ĐT: (0290) 383 1066 - 383 3905
Thứ sáu, 29-9-23 03:03:29

Giám đốc tận tâm vì dân

Báo Cà Mau (CMO) Dù ở cương vị giám đốc nhưng anh Toản không ngại ra đồng cùng nông dân, khi thì trong căn chòi canh rẫy, khi thì chạy xe máy rong ruổi khắp nơi để tìm những “trái tim” có cùng tâm huyết như anh… Trong mắt mọi người, anh Toản là “giám đốc nông dân” hiền lành, gần gũi, tận tâm đồng hành cùng nông dân vươn lên số phận, giúp họ làm chủ thời cuộc và tiên phong trên trận tuyến giảm nghèo…

Từng là nông dân, dám chấp nhận nhiều thử thách, kết hợp đổi mới, sáng tạo để chạm đến thành công rồi thất bại, từ thất bại lại vươn lên thành công, nhưng cuối cùng vẫn không vượt qua được rào cản giá cả thị trường, anh Lâm Quốc Toản, Ấp 7, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, đau đáu nỗi buồn khi phải chấp nhận bỏ cuộc với mô hình khởi nghiệp chăn nuôi gia cầm mà anh đã tâm huyết, gắn bó trong suốt khoảng thời gian 14 năm của tuổi trẻ. Với anh, bỏ cuộc không phải là hết mà để bắt đầu cuộc chinh phục thử thách mới…

Anh Lâm Quốc Toản trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân An Phát, phát triển HTX theo hướng “liên kết cả cộng đồng cùng phát triển sản xuất, trao đổi hàng hoá, kết hợp công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao lợi nhuận, giảm nghèo cho nông dân”, một việc làm hết sức nhân văn và thiết thực, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng cho người dân và định hướng xã hội hiện nay.

Anh Toản tập huấn chuyển đổi số cho bà con nông dân theo hình thức cầm tay chỉ việc, để đạt hiệu quả cao nhất.

Ðứng vững sau thất bại

20 năm trước, vì kinh tế khó khăn, cha mẹ cao tuổi, thường xuyên bệnh, nên anh Lâm Quốc Toản bấm bụng rời giảng đường khi đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, trong sự bất ngờ, nuối tiếc của thầy cô, bạn bè và gia đình. Năm 2002, anh lập gia đình và khởi nghiệp với mô hình nuôi gà, vịt thương phẩm, cung cấp con giống. Nhiều người bảo anh, dân gian có câu “Muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, sao lại lao vào?

Anh Toản bình tĩnh trước lời phán đoán của mọi người và âm thầm làm theo cách riêng của mình. Ðúng như suy nghĩ và dự đoán của anh Toản, khoảng thời gian từ năm 2008-2010 là thời điểm huy hoàng nhất, trang trại nhỏ của anh Toản luôn duy trì số lượng trên 1.000 con gà, vịt giống; hàng tháng xuất bán ra thị trường khoảng 10.000-15.000 con gà, vịt thương phẩm và con giống, trừ chi phí, lợi nhuận hàng năm 200-400 triệu đồng. Kinh tế ổn định, anh Toản thay cha mẹ lo cho 2 em học đại học đến khi ra trường. Năm 2008 anh là gương mặt đoàn viên thanh niên ưu tú, tiên phong trong các phong trào Ðoàn cũng như trong lao động sản xuất, được xét trao giải thưởng Lương Ðịnh Của, với mô hình “nuôi gà, vịt thương phẩm, lai giống theo hướng an toàn sinh học”, là một phương pháp nuôi khá mới tại địa phương thời đó.

Thời điểm giữa năm 2011, đại dịch cúm gia cầm bùng phát trong tỉnh và cả nước, dù chuẩn bị tâm lý, thực hiện tốt công tác tiêm phòng, nhưng trang trại gia cầm của anh Toản ảnh hưởng nặng nề. Cùng thời điểm này anh Toản thất thần khi người em giúp anh trông coi trang trại tử vong do tai nạn điện và rất đau khi nhìn đàn gà, vịt mình thương yêu, chăm sóc hàng ngày chết rũ, vật vã. Anh Toản bấm bụng để nhân viên thú y, ngành chức năng tiêu huỷ tổng đàn để đảm bảo công tác phòng ngừa dịch bệnh theo quy định. Lần này anh Toản thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.

Anh nhớ lại: "Thời điểm đó tôi mất hết niềm tin và ý chí, nhốt mình ở ngoài chòi canh vịt, gà, trong đầu có lúc nghĩ chuyện không hay. Nhưng nghĩ về gia đình và các con, tôi đã cố gắng vươn dậy, quyết tâm làm lại từ đầu".

