(CMO) Hiện nay, giá các loại nhiên liệu đầu vào đều được điều chỉnh giảm về mức 23.000-24.000 đồng/lít tuỳ loại. Trong đó, cụ thể ở đợt điều chỉnh giảm gần đây nhất, giá xăng E5RON 92 không cao hơn 23.725 đồng/lít; xăng RON 95 không cao hơn 24.669 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 22.908 đồng/lít; dầu hoả không cao hơn 23.320 đồng/lít.
Biện pháp kiềm chế lạm phát bằng cách giảm giá xăng dầu của Chính phủ đang là quyết sách đúng đắn, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề nghịch lý hiện nay là sau 4 lần điều chỉnh giảm sâu giá xăng dầu, đến thời điểm hiện tại một số hàng hoá, dịch vụ vẫn không hề giảm giá, trong đó cước vận tải là một ví dụ điển hình.
Bến xe khách Cà Mau có 17 đơn vị kinh doanh loại hình vận tải hành khách đang hoạt động có kê khai tăng giá cước dịch vụ vận tải tại thời điểm giá xăng dầu tăng ở ngưỡng hơn 30.000 đồng/lít, tỷ lệ tăng dao động từ 5-36%.
Ông Võ Quốc Tiến, Phó trưởng Bến xe khách Cà Mau, cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, Ban Điều hành bến vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào giảm giá cước. Đơn vị chúng tôi chỉ quản lý về mặt vận hành bến, việc tăng hay giảm giá cước của doanh nghiệp chúng tôi chỉ ghi nhận để báo cáo, còn việc can thiệp để doanh nghiệp tăng, giảm giá cước không thuộc thẩm quyền đề xuất của bến”.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải hành khách vẫn chưa điều chỉnh giảm giá cước theo đà giảm sâu của giá xăng dầu.
Lý giải cho việc giá cước vận tải không giảm theo giá xăng dầu, một số doanh nghiệp cho rằng, mức tăng giá cước không nhiều, thêm vào đó loại hình kinh doanh vận tải hành khách sau dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng. Do đó, việc chưa giảm giá ở thời điểm này cũng là để bù lỗ cho doanh nghiệp.
Đó cũng là xu hướng và lý do chung của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Mặc dù vậy, việc tăng giá ở thời điểm giá nhiên liệu tăng và không giảm khi giá nhiên liệu giảm là điều bất hợp lý.
Theo ông Nguyễn Quang Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải, hồ sơ kê khai điều chỉnh giá cước do giá nhiên liệu tăng, trong thời gian qua, rất ít doanh nghiệp làm, do hoạt động vận tải sau dịch vẫn chưa bình ổn, chỉ chạy cầm chừng. Tức là khi đã ít khách mà còn tăng giá nữa thì người ta lại càng ít đi, cũng vì vậy không nhiều doanh nghiệp kê khai điều chỉnh giá. Về vấn đề này, sở đang rà soát để phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành rà soát lại. Theo đó, nếu phát hiện doanh nghiệp nào không kê khai điều chỉnh tương ứng thì sẽ xem xét đề nghị điều chỉnh giảm, nếu có sai phạm tuỳ theo mức độ sẽ xử lý đúng quy định của pháp luật.
“Hiện vẫn chưa có văn bản cụ thể nào của Bộ Tài chính hay của Chính phủ quy định là giá xăng dầu giảm bao nhiêu phần trăm, trong thời hạn bao lâu thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá cước và điều chỉnh bao nhiêu. Theo quy định của Bộ Tài chính, đối tượng kê khai giá cước là đối tượng được hoạt động theo cơ chế thị trường, nên doanh nghiệp tự động điều chỉnh theo thị trường. Bây giờ, giá nguyên liệu giảm hoặc giảm sâu mà họ không điều chỉnh giảm, họ cầm giá cao thì họ cũng sẽ tự làm khó mình”, ông Hải giải thích.
Việc cạnh tranh theo cơ chế thị trường của các doanh nghiệp là điều tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, cơ chế thị trường cũng phải được quản lý chặt theo khuôn khổ của pháp luật và lợi ích của người dân, nhất là đối với đối tượng yếu thế, khó khăn sau đại dịch. Qua đó, vừa tạo sự cạnh tranh công bằng trong kinh doanh đối với những doanh nghiệp vận tải, vừa giảm bớt gánh nặng cho người dân trong thời điểm khó khăn này./.
Lê Chí