Thời gian gần đây, một loạt các vụ tai nạn lao động (TNLÐ), từ vụ nổ tại nhà máy xi măng đến vụ nổ bình hơi, gây mất mát đáng tiếc về sinh mạng và sức khoẻ của nhiều người. Những bi kịch này không chỉ là nỗi đau lớn cho gia đình nạn nhân mà còn là một cảnh báo về tầm quan trọng của nâng cao nhận thức về an toàn lao động trong cộng đồng.
- Khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục tai nạn điện
- Chuyển biến tích cực
- Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
- Tiếp thêm động lực cho người lao động
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023, toàn quốc ghi nhận 7.394 vụ TNLÐ, giảm 324 vụ so với năm 2022, tương ứng giảm 4,2%. Mặc dù số liệu này ghi nhận có sự giảm nhẹ, nhưng con số bi thảm của những người thiệt mạng và bị thương vẫn là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ. Riêng tại tỉnh Cà Mau, 10 vụ TNLÐ đã làm tử vong 6 người, tăng 4 vụ so với năm trước.
Mới đây nhất, vào ngày 22/4, trong quá trình lực lượng thi công lưới điện 220 KV trên địa bàn ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, đã xảy ra sự cố đứt dây thừng (dây dùng để kéo dây điện lên trụ điện), làm dây điện rơi xuống trúng vào vùng mặt của một công nhân đang kéo dây, mặc dù nạn nhân được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng đã tử vong sau đó.
Ðang là một lao động khoẻ mạnh, là trụ cột trong gia đình, anh Trần Hữu Lộc, sinh năm 1993, ngụ Khóm 3, Phường 4, TP Cà Mau, không may gặp TNLÐ. Tai nạn ập đến đã khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn, hiện kinh tế phụ thuộc vào người cha già ngồi xe lăn bán vé số mỗi ngày.
Em Trần Hữu Lộc đang sống cùng người cha đã ngoài 80, cuộc sống gặp nhiều khó khăn từ khi em bị tai nạn lao động.
Anh Lộc chia sẻ: "Khoảng 4 năm trước, khi tôi đang sơn thì bị ngã từ trên cao xuống, bị gãy 2 chân và 3 xương sườn. Khi đó tôi không có bảo hiểm y tế, chỉ được chủ thuê hỗ trợ một ít để điều trị. Hiện tại, tay và gò má tôi còn gắn inox nên không đi lại nhiều được".
Hay như trường hợp của ông Trương Văn Hoàng, sinh năm 1969, ngụ Khóm 3, Phường 4, TP Cà Mau, đang sống cùng người mẹ già gần 90 tuổi, gia đình thuộc hộ cận nghèo. "Khoảng mấy năm trước, khi tôi đang hàn tiện thì bị té từ trên cao xuống, giập 1 trái thận, gãy chân. Ðến nay, sức khoẻ ổn hơn nên hằng ngày tôi vẫn đi làm thuê", ông Hoàng bộc bạch.
Ông Trương Văn Hoàng (bìa phải), từng bị tai nạn lao động, té từ trên cao, bị giập 1 trái thận, gãy chân, nay vẫn phải đi làm thuê để nuôi mẹ già.
Bí thư Chi bộ, Trưởng Khóm 3, Phường 4, TP Cà Mau, ông Nguyễn Quốc Kiệt cho biết, phần lớn người dân trên địa bàn khóm sống chủ yếu bằng nghề mua bán nhỏ và lao động tự do. Ðã qua, những trường hợp gặp tai nạn đều là lao động tự do, trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền về vấn đề an toàn lao động; giới thiệu bà con đi lao động tại các công ty, xí nghiệp nhưng rất nhiều trường hợp không đủ trình độ để được nhận vào làm việc.
Những trường hợp trên là những ví dụ cụ thể về hậu quả khôn lường của TNLÐ. Với những người có hoàn cảnh khó khăn, không những họ phải chịu đựng vết thương cơ thể vô cùng đau đớn, mà TNLÐ còn gieo bóng đen lên tương lai của họ và gia đình.
Ðể giảm bớt những tai nạn thương tâm này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Cần tăng cường tuyên truyền và giáo dục về an toàn lao động. Ðặc biệt là công nhân, người lao động cần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của vấn đề an toàn và vệ sinh lao động, cũng như hiểu rõ hậu quả của việc không tuân thủ quy trình an toàn. Sự cảnh giác và sẵn sàng thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân (thứ 7 từ trái sang) và Giám đốc Sở LĐ, TB&XH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh tặng quà cho người bị tai nạn lao động.
Ðể thiết thực hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đã đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về an toàn, vệ sinh lao động đến từng cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp; tăng cường thực hiện đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, các giải pháp cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.
Phúc Duy