt anh thu về vài chục triệu đồng.
Máy cuộn rơm chuyên dụng rất tiện lợi cho việc vừa thu gom, vừa vận chuyển rơm.
Rơm vừa là nguồn phân bón, vừa giúp giữ ẩm cho hoa màu trong mùa nắng hạn.
Ông Nguyễn Văn Tùng đầu tư hơn 300 triệu đồng mua máy cuộn rơm chuyên dụng, năng suất đạt trên 800 cuộn rơm/ngày.
Rơm vừa là nguồn phân bón, vừa giúp giữ ẩm cho hoa màu trong mùa nắng hạn.
Huỳnh Lâm thực hiện