(CMO) Thiếu chặt chẽ, chưa toàn diện, nhịp nhàng trong khâu phối hợp giữa chủ rừng và chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động cũng như triển khai các quy định của pháp luật liên quan đến rừng được cho là mấu chốt dẫn đến nhiều phát sinh, kiến nghị của người dân trong lâm phần, nhất là việc ăn chia sản phẩm sau khai thác.
“Qua thực tế, tôi có cảm nhận công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các vấn đề liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp thời gian qua chưa được cụ thể, thường xuyên và thấu đáo. Bởi có những vấn đề rất cụ thể, rõ ràng mà người dân vẫn thắc mắc rất nhiều, nhất là việc ăn chia lợi nhuận sau khai thác”, ông Nguyễn Như Độ, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, nhận định.
Người đồng thuận, người chưa
Cùng là đất lâm nghiệp, cùng là cây rừng, cùng thực hiện chung quy định của pháp luật, nhưng việc ăn chia sản phẩm trong quá trình khai thác người thì nói tốt, người nói chưa rõ ràng, thiếu minh bạch. Điều này có thể lý giải bởi cách triển khai trong quá trình thực hiện.
Nhờ canh tác thâm canh nên chu kỳ khai thác rừng trên lâm phần U Minh được rút ngắn, đời sống người dân cải thiện đáng kể
Nói về quy trình khai thác lâm sản trên lâm phần, ông Nguyễn Quốc Em, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang, cho biết, theo kế hoạch khai thác rừng được duyệt hàng năm, chúng tôi sẽ tiến hành đấu thầu để thuê đơn vị khảo sát thiết kế. Sau khi có kết quả khảo sát thiết kế sẽ tiến hành họp dân thông báo trữ lượng, diện tích, tỷ lệ ăn chia, chi phí… Sau khi nhận được sự đồng thuận của người dân sẽ tiến hành thẩm định giá, thông báo mời thầu… Thời gian qua, việc ăn chia sản phẩm đối với rừng sản xuất căn cứ theo từng giai đoạn, giai đoạn 2003-2013 tỷ lệ ăn chia của người dân là 6%/năm; còn từ năm 2014-2019, tỷ lệ ăn chia theo quy định là 2,5%/năm; từ năm 2019 trở đi tỷ lệ ăn chia theo thoả thuận.
Với cách làm này, tình trạng người dân kiến nghị về tỷ lệ ăn chia sản phẩm rừng kinh tế sau khai thác giảm đáng kể. Ông Trần Ẩn, ấp Mai Vinh, xã Tam Giang Đông, chia sẻ: Vấn đề khai thác rừng và ăn chia sản phẩm bản thân không có ý kiến. Bởi lẽ trước khi khai thác rừng, Ban Quản lý làm thiết kế và được khảo sát thiết kế, trình phê duyệt thông qua ý kiến người dân nên khá chặt chẽ, công khai.
Cũng là khu vực rừng đước nhưng tại rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển quản lý thì người dân có phần băn khoăn. Ông Nguyễn Hoàng Vinh, ấp Lung Ngang, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, cho rằng, bà con bức xúc việc Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển không thông báo rõ ràng cho dân biết áp dụng văn bản quy định nào về tỷ lệ ăn chia sau khai thác. Đối với rừng đước, cây đến tuổi khai thác đã khép tán, nếu không khai thác thì không thể nuôi tôm nên phải bán bằng mọi giá.
Cùng là đất lâm nghiệp, cùng trồng rừng nhưng việc ăn chia sản phẩm gỗ đước mỗi nơi lại khác nhau
Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Thanh Liên, ấp Chà Là, xã Tam Giang, cho biết: "Sau 14 năm mà 1,6 ha rừng khai thác chỉ hưởng được 57%, tương đương khoảng 87 triệu đồng. Quá trình bán phải qua quá nhiều khâu trung gian khiến giá thành giảm thấp. Trong khu vực này cũng chỉ vài nhà thầu nên khi họ "đạp chân nhau" thì dân không có đường thoát. Công ty không thông báo rõ cho người dân nắm được từng giai đoạn nào thực hiện theo quy định nào. Nói là họp dân nhưng người ghi biên bản cầm biên bản đọc như ca vọng cổ, bản thân ghi không kịp, ghi xong về không đọc được nên người dân không rõ, không biết và rất mù mờ".
