ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 1-5-25 23:33:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Anh hùng của những anh hùng

Báo Cà Mau Gọi Ðại tá Nguyễn Văn Tàu (Trần Văn Quang, Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND), huyền thoại của tình báo Việt Nam, là "anh hùng của những anh hùng" cũng rất đúng và không hề tô hồng, ngợi ca. Bản thân ông Tư Cang cũng căn dặn chúng tôi rằng: “Hãy nói, hãy viết bằng sự thật lịch sử. Bởi chỉ cần nói thật, nói đúng về lịch sử của dân tộc ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thôi, thì đó đã là một câu chuyện phi thường”.

Ông Tư Cang là chỉ huy của 4 đơn vị AHLLVTND: Cụm tình báo H63, Lữ đoàn đặc công biệt động 367, Lữ đoàn đặc công biệt động 316, Phòng tình báo miền J22; và là thủ trưởng của 3 AHLLVTND: Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Thị Ba và Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo).

Từ làng long phước đến đất thép Củ Chi

Ông Tư Cang sinh năm 1928, ở làng Long Phước (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), trong gia đình nghèo. Ngay từ nhỏ, ông Tư Cang đã bộc lộ tư chất thông minh, ham học và học rất giỏi. Ông từng đậu hạng 7 trong số hơn 600 học sinh Nam Kỳ lục tỉnh để giành học bổng của Trường Pétrus Ký (nay là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh).

Ngày 25/8/1945, ông Tư Cang khi ấy 17 tuổi, đội viên Ðội Thanh niên Tiền phong, đã cầm tầm vông vạt nhọn cùng đồng bào quê hương nhất tề giành chính quyền về tay Nhân dân. Thoát ly gia đình theo cách mạng năm 1947, suốt thời kháng chiến chống Pháp, ông Tư Cang hoạt động quân báo trên nhiều vị trí khác nhau tại Tỉnh đội Bà Rịa - Chợ Lớn.

Năm 1954, 9 năm kháng Pháp thắng lợi, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông Tư Cang lên tàu đi tập kết ra Bắc để tiếp tục công tác, học tập trong quân đội. Sống trong cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”, lòng đau xé khi biết Mỹ - Diệm đang giày xéo miền Nam, gieo tội ác tày trời, ông Tư Cang lòng sục sôi nung nấu ngày trở về.

Ông Tư kể: “Lẽ ra, tao về Nam trong chuyến đầu, rồi tổ chức kêu ở lại học lớp tình báo 6 tháng. Vậy là cuối năm 1961 mới về Nam theo đoàn Phương Ðông 2. 100 ngày đêm vượt dãy Trường Sơn, trèo non, lội suối, bám đá, vẫn hừng hực khí thế vì miền Nam đã ngày một gần. Về tới Chiến khu Ð thì đã sang năm 1962”.

Ông Tư Cang nhận nhiệm vụ về căn cứ Củ Chi để xây dựng cụm tình báo chiến lược thu thập thông tin tình báo trong đô thành Sài Gòn, đầu não của chế độ cũ. Ông gọi Củ Chi đất thép với hệ thống địa đạo là một kỳ quan trong nghệ thuật kháng chiến của Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung. Củ Chi, nơi mỗi người dân đội trên đầu khoảng 1,5 tấn bom đạn của Mỹ - nguỵ vẫn kiên cường, bất khuất, hiên ngang trụ vững, trở thành căn cứ địa vững chắc của kháng chiến cho tới ngày toàn thắng.

Cũng tại Củ Chi, Cụm tình báo A18, sau này đổi tên là H63, dưới sự chỉ huy của ông Tư Cang đã lập nên những chiến công phi thường, lừng lẫy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Hồ Hải, Ðại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang, hàng đầu, người mặc quân phục) cùng thế hệ trẻ tỉnh Cà Mau, TP Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm nhân chuyến về nguồn tại căn cứ Củ Chi.

Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Hồ Hải, Ðại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang, hàng đầu, người mặc quân phục) cùng thế hệ trẻ tỉnh Cà Mau, TP Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm nhân chuyến về nguồn tại căn cứ Củ Chi.

