(CMO) Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tình trạng tàu khai thác vi phạm cả vùng biển trong và ngoài nước. Dù vậy, xoay quanh thiết bị giám sát hành trình vẫn còn nhiều câu chuyện để bàn như chất lượng thiết bị, giá thành, công tác bảo trì sửa chữa và cả việc tháo gỡ sau khi tàu ngưng hoạt động thời gian dài…
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại đã có 1.346 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong tổng số 1.625 tàu thuộc diện bắt buộc. Như vậy, tính ra hiện nay toàn tỉnh còn đến 279 phương tiện chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo các cơ quan quản lý, có rất nhiều nguyên nhân khiến các tàu còn lại chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tiêu biểu như chủ tàu hiện không còn ở địa phương hoặc nơi cư trú theo hồ sơ quản lý (73 tàu); tàu cá đã sang bán (57 tàu); tàu cá ngưng hoạt động (80 tàu); chỉ còn 54 tàu đang hoạt động; giá thiết bị, giá cước còn cao so với tài chính của người dân...
Nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình kiểm tra hoạt động của thiết bị. |
Trong số các nguyên nhân trên thì giá thiết bị và giá cước hàng tháng là một trong những lý do chiếm tỷ lệ khá lớn. Dù hiện tại trên địa bàn tỉnh có đến 5 nhà mạng được phép cung cấp thiết bị cho ngư dân nhưng giá mỗi thiết bị hiện còn dao động từ 25-45 triệu đồng. Riêng về phí dịch vụ, bình quân mỗi tháng cũng khoảng 300.000 đồng, cước cuộc gọi và nghe một phút hơn 30.000 đồng. Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Lâm Văn Phú đã từng nhận định, với giá thiết bị và giá cước như hiện nay là còn khá cao so với thu nhập của người dân và so với cước gọi điện thoại.
Nhận định này của ông Phú là hoàn toàn có cơ sở khi đối chiếu với con số 245 tàu mất kết nối thời gian qua đã có 105 tàu bị ngắt do lỗi chưa đóng phí. Còn lại 13 thiết bị bị lỗi kỹ thuật và 156 tàu chưa rõ nguyên nhân. Điều này cũng đồng nghĩa chất lượng thiết bị đôi lúc chưa đảm bảo. Liên quan đến việc vận hành thiết bị giám sát hành trình của ngư dân, ông Phú cho biết thêm, do còn mới nên trong quá trình vận hành gặp sự cố các chủ tàu không biết cách xử lý, khắc phục và khi có hư hỏng nhà cung cấp chậm khắc phục sửa chữa.
Một trong những vấn đề khiến ngư dân băn khoăn là câu chuyện sau khi lắp đặt thiết bị giám sát mà tàu tạm ngưng hoạt động, sang bán thì việc tháo gỡ sẽ như thế nào? Trước thực tế đó, Sở NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1076 về quy trình lắp đặt, tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Theo đó, quyết định này quy định quy trình lắp đặt thiết bị; quy trình bảo hành, sửa chữa; quy trình tháo gỡ thiết bị khi tàu tạm ngưng hoạt động; tàu sang bán có lắp đặt thiết bị.
Theo quyết định này, nếu tàu tạm ngưng hoạt động khai thác trên biển trong thời gian từ 1 tháng trở lên sẽ được tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, chủ tàu chỉ cần thông báo đến đơn vị cung cấp thiết bị về thời gian dự kiến tạm ngưng hoạt động và yêu cầu đơn vị cung cấp thiết bị ngắt kết nối vệ tinh thiết bị VMS để tránh lãng phí thuê bao dịch vụ. Từ đó, đơn vị cung cấp thiết bị tạm khoá dịch vụ, hướng dẫn ngư dân bảo quản thiết bị và thông báo đến Chi cục Thuỷ sản về thông tin tàu cá ngắt kết nối. Đồng thời, khi tàu hoạt động trở lại, chủ tàu thông báo đến đơn vị cung cấp dịch vụ để cung cấp lại dịch vụ vệ tinh cho thiết bị.
Ngoài ra, trong trường hợp sang bán, quyết định này cũng quy định quy trình thay đổi, tháo thiết bị giám sát hành trình cụ thể và chi tiết về trách nhiệm của các bên có liên quan. Dù vậy, để thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các đơn vị có liên quan./.
Nguyễn Phú