(CMO) Hiện nay, nông dân ở TP Cà Mau đang vào cuối vụ thu hoạch vụ lúa đông xuân. Ngoài thu nhập chính từ việc bán lúa, rơm cũng là nguồn phụ thu giúp nông dân tăng thu nhập. Thời điểm này, bên cạnh thu hoạch lúa thì dịch vụ cuộn rơm bằng máy cũng sôi động hẳn lên.
Trước đây, cắt lúa xong nông dân thường đốt đồng (đốt rơm) tại ruộng. Việc làm này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tiêu diệt những thiên địch có lợi cho việc sản xuất lúa.
Người dân vẫn còn thói quen đốt đồng, gây ô nhiễm môi trường, tiêu diệt các thiên địch có lợi, giảm giá trị dinh dưỡng trong đất. |
Gần đây, rơm trở nên có giá trị khi được nhiều người tìm mua. Từng bị xem như phế phẩm, rơm cuộn ngày nay trở thành nguồn thu nhập cho nông dân và cuộn rơm bằng máy hiện nay cũng là nghề đem lại thu nhập khá ổn định cho nông dân trong thời điểm thu hoạch lúa.
Bà Trần Thị Miền (Ấp 4, xã An Xuyên) có 12 công đất làm lúa. Những năm trước, sau khi thu hoạch, bà thường đốt đồng để chuẩn bị cày ải cho vụ sản xuất lúa hè thu. Nhưng năm nay, thấy có dịch vụ cuộn rơm, bà Miền không đốt đồng nữa mà cho máy vào đồng ruộng để thu hoạch rơm, bán lại với giá 30.000 đồng/công, tính ra bà Miền thu về được gần 400.000 đồng từ việc bán rơm.
Bà Miền chia sẻ: “Mọi năm mình phải tốn nhiều công sức ra ruộng bó rơm để sử dụng. Nếu 12 công này ra bó khoảng 3 ngày mới xong, còn bây giờ có máy cuộn này thì chừng 2 tiếng đồng hồ là được khoảng 200 cuộn rơm, người ta chở vô tới nhà… Vụ lúa đông xuân nắng tốt, mặt ruộng khô ráo nên máy vào thu hoạch rơm rất dễ dàng. Thu hoạch rơm bán xong, mình chừa lại chục cuộn để lót trong chuồng nuôi 300 con gà, vịt cho sạch sẽ”.
Máy cuộn rơm thu hoạch rất nhanh chóng và hiệu quả, giúp việc thu gom dễ dàng hơn. |
Rơm dễ phơi khô, dễ vận chuyển và dễ tồn trữ nên hiện nay nhiều nông dân tận dụng để bán, thay vì đốt rơm trên đồng, gây ô nhiễm môi trường và mất giá trị dinh dưỡng của đất như trước đây. Thời điểm này, bên cạnh thu hoạch lúa thì dịch vụ cuộn rơm cũng sôi động hẳn lên. Dịch vụ cuộn rơm này là của anh Quách Thanh Nhã (Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau).
Hơn 2 năm trước, anh Nhã đầu tư mua máy cuộn với chi phí hơn 100 triệu đồng. Anh Nhã thông tin: “Trung bình 1 ha có thể thu được từ 100 cuộn rơm trong thời gian khoảng 1 tiếng rưỡi. Vụ lúa đông xuân, máy cuộn hoạt động dễ hơn vì nền mặt ruộng khô. Ðến thời điểm này đã thu hoạch rơm với diện tích hơn 500 ha. Hiện tại, chỉ có số ít người bán rơm trên ruộng, đa số bà con cho mình đem máy vào cuộn rồi cho lại vài cuộn rơm để họ sử dụng. Trước đây, rơm bị xem là phế phẩm, nông dân đốt bỏ, nhưng rơm rất có ích, sử dụng để trồng nấm rơm, trồng rau màu, bón cây, nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm…”.
Dịch vụ cuộn rơm giúp nông dân dễ dàng thu gom sản phẩm phụ của cây lúa, phục vụ việc chăn nuôi, làm nấm, làm phân bón cho các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Thanh Tịnh (Ấp 3, xã An Xuyên) mua 500 cuộn rơm về để thả xuống 50 công vuông nuôi tôm, cua. Theo anh Tịnh: “Những vụ thả nuôi trước, trong vuông có năn, tạo môi trường sống cho tôm, cua, nhưng sau đợt hạn mặn năm trước thì năn chết hết. Ðợt này, tôi thấy bà con trong xã thu hoạch lúa xong, có người bán rơm cuộn sẵn rất tiện lợi nên mua về thả xuống vuông, vừa tạo nơi tránh trú cho tôm trong mùa nắng nóng, vừa giảm độ kiềm trong vuông, cải tạo nước, khi rơm mục dần sẽ tạo thức ăn cho tôm, cua mau phát triển”.
Rơm được anh Nguyễn Thanh Tịnh thả xuống vuông để tạo môi trường sống và thức ăn cho tôm, cua. |
Còn anh Nguyễn Hoàng Vũ (Ấp 4, xã An Xuyên) cũng mua 200 cuộn rơm với giá 20.000 đồng/cuộn để ủ trồng nấm rơm. Anh Vũ cho biết: “Rơm mới thu hoạch sau khi mua về, ủ khoảng 10 ngày mới chất ra luống. Với số rơm này mình có thể dự trữ trồng nấm rơm cả năm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.
Dịch vụ cuộn rơm còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chạy máy và vận chuyển, chất rơm. Mỗi cuộn rơm, họ sẽ được trả công 1.000 đồng, trung bình mỗi ngày có thể kiếm từ 400.000-600.000 đồng/người. Tiền công máy cuốn cuộn rơm tại ruộng khoảng 6.000 đồng. Nếu bao luôn việc vận chuyển thì chi phí khoảng 10.000 đồng.
Ðối với các vùng sản xuất lúa như Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình, TP Cà Mau, việc thu hoạch rơm rạ không chỉ tăng giá trị cho cây lúa, mà còn giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân./.
Thảo Mơ