Huyền thoại H63

Khi tổ chức xây dựng Cụm tình báo H63, điều đầu tiên ông Tư Cang nghĩ tới là lời dạy của Bác Hồ về công tác tình báo: “Phải luôn luôn dựa vào dân và đi sát địch thì mới có kết quả”. Làm tình báo ngay ở sào huyệt giặc, ông nói với anh em rằng, ghi vô trong ngực 4 chữ “coi như chết rồi” khi làm nhiệm vụ.

Nhưng với ông Tư Cang, Nhân dân mới là anh hùng chân chính, đúng nghĩa nhất. Công lao che chở, đùm bọc, hy sinh của bà con để bảo vệ, ủng hộ cách mạng thì không có gì so sánh được. Không có thế trận lòng dân vững chắc thì Cụm tình báo H63 khó bề hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Dưới quyền chỉ huy của ông Tư Cang là “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn. Với vỏ bọc nhà báo, ông Ẩn tung hoành ngay giữa hang ổ địch, thu thập được rất nhiều tài liệu, tin tức có giá trị chiến lược chuyển ra cho cách mạng, đóng góp lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ của Cụm H63.

Về cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, ông Tư Cang chiêm nghiệm: “Bác Hồ nói rồi, đánh cho Mỹ cút trước, rồi kiểu gì kiểu nguỵ cũng nhào. Mậu Thân năm 1968 chính là cú đánh trời giáng để đánh bại hoàn toàn, tận gốc ý chí xâm lược của Mỹ”.

Giọng nói ông Tư trầm xuống: “Ðợt 1 tiến công, ta tổn thất nhiều. Dù vậy, trận đánh vào đại sứ quán Mỹ phải được lịch sử coi là một chiến công hiển hách, một mốc son chói lọi. 11 chiến sĩ dám đánh thẳng vào Ðại sứ quán Mỹ, leo đến tầng 3, trụ đến viên đạn cuối cùng, con người cuối cùng. Trận này làm hoảng loạn tới cả Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson”.

Ðiện khẩn từ tình báo miền, do ông Sáu Trí (Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm, khi ấy là Trưởng phòng Tình báo Miền - B2) gởi ông Tư Cang: “Một cán bộ cao cấp của ta vừa ra hàng giặc, đồng chí hãy ra ngay Sài Gòn lấy bản cung của hắn đem về. Việc rất gấp”. Trên đường trở lại Sài Gòn, ông Tư Cang mua tờ báo Thần Chung, trang nhất có hàng chữ lớn: “Thượng tá Tám Hà đã trở về với chánh nghĩa quốc gia”. Dưới chữ là cái ảnh lớn, gồm Tám Hà, Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ, tướng 4 sao Westmoreland, và tên đại tá nguỵ Phạm Quốc Thuần.

Việc thu thập lời khai của tên phản bội chiêu hồi Tám Hà (tức Trần Văn Ðắc, Trung tá, Phó chủ nhiệm Chính trị cánh quân phía Bắc của ta đánh vào Sài Gòn đợt 1 Mậu Thân) được triển khai nhanh chóng, với sự chỉ đạo trực tiếp của ông Tư Cang và sự phối hợp tài tình của ông Phạm Xuân Ẩn. Có trong tay bản khai đầy đủ, ông Tư Cang nghĩ: “Kiểu này đánh đấm gì nữa, tên phản bội Tám Hà khai hết ráo trọi kế hoạch tấn công đợt 2 của ta”. Nhưng bằng trực giác và tính cẩn trọng của nghề tình báo, ông Tư Cang cùng với ông Ẩn vẫn tiếp tục thu thập tin tức từ các phía để có một báo cáo đầy đủ, cùng với đó là sự phân tích, tham mưu tối ưu nhất có thể, chuyển về trên.

Nguồn tin của ông Phạm Xuân Ẩn thu thập được quá quan trọng, có giá trị mang tầm chiến lược. Tổng thống Mỹ Johnson rất sợ ta tiếp tục đánh lần 2. Và nếu ta tấn công “đánh bồi, đánh nhồi” lần nữa thì Mỹ chỉ có nước “thương lượng rút quân”.

