(CMO) Vài năm gần đây, việc sản xuất lúa chất lượng cao, đặc biệt là lúa đạt chuẩn hữu cơ, lúa sạch, được nông dân huyện Thới Bình quan tâm thực hiện. Qua đây, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp địa phương.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, trong hai năm qua, diện tích canh tác giống lúa ST24 và ST25 tăng tương đối cao. Cụ thể, năm 2021 đạt 4.312 ha, đến năm 2022 đạt 7.326 ha (tăng hơn 3.014 ha); năng suất lúa trung bình từ 4,7-4,9 tấn/ha. Các giống này phù hợp với điều kiện sản xuất tôm - lúa của huyện, giá bán lúa cao hơn so với các giống lúa mùa (cao hơn từ 2.000-2.500 đồng/kg). Ðồng thời, do được thị trường ưa chuộng, có sự tham gia liên kết bao tiêu đầu ra nên người dân an tâm sản xuất, mở rộng diện tích canh tác.
Trong năm 2022, diện tích trồng lúa ST24 và ST25 tăng hơn 3 ngàn héc-ta so với năm 2021. |
Giống lúa ST24 và ST25 thuộc nhóm giống lúa thơm, đặc sản. Cả hai giống lúa này có những điều kiện phát triển phù hợp với đặc thù của vùng đất địa phương. Ðặc biệt là khả năng chịu mặn, chịu phèn rất tốt, dễ canh tác.
Cả hai giống lúa ST24 và ST25 có những điều kiện phát triển phù hợp với đặc thù vùng đất địa phương. |
Theo ngành nông nghiệp huyện, vì hạn chế được sâu cuốn lá gây hại nên giống lúa ST24 và ST25 rất thích hợp với mô hình canh tác sản xuất trên vùng đất tôm - lúa tại huyện.
Huyện Thới Bình đặt mục tiêu diện tích trồng giống lúa ST24, ST25 dự kiến trong năm 2023 khoảng 5.600 ha.
Đây cũng là giống lúa được mệnh danh là “khó tính”, để đạt chuẩn gạo chất lượng cao, việc đủ độ ẩm sau khi thu hoạch là yếu tố quan trọng.
Từ việc canh tác lúa ST, huyện Thới Bình có 2 HTX với sản phẩm gạo chất lượng được đứng chân vào sân chơi OCOP. (Ảnh chụp tại HTX Ðoàn Phát, xã Trí Lực). |
Văn Ðum thực hiện