(CMO) Giảm giá thành sản xuất đang là mối quan tâm hàng đầu, nỗi trăn trở của nhiều hộ nuôi tôm; bởi chi phí sản xuất quá cao, sau khi thu hoạch người nuôi đạt lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ, khiến nghề nuôi tôm khá bấp bênh, thiếu bền vững.
Giảm yếu tố đầu vào
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Năm Căn, chia sẻ, từ đầu năm đến nay, như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản khác trên địa bàn tỉnh, công ty gặp khó trong xuất khẩu. Nguyên nhân chính xuất phát từ giá thành, dù giá công ty chào hàng tại thị trường đã giảm hơn 1 USD so với những năm trước nhưng các đối tác vẫn thông tin là giá này còn cao hơn so với Ecuador gần 2 USD.
"Công ty đã giảm giá thu mua tôm nguyên liệu nhưng không thể giảm sâu hơn", ông Cảnh giải thích thêm.
Giá các loại vật tư đầu vào đều tăng, đội giá thành sản xuất tôm nuôi, con tôm Việt Nam chưa cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, giá tôm của Việt Nam cao hơn Ấn Ðộ và Ecuador rất nhiều nên khó cạnh tranh. Nếu chúng ta giảm giá thành tôm nuôi ngang bằng với Ecuador và Ấn Ðộ, họ sẽ rất khó bán được tôm. Bởi, tôm Việt Nam chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, đặc biệt là chế biến nhiều loại thức ăn nhanh. Dù không đặt mua hàng nhưng tập đoàn luôn nhận được lời mời chào của khách hàng từ Ấn Ðộ và Ecuador với giá cạnh tranh hơn nông dân trong nước.
"Ðó là giá chào bán, trường hợp doanh nghiệp đàm phán mua thì giá tôm nhập khẩu từ 2 thị trường nêu trên có thể còn được giảm thêm khoảng 30-50 cent/kg. Rõ ràng, với sức hấp dẫn về mặt giá của Ấn Ðộ và Ecuador khiến tôm Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi", ông Quang cho hay.
Theo thống kê gần đây nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), giá tôm Việt Nam (loại 50 con/kg) đang ở mức 4,8-5 USD/kg, Ecuador từ 2,3-2,4 USD/kg, Ấn Ðộ từ 3,4-3,8 USD/kg. Qua đó cho thấy, giá tôm của Việt Nam cao hơn từ 20-30 ngàn đồng/kg so với Ecuador, Ấn Ðộ và một số nước trong khu vực, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Theo ông Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc HTX Nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng (huyện Cái Nước), thuốc, thức ăn và các loại vật tư đầu vào ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi và đây cũng là những mặt hàng tăng nhiều nhất trong những năm gần đây. Chỉ riêng thức ăn nuôi tôm, trong năm 2022 đã có đến 4 lần tăng giá và 6 tháng đầu năm 2023 này lại tiếp tục tăng thêm 2 lần. Không chỉ vậy, thức ăn lên giá còn kéo theo giá các loại hoá chất, làm cho giá thành sản xuất tôm càng đội lên cao.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất
Ðể giảm tối đa chi phí thức ăn, nhất là tránh phải mua nợ với giá cao, ông Huỳnh Xuân Diện tính toán, HTX đã thống nhất với thành viên chia thành 2 mốc trong 1 vụ nuôi. Khi tôm nuôi đạt kích cỡ 60-70 con/kg tiến hành tỉa thưa khoảng 50%, lấy tiền mua thức ăn, vi sinh, hoá chất... để giảm một phần thức ăn.
Tuy nhiên, một thực tế là, hiện nay nếu người nuôi tôm mua thức ăn bằng tiền mặt thì có giá khoảng 30-31 ngàn đồng/kg, còn nếu mua nợ, sau 1 tuần đến 2 tháng mới thanh toán, thì giá trên 40 ngàn đồng/kg. Ðiều này cho thấy, giá thức ăn không phải bị ảnh hưởng quá lớn bởi nguyên liệu nhập khẩu mà cái chính là chuỗi liên kết sản xuất bị bẻ gãy. Ðây cũng chính là vấn đề nóng, được nhiều đại biểu HÐND tỉnh đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 10, HÐND tỉnh khoá X vừa qua, nhằm tìm giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.
Ðể giải quyết những khó khăn này, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chỉ đạo, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí. Tiếp tục chú trọng thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá.
Xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm 2023 được dự báo vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Ðể đạt mục tiêu duy trì sản lượng và kim ngạch xuất khẩu như mục tiêu đề ra cần có sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị tôm, nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho con tôm trên thị trường quốc tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, theo báo cáo của UBND tỉnh, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 53 triệu USD, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý là nhập khẩu hàng thuỷ sản ước đạt 15 triệu USD, tăng 46%, nhập khẩu hàng hoá khác là 38 triệu USD, giảm 66%.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 565 triệu USD, bằng 43,5% kế hoạch, giảm 22,9% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khấu thuỷ sản ước đạt 502 triệu USD, bằng 41,8% kế hoạch, giảm 13,4%. Các thị trường xuất khẩu chủ lực đều giảm, xuất khẩu sang Mỹ giảm 56,6%, EU giảm 19,3%. Nhật Bản giảm 47,7%, Australia giảm 56,8%... Ðồng thời, do chi phí sản xuất tôm của Việt Nam cao hơn các nước như: Ấn Ðộ, Ecuador... nên doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá tại những thị trường nhập khẩu lớn.
Trung Ðỉnh