Khi đã có đầy đủ thông tin, ông Tư Cang soạn báo cáo và tham mưu về trên, trong đó có đoạn: “Tôi đề nghị cấp trên nếu đã chuẩn bị sẵn sàng các mặt thì ta chấp nhận hy sinh, dồn sức đánh một đợt nữa vào Sài Gòn”. Ðến đây, ông Tư Cang nghẹn ngào: “Cái giá của hoà bình, độc lập là biết bao xương máu, hy sinh”...

Cụm tình báo H63 hoạt động trong điều kiện cực kỳ gian khó, nguy hiểm, sinh tử cận kề, nhưng tuyệt đối an toàn, đảm bảo bí mật, đường dây thông suốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao suốt từ năm 1962 đến ngày toàn thắng. Trong đó, đóng góp của H63 vào mục tiêu chiến lược là đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ trong sự kiện tết Mậu Thân 1968 về mặt thông tin tình báo có ý nghĩa rất quan trọng.

Đại tá, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Văn Tàu vẫn miệt mài sống đẹp, sống có ích, sống cống hiến dù đã ở tuổi 97. (Ông Tư Cang tham dự buổi giáo dục truyền thống về nguồn của Tỉnh đoàn Cà Mau về căn cứ Củ Chi)

Đại tá, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Văn Tàu vẫn miệt mài sống đẹp, sống có ích, sống cống hiến dù đã ở tuổi 97. (Ông Tư Cang tham dự buổi giáo dục truyền thống về nguồn của Tỉnh đoàn Cà Mau về căn cứ Củ Chi)

Tiến về giải phóng Sài Gòn

Cục diện chiến trường xoay chuyển mau lẹ theo hướng có lợi cho ta. Thời cơ giải phóng đã mở toang. Ðang ở Bắc học lớp đào tạo cán bộ cấp sư đoàn, ông Tư Cang được lệnh về Nam nhận nhiệm vụ làm Chính uỷ Lữ đoàn đặc công biệt động 316 vào cuối tháng 4/1975.

Lữ đoàn đặc công biệt động 316 dưới sự chỉ huy của ông Tư Cang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đó là giữ được cầu Rạch Chiếc, huyết mạch cho đại quân ta tiến vào Sài Gòn từ hướng Ðông; đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu nguỵ; đánh chiếm căn cứ pháo binh, xe tăng của nguỵ; vận động quần chúng đón đại quân của ta tiến vào Sài Gòn.

Ông Tư Cang, với nụ cười hóm hỉnh, kể lại một chuyện vui ngay sát giờ toàn thắng: “Một cán bộ pháo binh của trên được giới thiệu đến gặp chúng tôi để thảo luận về các vị trí đặt pháo trong thành phố, trên các cao ốc để tiêu diệt những mục tiêu của địch còn chống cự. Tôi giở tấm bản đồ thành phố ra, chỉ rõ các mục tiêu. Ðang bàn bạc thì nhận tin chiến thắng hoả tốc: “Chính phủ Sài Gòn đầu hàng”. Trong niềm vui sướng vỡ oà, ông Tư Cang quay sang nói với đồng chí pháo binh: “Thôi, khỏi cần đặt pháo nữa nghen đồng chí. Toàn thắng rồi!”.

Trong thời khắc trọng đại ấy, ông Tư Cang mừng vì giải phóng mà Sài Gòn vẫn còn nguyên vẹn. Ông về gặp lại vợ, con gái sau gần 30 năm xa cách. Ðứa con gái hồi ông đi còn nằm trong bụng mẹ, nay 28 tuổi, có chồng, có con. Cháu ngoại của ông đang ngủ, thức dậy, chào ông Tư theo sự hướng dẫn của người lớn: “Con trình ông ngoại. Con mừng ông ngoại đã về với bà ngoại”.

Nước mắt ngày gặp mặt dâng trào thổn thức giữa mùa xuân đại thắng...