Là người đang có đến 3 khoảnh rừng, trong đó 1 khoảnh tại Ấp 15, xã Nguyễn Phích (rừng do xã Nguyễn Phích quản lý), 1 khoảnh tại Ấp 13 và Ấp 14 (cùng địa bàn xã Nguyễn Phích) là nhận khoán từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ. Ông Nguyễn Văn Lời (chủ 3 khoảnh rừng) cho rằng, những năm gần đây, việc khai thác và thực hiện tỷ lệ ăn chia tương đối ổn định, công khai, minh bạch.
Tại sao cùng là rừng sản xuất, cùng thực hiện các quy định chung lại có nơi dân đồng thuận, có nơi dân phản ánh? Điều này một phần do cách thực hiện cũng như công tác phối hợp tuyên truyền, triển khai các chính sách liên quan đến rừng và đất rừng.
Sự thiếu sâu sát của chính quyền cơ sở
Trở lại câu chuyện phối hợp giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang và chính quyền cơ sở, mà ở đây là xã Tam Giang Đông. Ông Huỳnh Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông, cho biết, hàng năm địa phương và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang đều ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Theo đó, trách nhiệm nào của ban và trách nhiệm nào của địa phương đều được quy định rõ trong quy chế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc cây rừng rớt giá khiến người dân không còn thiết tha với công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng.
Lực lượng chức năng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tuần tra, bảo vệ rừng
Ngược lại, sự phối hợp giữa chính quyền xã Tam Giang với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển còn rất mờ nhạt, thậm chí không có quy chế phối hợp giữa hai đơn vị. Bà Nguyễn Hồng Mơ, Chủ tịch UBND xã Tam Giang thừa nhận, thời gian qua, UBND xã và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Hàng năm xã có mời công ty để trao đổi về công tác quản lý cơ giới để nạo vét, cách quản lý rừng nhưng chưa sâu sát về cách ăn chia lâm sản… Sự thiếu phối hợp này là nguyên nhân xảy ra vướng mắc liên quan đến 4% thuế khi thai thác rừng vào năm 2017, với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Để khắc phục tình trạng người dân kiến nghị liên quan đến tỷ lệ ăn chia, theo bà Mơ, công ty cần công khai, minh bạch hơn trong tất cả các vấn đề có liên quan đến công tác trồng, quản lý, bảo vệ và khai thác rừng… Điều này không có gì khó khăn mà không thể không công khai, minh bạch để dân hiểu rõ, nắm kỹ và đồng lòng thực hiện.
Dù đã tận dụng mọi nguồn lực, nhưng đến nay Cà Mau chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu dự án, công trình chống sạt lở rừng phòng hộ ven biển
Ngoài ra, theo kiến nghị của người dân, mật độ trồng rừng theo quy định là 10.000 cây/ha là quá dày, cần có sự điều chỉnh. Nếu với vùng đất của tỉnh chỉ cần trồng với mật độ 5.000 cây/ha là phù hợp.
Liên quan đến công tác phối hợp trong tuyên tuyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, ông Lê Văn Ngời, nguyên Chủ tịch UBND huyện Năm Căn (hiện là Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau), cho biết, thời gian qua, các chính sách có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp có sự thay đổi quá nhiều khiến địa phương lúng túng. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, các cơ quan chuyên môn cần tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề những vấn đề có liên quan sát với thực tế đang tồn tại ở từng địa phương.
Hiện nay, có khoảng 10% người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau sống bằng nghề rừng và hơn 1/3 diện tích của tỉnh là rừng. Ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, hiện nay toàn lâm phần có hơn 35.000 hợp đồng giao khoán và mỗi năm có đến hơn 6.000 hợp đồng đến ngày được khai thác ăn chia sản phẩm. |
Bài và ảnh Nguyễn Phú
Bài 3: Loay hoay tìm giải pháp