Với suy nghĩ “thất bại ở đâu thì đi lên từ đó”, anh Toản đã mạo hiểm thử thách thêm lần nữa. Anh Toản cho biết: "Từ năm 2015 tôi đã dành khá nhiều thời gian đi học tập kinh nghiệm nuôi gà, vịt ở các trang trại lớn trong và ngoài tỉnh. Sau đó đầu tư xây dựng chuồng trại kiểu mới, chọn con giống F1, loại tốt nhất nhập về, gầy dựng lại trang trại, kết hợp các kỹ thuật nuôi tiên tiến". Sau 1 năm đầu tư với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng, trang trại chăn nuôi gà, vịt của anh Toản đã được khôi phục và phát triển.

Ðàn gà, vịt đạt sản lượng và chất lượng như mong muốn, anh Toản gần như thành công sau khi gầy dựng lại trang trại. Tuy nhiên, thật trớ trêu, dù nuôi đạt hiệu quả cao, nhưng giá gà, vịt thương phẩm lại rơi vào tình thế ế ẩm, giá cả bấp bênh, bán ra chỉ từ huề đến lỗ… Một lần nữa, anh Toản gần như lâm vào “ngõ cụt”, bởi lẽ anh có thể cầm chắc phần thắng trong kỹ thuật nuôi, để mang lại hiệu quả, chất lượng cho hàng ngàn con gia cầm, nhưng không thể quyết định được giá đầu ra trên thị trường. Mỗi ngày chi phí thức ăn 2-3 triệu đồng, xác định nếu nuôi kéo dài thì chỉ cầm đường lỗ, một lần nữa anh Toản chịu lỗ trên 1,5 tỷ đồng và đành chấp nhận bỏ nghề giữa năm 2018. Ước mơ chinh phục, phất lên từ đàn gà, vịt vụt tắt từ ấy.

Tìm công bằng và lợi ích cho nông dân

Với anh Toản, bỏ cuộc không phải là hết, mà là buông bỏ để bắt đầu một hành trình chinh phục thử thách mới. Cuối năm 2019, từ nền tảng HTX dịch vụ nông nghiệp Tân An trước nguy cơ tan rã, anh Toản là người tiên phong gầy dựng và chuyển thành HTX Tân An Phát, ban đầu chỉ 20 thành viên, chuyên ngành tư vấn, môi giới bất động sản, quyền sử dụng đất; bán buôn thực phẩm; nuôi trồng thuỷ sản nội địa; hoạt động dịch vụ nông nghiệp và chăn nuôi gia cầm.

Theo lời anh Toản: "HTX là cơ sở để tôi đi tìm lợi ích, công bằng cho chính tôi và cả người nông dân xưa nay vốn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vất vả, khốn khó nhưng không thể quyết định được giá trị sản phẩm do mình làm ra".

Tôi xin 1 vé để trở thành thành viên của HTX Tân An Phát, tham gia các nhóm, Group trao đổi thông tin, bán hàng của HTX để có cơ hội theo dõi sự phát triển của HTX và nắm bắt từng nếp nghĩ, cách làm của anh giám đốc nông dân đầy tâm huyết trong quá trình đưa HTX đi lên. Anh Toản dành trọn thời gian cho công việc xây dựng hệ thống, anh đi khắp các huyện, thành phố, về tận các xã, phường, các ấp liên hệ, tìm gặp chính quyền địa phương và người dân, cả cán bộ, giáo viên, những người trí thức có chung ý tưởng để liên kết, mời tham gia thành viên HTX. Sau 1 năm, anh Toản đã vận động kết nạp khoảng trên 1.000 thành viên, cộng tác viên cho HTX.

Sản phẩm đầu tiên HTX hướng đến là tìm nguồn đất cần bán trong dân, thuộc 9 huyện, thành phố trong tỉnh Cà Mau, trên cơ sở đó thực hiện ký kết hợp đồng mua bán và mức hoa hồng theo thoả thuận với chính chủ (công khai) đưa về HTX để các thành viên cùng đăng bán hưởng hoa hồng theo quy định HTX. Ðồng thời, anh Toản đã chủ động đi tìm nhiều nguồn hàng, kết nối nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đa dạng mặt hàng, đặc sản, nhu yếu phẩm, mặt hàng gia dụng… để mọi người cùng đăng bán, góp phần tăng thêm thu nhập cho thành viên, cộng tác viên. Bước đầu HTX hoạt động khá hiệu quả, thành viên, cộng tác viên HTX rất phấn khởi, bày tỏ sự biết ơn đối với người sáng lập ra mô hình này.

