(CMO) Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người lao động ổn định đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn bộ phận không nhỏ lao động bị ảnh hưởng do một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động vẫn diễn ra. Giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người lao động được bảo vệ quyền lợi hợp pháp, có việc làm và thu nhập ổn định đã và đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Ðối với những lao động ở lại địa phương, Sở LÐ-TB&XH chỉ đạo cho các phòng lao động rà soát để đề xuất mức hỗ trợ hợp lý. |
Cần biện pháp chế tài đủ mạnh
Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở của Luật Lao động để lách luật, nhằm giảm bớt các khoản phải đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Những năm qua, BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, nhưng trên thực tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi rất chia sẻ với cơ quan quản lý địa phương. Hiện tại, các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) biên chế rất ít, chức năng thanh tra, kiểm tra không làm nổi. Còn bảo hiểm chỉ được thanh tra chuyên ngành, thanh tra các doanh nghiệp chưa đóng BHXH, BHYT, BHTN… Khi chúng tôi thanh tra và phát hiện doanh nghiệp chưa ký hợp đồng lao động thì lại không thuộc trách nhiệm xử lý của cơ quan BHXH".
Năm 2022, BHXH tỉnh đã thanh tra trên 300 doanh nghiệp. Sở LÐ-TB&XH mỗi năm thanh tra vài chục doanh nghiệp. “Trong năm 2022, BHXH tỉnh thanh tra đột xuất 224 doanh nghiệp. Khi có quyết định thanh tra, chúng tôi mời tất cả doanh nghiệp đến cơ quan để triển khai quyết định thanh tra, số còn lại sẽ được thanh tra tại doanh nghiệp. Chúng tôi làm hết sức quyết liệt công tác thanh tra, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Song, kết quả vẫn chưa như mong muốn”, ông Kiên cho biết thêm.
Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với địa phương, ngành lao động, kể cả công an các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại với các chủ doanh nghiệp trên địa bàn để doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm cho người lao động.
“Ðối với người lao động không hiểu rõ chính sách bảo hiểm, không thiết tha ký hợp đồng lao động, không đóng BHXH, BHYT bắt buộc, chúng tôi sẽ cùng với doanh nghiệp tuyên truyền, vận động họ tham gia. Tất cả vì quyền lợi của người lao động và chính sách an sinh xã hội được thực thi nghiêm túc, đầy đủ", ông Kiên nhấn mạnh.
Ðẩy mạnh xuất khẩu lao động
Theo ghi nhận của Sở LÐ-TB&XH, từ ngày 20/1-3/2 lao động mất việc trở về địa phương là 2.786 người. Trong đó, hiện còn 1.238 lao động có nhu cầu tìm việc; 318 lao động có nhu cầu vay vốn.
Ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Sở đã chỉ đạo các phòng LÐ-TB&XH phối hợp với chính quyền địa phương rà soát số lượng lao động ngoài tỉnh về và tìm hiểu nhu cầu việc làm, cũng như tâm tư nguyện vọng của họ để kịp thời hỗ trợ. Qua đó, phòng LÐ-TB&XH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện kiểm tra các mô hình, nếu hộ nào có nhu cầu vay vốn thì sẽ hỗ trợ cho vay. Tuỳ theo mô hình mà các hộ có thể được vay từ 30-100 triệu đồng”.
Nguồn vốn này sẽ hỗ trợ những hộ ở lại địa phương phát triển kinh tế. Ngoài ra, còn những lao động chưa có việc làm thì ghi nhận và thông qua các buổi tổ chức sàn giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu và năng lực của từng lao động.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Song song với những giải pháp hỗ trợ người lao động đã được triển khai, tận dụng mọi thời cơ để tư vấn, giới thiệu, kết nối và đưa người lao động làm việc ở nước ngoài theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau; sắp tới, chúng tôi đề xuất lãnh đạo tỉnh giao chỉ tiêu này cho các huyện, thành phố. Bởi chúng tôi đi thực tế ở nhiều tỉnh, thành phố thì chỉ tiêu xuất khẩu lao động được giao về tận ấp và hiệu quả đã được chứng minh. Giải pháp này vừa nâng cao thu nhập cho người lao động, vừa tạo được nguồn lao động chất lượng cao cho địa phương".
Năm 2022, Cà Mau có 232 lao động xuất khẩu (vượt so với chỉ tiêu) sang Nhật Bản, Trung Quốc, Ðài Loan… Theo kế hoạch năm 2023, Cà Mau có 200 lao động xuất khẩu, đây là cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao cho người lao động.
“Sau đại dịch, hàng loạt thị trường mở cửa trở lại và có thêm nhiều thị trường mới cho lao động lựa chọn. Ðể đáp ứng nhu cầu tìm việc làm của lao động, Trung tâm Giải quyết việc làm tỉnh sẽ mở lại sàn giao dịch. Theo đó, sẽ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giải quyết việc làm tại chỗ và hướng dẫn cho người lao động khi có nhu cầu làm việc nước ngoài. Hoạt động này sẽ giúp nâng cao nhận thức của người lao động. Qua đó, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, môi giới lao động trái phép”, ông Ân chia sẻ./.
Kim Cương - Lam Khánh