Ông Nguyễn Xuân Tình, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đánh giá, thời gian qua, các ngành, các cấp đã dành nhiều sự quan tâm đến việc chăm lo, cải thiện đời sống, cải thiện môi trường làm việc nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ và đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân, người lao động (NLÐ).
Nhằm mục đích nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của NLÐ và người sử dụng lao động trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội luôn quan tâm, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tỉnh, UBND các huyện, TP Cà Mau tuyên truyền một số thông tin cơ bản về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) để Nhân dân toàn tỉnh nắm bắt, tự đánh giá mối nguy hiểm trong quá trình lao động và biết cách phòng tránh, chủ động hơn trong lao động, giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động khi đang sản xuất, làm việc.
Theo ông Nguyễn Xuân Tình, công tác ATVSLÐ thời gian gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh quan tâm hơn về công tác ATVSLÐ, đầu tư cải tiến dây chuyền công nghệ sản xuất, quản lý chặt chẽ hơn về ATVSLÐ. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu về cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tác động môi trường, hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Nhiều đơn vị đã phát động cán bộ, công nhân, viên chức xây dựng phong trào xanh - sạch - đẹp, phong trào thi đua về an toàn lao động - phòng chống cháy nổ; duy trì và phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh viên; xây dựng nội quy lao động, quy trình an toàn cho các loại máy, thiết bị; quản lý hồ sơ sức khoẻ của NLÐ, trang cấp phương tiện bảo hộ cá nhân cho NLÐ và phương tiện phòng cháy, chữa cháy... Các vụ tai nạn lao động được điều tra kịp thời; quyền lợi, chế độ của NLÐ được giải quyết đúng quy định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và công tác giảm nghèo của tỉnh.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm hơn về công tác ATVSLÐ. (Ảnh chụp công nhân lao động tại Công ty Cổ phần Camimex).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATVSLÐ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn nhất định, như: các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề vẫn chưa quan tâm đúng mức về công tác ATVSLÐ; nhận thức của NLÐ về công tác ATVSLÐ chưa đầy đủ, thực hiện chưa nghiêm; tình hình tai nạn lao động vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động lao động sản xuất, đời sống xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Tình cho biết, mặc dù công tác đảm bảo ATVSLÐ được các ngành, các cấp, đơn vị và doanh nghiệp quan tâm, phối hợp thông tin tuyên truyền, triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực; sự quan tâm thực hiện các chính sách xã hội như: thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người bị tai nạn lao động nhằm an ủi, động viên tinh thần cho NLÐ; tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, NLÐ trong một số lĩnh vực chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo ATVSLÐ, chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, chưa tham gia đầy đủ bảo hiểm cho NLÐ..., từ đó dẫn đến tình hình tai nạn lao động vẫn còn xảy ra. Ðây là điểm đáng quan tâm nhất trong công tác ATVSLÐ trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn lao động, trong đó có 6 vụ tai nạn lao động chết người.
Những năm gần đây, nhiều đơn vị sử dụng lao động quan tâm hơn công tác ATVSLĐ, từ đó hạn chế bệnh nghề nghiệp xảy ra trong lao động sản xuất. (Ảnh chụp tại Công ty Cổ phần Dược Minh Hải).
Theo phân tích từ ngành chức năng, để đảm bảo ATVSLÐ trên địa bàn đạt hiệu quả như kỳ vọng, cần triển khai các kế hoạch liên quan một cách cụ thể hơn. Cụ thể trong hoạt động huấn luyện, cải thiện, hướng dẫn các kỹ năng làm việc cho NLÐ; cải thiện điều kiện làm việc, khắc phục các thiếu sót về ATVSLÐ; phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động, hướng đến các khu vực có quan hệ lao động cũng như không có quan hệ lao động, góp phần kịp thời phát hiện, phòng ngừa các nguy cơ về tai nạn lao động và chấp hành các quy định của Luật ATVSLÐ. Ðồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức khen thưởng các tập thể, các nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLÐ; thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giao lưu văn hoá, văn nghệ lồng ghép nội dung tuyên truyền về ATVSLÐ... phù hợp với điều kiện của đơn vị.
Ông Nguyễn Xuân Tình cho biết thêm, tỉnh đã triển khai kế hoạch Tháng Hành động ATVSLÐ năm 2024, với kỳ vọng tạo cao điểm về các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLÐ. Ðồng thời, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức, các hành động cụ thể về đảm bảo ATVSLÐ tại nơi làm việc, tiếp cận trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ.
Với chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLÐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, Tháng Hành động ATVSLÐ năm 2024 được diễn ra từ ngày 1-31/5 với nhiều hoạt động, như: tổ chức lễ phát động, tuyên truyền, thông tin kịp thời về nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố, để phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cộng đồng. Ðẩy mạnh triển khai các chương trình hành động cụ thể về đảm bảo ATVSLÐ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng, chống cháy nổ, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn - xanh - sạch - đẹp - thân thiện. Rà soát, nhận diện, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLÐ, đặc biệt là trong các nhóm ngành, nghề, công việc có nguy cơ rủi ro cao như hàn cắt, sử dụng điện. Ðẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong một số ngành, lĩnh vực để xảy ra nhiều tai nạn lao động như xây dựng, sử dụng điện. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi và tặng quà các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm kịp thời chia sẻ những mất mát và động viên các gia đình khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống...
Văn Ðum