Ðể đưa HTX phát triển, trong gần 4 năm qua anh Toản dành phần nhiều thời gian, công sức và tài chính (trên 2 tỷ đồng) để xây dựng nâng cấp trang thương mại điện tử (TMÐT) và củng cố các hoạt động HTX. Với trang TMÐT, chúng tích hợp đầy đủ những tính năng cần thiết, tiện ích, phù hợp với nhiều thành phần, đối tượng, độ tuổi từ trí thức đến người nông dân, thậm chí trẻ em, để tiện chia sẻ thông tin hàng hoá, liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước với nông dân. Sau đó, HTX liên kết với chính quyền địa phương tập huấn chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên, nông dân, để mọi người đều có thể đăng bán những sản phẩm từ “cây nhà lá vườn” do chính tay nông dân làm ra, với mức giá do mình quyết định.

Khi có mô hình HTX do anh Toản tâm huyết, sáng lập, bà con rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ. Chị Nguyễn Cẩm Tú, Ấp 12, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, cho biết: "Nơi đây tiện đường, lái đến thu mua dưa leo, đậu đũa, khổ qua giá 8.000-15.000 đồng/ký. Tuy nhiên, đến chợ thăm dò giá bán lẻ, đến tay người tiêu dùng nâng lên 30-50% so với giá tại vườn. Chúng tôi mong muốn sớm được tham gia cùng HTX Tân An Phát để mua bán Online, mô hình này có lợi và rất thiết thực cho cả nông dân và người tiêu dùng".

Ông Phạm Văn Xê, công chức phụ trách mảng nông nghiệp xã Khánh Lâm, huyện U Minh, cho biết: "Với sáng kiến của anh Toản mở rộng quy mô HTX kiểu mới, kết hợp ứng dụng công nghệ, chuyển giao cho nông dân, mô hình rất hay và tạo điều kiện tốt để nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời là cầu nối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng để cùng nhau hưởng lợi, vì không phải qua nhiều khâu trung gian”.

Ðể nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số cho người dân vùng nông thôn, trong các buổi tập huấn chuyển đổi số do anh Toản phụ trách, anh chọn phương pháp đến tận các luống rau, ruộng màu cầm tay chỉ việc, trực tiếp hướng dẫn nông dân những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chụp hình nông sản, sản phẩm của bà con trồng sao cho bắt mắt, sau đó hướng dẫn bà con cách giới thiệu, đăng bán sản phẩm lên trang TMÐT của HTX, giá do nông dân quyết định, HTX có lực lượng shiper đến tận rẫy lấy hàng giao đến tay người tiêu dùng. Với cách này, cả nông dân và người tiêu dùng đều có lợi, người tiêu dùng được mua thức ăn ngon, tươi tại vườn với mức giá phải chăng, phần nông dân quyết định mức giá mình bán ra. Phần HTX sẽ thu về 7-10% chi phí/tổng số tiền nhà bán hàng để trả chi phí kỹ thuật, cộng tác viên; thay vì người dân bán cho vựa, đến tay người tiêu dùng đội giá lên đến 30-40% như từ trước đến nay. Hiện nay, bộ máy HTX Tân An Phát đã ổn định, chính thức 600 thành viên, cộng tác viên, trong đó chiếm 30% là nông dân. Ðây là những gương mặt ưu tú, có tâm huyết, đồng thời là lực lượng nòng cốt, sẽ tiếp sức cùng anh Toản đi về các vùng nông thôn chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số cho bà con, hình thành một cộng đồng sản xuất, mua bán, trao đổi bán hàng hoá tiện nghi trên không gian mạng…

Có lẽ đây là HTX đầu tiên trong tỉnh theo hướng mở rộng đối tượng toàn tỉnh, lại hướng về lợi ích người nông dân, một mô hình HTX kiểu mới hứa hẹn mang về vùng nông thôn và cuộc sống nông dân luồng gió mới, hiện đại trong cách làm ăn, mua bán, giúp nông dân chủ động làm giàu trên mảnh đất, thửa ruộng quê hương, rũ bỏ những thiệt thòi, cam chịu như trước đây. Bên cạnh đó, HTX còn là môi trường kinh doanh thông minh để tất cả mọi người có thể tương trợ, cùng nhau khởi nghiệp và kiếm tiền chân chính theo hình thức liên kết cộng đồng tạo thành sức mạnh tập thể: “Ðoàn kết, đóng góp, xây dựng, cùng phát triển”.