Giá trị thiêng liêng của hoà bình, thống nhất

Cuộc đời của ông Tư Cang gắn liền với những thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc, từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến ngày toàn thắng 1975, trải dài sang những trận đánh ác liệt ở chiến tranh biên giới Tây Nam. Ông Tư không một ngày ngơi nghỉ để sống đẹp, sống có ích, sống cống hiến dù rằng ông đã được về hưu từ năm 1980 và là thương binh 2/4, mất 61% sức khoẻ.

Gần một thế kỷ cuộc đời, ông Tư Cang đã thấu tỏ một chân lý, ơn Ðảng, ơn Bác Hồ và giá trị của hoà bình, độc lập, thống nhất lớn lao lắm, thiêng liêng lắm. Ông tâm tình: “Mối nhục mất nước, lớp lớp những con người trong thời đại Hồ Chí Minh đã dùng xương máu để rửa sạch làu rồi. Nhưng còn một mối lo, phải lo, là làm sao nước ta phát triển để sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Bác Hồ. Cái này trách nhiệm là của các bạn, thế hệ trẻ Việt Nam”.

Trọng trách của thế hệ trẻ, theo ông Tư Cang là rất lớn. Nhưng việc đầu tiên là phải học tập. Học tri thức, học làm người, làm chủ khoa học - kỹ thuật, công nghệ số để thế hệ trẻ có thể gánh vác trọng trách bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Ông tin tưởng tuyệt đối vào thế hệ trẻ, bởi dân tộc ta, đất nước ta: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có” (Cáo Bình Ngô - Nguyễn Trãi).

Ông Tư Cang dẫn lại câu nói của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự tự hào trào dâng: “Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Ông nói, đất nước Việt Nam bây giờ trên thế giới ai cũng biết tới là một đất nước văn hiến, một dân tộc anh hùng, một xã hội phát triển.

Rồi ông tâm đắc: “Ðồng chí Tổng bí thư Tô Lâm của Ðảng ta đang thổi một luồng gió mới, một kỷ nguyên mới cho đất nước. Việt Nam có chính sách miễn học phí rồi, dự tính tiến tới miễn phí khám chữa bệnh, thêm các mặt phúc lợi, an sinh chăm lo cho người dân, nhất là người có công với cách mạng đang ngày càng tốt thêm. Những cái đó đều là sự nối tiếp, nhân lên từ giá trị của hoà bình, thống nhất, thể hiện bản chất nhân văn, ưu việt của Ðảng ta, chế độ ta”.

Nhớ tới đồng đội, đồng chí, đồng bào đã không may mắn nhìn thấy ngày đất nước thanh bình, ông Tư càng thấm thía giá trị của hoà bình. Ông Tư chậm rãi từng lời: “Hoà bình, thống nhất được đổi bằng máu xương, bằng sự hy sinh của cha ông, điều thiêng liêng này các bạn trẻ phải khắc cốt ghi tâm. Thế hệ hôm nay phải gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc”.


Khó có thể nói hết về ông Tư Cang nếu chỉ gãy gọn trong một bài viết. Chúng tôi, những người con của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc - Cà Mau, xin mượn lời của người đứng đầu Ðảng bộ tỉnh Cà Mau, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cũng là người con của vùng đất thép Củ Chi, để vinh danh ông - người anh hùng của những anh hùng: “Trên khắp thế giới này, chỉ duy nhất ở nước ta, những cán bộ, chiến sĩ tình báo có thể tạo nên những chiến công lừng lẫy, kỳ diệu trong bối cảnh hết sức khó khăn, gian khổ, hiểm nguy như thế. Bác Tư Cang là một huyền thoại, nhân chứng lịch sử kể lại cho hậu thế nghe những câu chuyện ấy, hiểu thấu đáo về giá trị cao đẹp, thiêng liêng của hoà bình, độc lập, thống nhất. Ðối với chúng ta, đó là sự may mắn, niềm hạnh phúc và cả sự tự hào lớn lao”.


