(CMO) Vốn ODA được đánh giá là nguồn vốn quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đã qua việc sử dụng, giải ngân nguồn vốn này của địa phương vẫn còn nhiều bất cập.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Cà Mau, kế hoạch vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài năm 2020 tỉnh Cà Mau gần 380 tỷ đồng. Trong đó, vốn giao kế hoạch năm 2020 trên 330 tỷ đồng, vốn năm 2019 chuyển sang gần 46 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 20/11, tổng giá trị giải ngân chỉ đạt gần 250 tỷ đồng, bằng 65,7% kế hoạch. Trong đó, giải ngân trên 201 tỷ đồng, bằng 60,9% theo kế hoạch năm 2020; vốn năm 2019 chuyển sang giải ngân 100% kế hoạch.
Giám đốc Sở KH&ĐT Cà Mau Phan Hoàng Vũ đánh giá: “Mặc dù kết quả giải ngân đến thời điểm hiện tại chưa đạt như kế hoạch đề ra, song, so với cùng kỳ năm 2019, kết quả giải ngân hiện tại đạt cao hơn khá nhiều (cùng kỳ giải ngân 94,6 tỷ đồng/384,151 tỷ đồng, bằng 24,6% kế hoạch). Đó là nỗ lực chung của các sở, ngành, tỉnh và các đơn vị, địa phương”.
Dự án nâng cấp đê biển Tây cũng nằm trong dự án được bố trí kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. |
Dù vậy, được biết năm 2020, trong số 7 dự án tỉnh bố trí kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài hầu hết đều bị vướng khi bắt đầu triển khai. Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng dịch Covid-19 của những tháng đầu năm làm chậm tiến độ thi công công trình do thực hiện giãn cách xã hội, thiếu hụt nhân công, phải kể đến trong việc giải ngân vốn ODA Trung ương cấp phát chính là kế hoạch vốn ODA địa phương vay lại không đáp ứng tỷ lệ quy định.
Cụ thể, đối với Tiểu dự án 8 về “Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau” (thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL). Đây là dự án thực hiện theo cơ chế tài chính trong nước, Trung ương cấp phát 70% vốn ODA, địa phương vay lại 30% vốn ODA. Tương đương trung ương cấp phát cho dự án (sau điều chỉnh) gần 110 tỷ đồng, vốn ODA địa phương vay lại 21 tỷ đồng.
Đến hết tháng 7/2020, tỉnh đã tiến hành giải ngân vốn ODA Trung ương cấp phát gần 54 tỷ đồng, vốn ODA địa phương vay lại 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, để tiếp tục rút vốn ODA năm 2020 Trung ương cấp phát (70%), còn lại chưa giải ngân (56 tỷ đồng) phải bổ sung vốn ODA vay lại của địa phương 24 tỷ đồng (30%), gây khó khăn rất nhiều cho tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn theo quy định.
Không những vậy, đối với hạng mục “Hồ chứa nước ngọt và nhà máy xử lý nước” cũng thuộc Tiểu dự án 8 phải qua 5 lần giải trình và 1 lần làm việc mới được Ngân hàng Thế giới (WB) đồng ý. Dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau” (Ngân hàng Tái thiết Đức - KfW tài trợ) do Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan đại diện chủ quản chung) chưa đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế nên địa phương chưa có cơ sở triển khai.
Vướng mắc về cơ chế giải ngân năm 2020 của Dự án “Đầu tư cơ sở vật chất Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển đạt chuẩn quốc gia” (thuộc Chương trình Phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2) cũng chậm tiến độ.
Riêng đối với dự án cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 8/4/2020, tỉnh đang tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, một số dự án triển khai khu vực ven biển do nguyên nhân khách quan bị ảnh hưởng và phụ thuộc vào tình hình thời tiết nên cũng chậm tiến độ, như hạng mục xây dựng kè bảo vệ bờ biển thuộc Tiểu dự án 8, dự án đầu tư xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển Tây; dự án trồng rừng phòng hộ ven sông, gây bồi tạo bãi trồng rừng cửa sông, ven biển; dự án nâng cấp đê biển Tây.
Ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm: “Khó khăn về thủ tục đến thời điểm hiện tại cơ bản đã được tháo gỡ. Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ các dự án để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm đã đề ra”.
Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài năm 2020, Sở KH&ĐT đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khắc phục tồn tại, tháo gỡ rào cản trong quản lý dự án như lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng, đẩy nhanh thi công, các thủ tục nghiệm thu, thanh toán…
“Đồng thời, quyết liệt trong phối hợp và chỉ đạo điều hành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đã giao, đảm bảo giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn trong niên hạn giải ngân vốn năm 2020 theo Chương trình hành động số 07/CT-UBND, ngày 17/8/2020 của UBND tỉnh”, ông Phan Hoàng Vũ quyết tâm./.
Hồng Nhung