Gần đây, trở lại tham quan khuôn viên khu vườn nhà anh Toản, gợi trong tôi rất nhiều cảm xúc, khi nhớ về ký ức trải nghiệm cảnh nhặt trứng gà, vịt còn âm ấm; cùng tiếng kêu rộn vang cả khu vườn, nhìn anh, tôi cảm nhận được nỗi buồn trĩu nặng. Thời ấy, anh Toản đã nỗ lực hết sức nhưng không thể vượt qua nguyên nhân khách quan (giá cả thị trường). Thế nhưng, anh vẫn nuôi ý chí và khát vọng vươn lên, xây dựng mô hình HTX mang tầm vĩ mô, hiệu quả lâu dài. Nhân văn hơn khi khát vọng ấy không chỉ cho riêng anh Toản mà cho cả xã hội, hướng đến bênh vực, bảo vệ lợi ích chính đáng, giúp nông dân nâng cao thu nhập./.

 

Loan Phương

 

Nuôi cua trong hộp nhựa

Ðể nâng cao chất lượng cua tươi sống đến tay người tiêu dùng, anh Lê Hữu Nhiệm (ấp Lung Ðước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn) đang thí điểm mô hình nuôi cua thương phẩm (vỗ béo) trong hộp nhựa, bước đầu cho kết quả khả quan.

Nông nghiệp Cà Mau - Phát huy lợi thế, tạo sự khác biệt

Hệ sinh thái mặn - ngọt - lợ đan xen đã tạo nên bức tranh nông nghiệp Cà Mau đa dạng sắc màu và vô cùng độc đáo. Trong đó, tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn; tôm sạch, lúa hữu cơ... là những điểm chấm phá tiêu biểu.

Nuôi cua 2 giai đoạn - Hiệu quả, cải thiện môi trường

Cà Mau có diện tích nuôi cua lớn nhất, nhì đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Hình thức nuôi chủ yếu hiện nay là kết hợp với nuôi tôm sú, trên diện tích khoảng 248.000 ha; nuôi thâm canh, bán thâm canh khoảng 2.000 ha.

Khuyến công hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn

Từ khi Nghị định số 45/2012/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến công được ban hành đến nay, qua hơn 10 năm thực hiện chương trình khuyến công, tỉnh hỗ trợ 10 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ trên 100 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị; 5 cơ sở được hỗ trợ tư vấn, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm...

Tạo môi trường nuôi tôm bền vững

Những năm trước đây, giá lúa trên thị trường khá thấp, giá vật tư nông nghiệp thì luôn ở mức cao, nhưng bà con nông dân huyện Cái Nước vẫn duy trì sản xuất lúa trên đất nuôi tôm để cải thiện môi trường, tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm nuôi phát triển. Năm nay, giá lúa tăng mạnh, tạo thêm động lực cho bà con nông dân sản xuất vụ lúa - tôm.

Vẫn còn tình trạng tàu cá mất kết nối

Tính đến ngày 17/8, tỉnh Cà Mau có 1.496/1.496 tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đạt 100%.

Thành phố Cà Mau: Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của UBND TP Cà Mau, trong 8 tháng, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tiếp tục ổn định và phát triển. Thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Phải giải quyết ngay các kiến nghị, ý kiến của doanh nghiệp

Sáng 16/9, trong buổi “Cà phê doanh nghiệp” lần thứ 11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo các ngành, địa phương phải xác định thời gian giải quyết, không "ngâm" ý kiến của doanh nghiệp.

Khí - điện - đạm tiếp tục tăng trưởng

Đến nay, sản lượng khí thương phẩm ước đạt trên 1.116 triệu m3, bằng 77% kế hoạch, tăng 38,8% so cùng kỳ năm trước; sản lượng điện sản xuất ước đạt hơn 4.093 triệu kWh, bằng 83,5% kế hoạch, tăng 64,5%; sản lượng LPG - Condensate ước đạt 87.352 tấn, bằng 76,6% so với kế hoạch, tăng 45,9%; sản lượng phân bón ước đạt 747.631 tấn, bằng 74,8% kế hoạch, tăng 4,8%.

Người con xứ Ðầm

Anh Lê Minh Sang (ngụ ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi) là người đàn anh học chung trường với tôi thời phổ thông, anh học hơn tôi 2 lớp. Tôi và anh đều là những người con của xứ Ðầm, từ xã vùng sâu ra huyện thuê trọ đi học. Những lần gặp anh, anh hay nói vui rằng học chữ ngán quá, chắc anh “buông”, về quê làm nông dân! Ai dè anh làm thiệt...