Bút ký Phạm Hải Nguyên

 

Anh hùng của những anh hùng

Gọi Ðại tá Nguyễn Văn Tàu (Trần Văn Quang, Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND), huyền thoại của tình báo Việt Nam, là "anh hùng của những anh hùng" cũng rất đúng và không hề tô hồng, ngợi ca. Bản thân ông Tư Cang cũng căn dặn chúng tôi rằng: “Hãy nói, hãy viết bằng sự thật lịch sử. Bởi chỉ cần nói thật, nói đúng về lịch sử của dân tộc ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thôi, thì đó đã là một câu chuyện phi thường”.

50 năm - Nhớ giờ phút này!

Thời điểm chuẩn bị giải phóng miền Nam, theo tinh thần nghị quyết của Quân khu 9 và Tỉnh uỷ Cà Mau: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, đến nửa tháng 4/1975, toàn bộ cứ điểm, đồn bót của địch trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã bị tiêu diệt hoặc rút chạy, chi khu Rạch Ráng trơ trọi như một ốc đảo, sự chi viện từ tiểu khu An Xuyên bằng đường sông đã bị khống chế, đường bộ không có, duy nhất chỉ có trực thăng tiếp tế nhỏ giọt từ thức ăn đến nước uống. Hơn 400 tề nguỵ ở chi khu Rạch Ráng đang khốn đốn, hoang mang tột độ.

Tròn 50 năm tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng Cà Mau

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng miền Nam, bắt đầu từ Chiến dịch Tây Nguyên đầu tháng 3/1975. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 theo tinh thần “Tấn công thần tốc như Nguyễn Huệ” mà đồng chí Lê Duẩn nói trong Hội nghị lần thứ 21 của Trung ương Ðảng.

50 năm nhớ ngày lịch sử vẻ vang

50 năm tôi được sống trong độc lập tự do, hưởng hạnh phúc cùng toàn dân tộc, tôi luôn biết ơn và trân trọng những gì mà người chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận đã cống hiến, hy sinh để giành lại hoà bình, ấm no như ngày hôm nay.

Kỷ niệm về anh

Sau ngày đất nước toàn thắng và thống nhất, tôi từ miền Trung được chuyển về quê công tác. Mấy ngày ngồi trên xe đò từ Cố đô Huế trở về, trong đầu tôi hình dung biết bao hình ảnh về sự đổi thay của thị xã Cà Mau mà ngày tôi ra đi hơn 20 năm trước còn là một thị trấn khiêm tốn nằm ở tận cùng phương Nam Tổ quốc.

Món quà ký ức

Trong căn nhà đơn sơ trên đường Lý Văn Lâm (Phường 1, TP Cà Mau), cựu chiến binh (CCB) Lâm Anh Lữ cầm trên tay cuốn “Kỷ yếu Ban Liên lạc Thị đội Cà Mau và Huyện đội Châu Thành” vừa in xong, mắt ánh lên niềm vui và xúc động: “Cuối cùng thì cũng hoàn thành. Mừng lắm!”. Gương mặt rạng ngời, tay ông run run lật từng trang sách còn thơm nồng mùi giấy mới...

Nhớ ngày tiếp quản Cà Mau

Ngày 30/4, ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam khỏi ách thống trị của bọn xâm lược và bè lũ tay sai, ngày mà triệu triệu người Việt Nam vỡ oà hạnh phúc.

50 năm - Bản hùng ca bất diệt

“Đại thắng mùa xuân năm 1975 là bản anh hùng ca bất diệt, là chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng đó đã chấm dứt hơn 100 năm đô hộ, xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh Uỷ nêu tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 26/4.

Học sinh miền Nam đặc biệt

Trong ký ức của các thế hệ học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc, luôn có hình ảnh hai gương mặt rất đặc biệt, đó là hai chị em người da đen Irene và Monique. Trong suốt những năm tháng học tập, bạn bè chỉ biết họ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nuôi dưỡng, còn gốc gác cụ thể thì ít người rõ.

Tự hào lịch sử, khơi mở tương lai

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Ðảng ta, cả dân tộc đã làm nên Ðại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ðây là mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, như Văn kiện Ðại hội lần thứ IV của Ðảng (1977) tổng kết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi sâu vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.