(CMO) LTS: Ða phần những lao động chấp nhận xa quê là do ở địa phương họ không có đủ điều kiện để phát triển kinh tế, nuôi sống bản thân và gia đình. Có những người chọn đi lao động vài tháng, có người may mắn được làm việc ổn định, dài hạn. Song, họ vẫn mong có công ăn việc làm tại quê nhà. Vấn đề giới thiệu việc làm, tạo công ăn việc làm cho lao động hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Bài 1: Đi không nỡ, ở không đành!
Tết Quý Mão vừa qua có lẽ là Tết buồn nhất của những người lao động xa quê, không phải vì họ không được về quê đoàn tụ cùng gia đình, mà do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên rất nhiều công ty cho công nhân nghỉ việc trước Tết gần 2 tháng. Về lại quê nhà nhưng trong lòng mỗi công nhân hiu hắt buồn và đong đầy những nỗi lo khó nói cùng ai.
Trăn trở lao động xa quê
Chị Phạm Bích Tuyền, xã Tân Phú (huyện Thới Bình) chia sẻ: “Tôi bị công ty cho nghỉ việc trước Tết 2 tháng. Số tiền dành dụm giờ cũng chi tiêu hết. Tôi định cùng vài người bạn có hoàn cảnh giống như mình trở lại Bình Dương tìm công việc nào phù hợp. Tôi có quen vài chị bạn công nhân may có nói là tháng 3 này sẽ có tuyển dụng nên cũng hy vọng. Không mong là ký hợp đồng dài hạn, làm tới đâu hay tới đó, có tiền lo cho gia đình là được".
Ðến thăm gia đình chị Trần Thị Diên, ngụ cùng xã, mà không khỏi xót xa. Chị Diên bị tai nạn lúc làm việc, bàn tay bị mất hết 3 ngón. Tiếp tục làm thì không đảm bảo năng suất, còn xin nghỉ thì kinh tế gia đình sẽ đi vào bế tắc. Chị Diên bộc bạch: “Ba mẹ tôi đã mất khả năng lao động. Mẹ bị bệnh tim và tai biến, giờ chỉ nằm một chỗ. Tôi và chồng ly hôn nên tôi phải nuôi 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Ở quê, tôi đã từng làm nhiều việc nhưng thu nhập thấp, lại không ổn định. Giờ muốn quay lại trên đó tìm việc, nhưng trong lòng rất băn khoăn, vì công ty nào cũng có thể bất ngờ cho công nhân nghỉ việc".
Ông Nguyễn Văn Sỹ, ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) cho biết: “Tôi làm công nhân giày nhưng cả năm 2022 lượng hàng ít hơn trước nhiều. Công nhân hưởng lương theo sản phẩm và tăng ca, nhưng vì không có đơn hàng xuất khẩu nên công nhân thiếu việc, đồng nghĩa với không có lương. Ði làm cũng lo, vì không biết sắp tới ra sao, tới đâu tính tới đó!”.
Hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Bình Nguyên, ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình) cũng hết sức khó khăn. Anh Nguyên chia sẻ: “Trong năm 2022, tôi đã đổi 2 công ty vì đang làm thì họ dừng hoạt động do hết hàng. Thời điểm đó có chiếc xe gắn máy cũ cũng đã bán để gửi tiền về cho vợ và 4 đứa con. Em trai bị tai nạn giao thông giờ tiền thuốc men và chăm sóc cũng dựa vào vợ chồng tôi. Có vài người bạn của tôi sau Tết đã lên Bình Dương, Bình Phước, Ðồng Nai... tìm việc, nghe nói cũng khó khăn lắm".
Buổi họp mặt công nhân may tại Công ty may Hoàng Tâm, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. |
Người lao động còn nhiều thiệt thòi
Người lao động ngoài tỉnh lo việc làm không ổn định, còn lao động tại địa phương thì cũng gặp không ít khó khăn về việc làm, chế độ, chính sách. Toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng chỉ khoảng 2.000 doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó nhiều doanh nghiệp đóng chưa đủ cho người lao động. Ngành chuyên môn nhận định, đa phần các doanh nghiệp chỉ đóng cho một bộ phận lao động thường xuyên, gắn bó. Còn với lao động không thường xuyên thì họ không đóng bảo hiểm cho người lao động. Ðặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa số sử dụng lao động gia đình, người thân, không ký hợp đồng lao động. Mặt khác, vẫn còn nhiều doanh nghiệp né tránh việc đóng BHXH và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động bằng cách chỉ mướn công nhật hoặc trả công theo sản phẩm, nên khó quản lý.
Ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Theo Luật Lao động là ký hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên mới thuộc đối tượng tham gia BHXH và BHTN. Trong tỉnh vẫn còn rất nhiều lao động làm việc hưởng lương theo ngày, theo sản phẩm nên chưa được tham gia BHXH, BHTN".
Theo quy định của Luật Lao động và BHXH, nếu chủ doanh nghiệp không đóng bảo BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động thì phải chi trả phần đó để người lao động tự đóng bảo hiểm. Trên thực tế, các doanh nghiệp chưa chi trả khoản đó cho người lao động. Ðây là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Ðiển hình như những doanh nghiệp chấp hành tốt khi ký hợp đồng lao động đóng bảo hiểm đầy đủ cho người lao động thì chi phí, số tiền đóng bảo hiểm sẽ cao, còn một doanh nghiệp không đóng bảo hiểm đầy đủ cho công nhân mà chỉ trả tiền lương theo ngày, theo sản phẩm và cũng không chi tiền cho người lao động tự đóng thì chi phí sẽ thấp hơn. Ðiều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội, mà thiệt thòi nhất là người lao động.
Người lao động mong được hưởng quyền lợi chính đáng và mức lương ổn định lâu dài để bảo đảm cuộc sống. |
Giả sử người lao động chẳng may lao động trên công trình hoặc đi từ nhà đến doanh nghiệp gặp tai nạn sẽ không được hưởng quyền lợi về tai nạn lao động. Hoặc khi họ thất nghiệp sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, trong thời gian dịch Covid-19, người lao động phải nghỉ việc và đa số những người không tham gia BHXH, BHYT thì không được hưởng trợ cấp từ quỹ thất nghiệp và không được hưởng trợ cấp theo quy định. Bên cạnh đó, người lao động làm việc thời gian dài lại không được tham gia BHXH, khi hết tuổi lao động sẽ không được hưởng lương hưu, chế độ BHYT. Ðây sẽ là gánh nặng cho an sinh xã hội địa phương và đất nước; gánh nặng cho gia đình, người thân.
“Qua thanh tra, kiểm tra mới phát hiện tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động rất nhiều. Hiện nay, một số cơ sở sơ chế thuỷ sản cho công nhân làm việc hưởng lương theo sản phẩm để khỏi phải chăm lo vấn đề phúc lợi, khỏi phải đóng bảo hiểm cho người lao động. Ðiều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ðặc biệt là lao động nữ làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại... sẽ dễ mắc bệnh nghề nghiệp nên rất nguy hiểm”, ông Kiên cho biết thêm.
Từ những phúc lợi chính đáng và mức lương ổn định để tạo sinh kế bền vững cho lao động thì ngay lúc này, vấn đề đặt ra mang tính cấp bách là các ngành chức năng cần có biện pháp tối ưu, hiệu quả và lâu dài để lao động trên địa bàn tỉnh có hướng đi mới, góp phần tháo gỡ gánh nặng, lo toan mà người lao động đang phải gánh chịu./.
Kim Cương - Lam Khánh
BÀI 2: TÌM HƯỚNG ÐI BỀN VỮNG