Tận dụng diện tích đất trống quanh nhà, đất bờ bao vuông tôm, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển ra sức cải tạo để trồng bắp. Nhờ phù hợp với điều kiện tự nhiên, được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây bắp phát triển tốt, cho trái to, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Tính đến nay, chị Võ Thị Vân, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, có hơn 10 năm trồng bắp. Trên diện tích hơn 4.000 m2 đất, chị Vân trồng chủ yếu loại bắp nếp. Theo chị, bắp nếp dẻo, thơm, ngọt nên bà con trên địa bàn và thị trường rất ưa chuộng. Loại cây này dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi gieo hạt đến thu hoạch chỉ khoảng 70 ngày. Nếu chăm sóc khéo, đúng kỹ thuật, mỗi năm có thể trồng được 4 vụ bắp, đem lại nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên cho gia đình.
Thay vì trồng hết diện tích, nhiều nông dân chia nhỏ ra, trồng cách vụ từ 5-7 ngày để thu hoạch tiếp nối, cung cấp bắp đều đặn cho thị trường.
Theo kinh nghiệm của chị Vân, cây bắp có bộ rễ phát triển mạnh, hấp thu dinh dưỡng trong đất tốt. Ðể có vụ mùa bội thu thì cần phải cải tạo, chăm bồi dinh dưỡng, bón phân cho đất thường xuyên. Mỗi cây bắp sẽ ra từ 3-4 trái, nhưng chỉ tuyển chọn lại 1 trái để đảm bảo trái to, đạt chất lượng. Chị Vân cho biết: “Thay vì trồng một đợt trên tất cả diện tích đất thì tôi trồng giãn ra, mỗi liếp cách nhau 5-7 ngày để thu hoạch tiếp nối, cung cấp đều đặn cho thị trường. Mỗi vụ bắp, gia đình tôi thu nhập từ 16-18 triệu đồng. Trồng bắp lấy công làm lời, cũng nhờ đó mà nhà tôi có thu nhập đều, ổn định”.
Nhiều năm qua, chị Vân (bìa phải) trồng bắp đạt năng suất cao, sản phẩm an toàn nên được nhiều người đến tận vườn thu mua.
Thấy chị Vân trồng bắp hiệu quả, 2 năm nay, chị Võ Thị Minh Hải ở gần nhà cũng chuyển đổi 3.500 m2 đất trồng các loại rau ăn lá sang trồng bắp. Theo chị Hải, vào mùa mưa như hiện nay, cây bắp phát triển nhanh và xanh tốt hơn mùa hạn; tuy nhiên, cần phải làm hàng rào theo luống để giữ cây đứng vững, không bị dông gió làm đổ ngã.
Theo quan sát của chị Hải, cây bắp thích nghi tốt, phù hợp với vùng đất mặn, cho trái to, hạt đều. Ngoài bắp trái, hiện thị trường cũng ưa chuộng loại bắp non để làm thực phẩm. Mỗi ký bắp non có giá 40 ngàn đồng, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Quá trình trồng, chị Hải hạn chế sử dụng phân, thuốc hoá học, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ, ủ cỏ, thân cây bắp để vun gốc cho cây, tạo ra sản phẩm sạch, giúp người tiêu dùng an tâm, tiêu thụ mạnh. Thương lái thường đến tận nơi thu mua nên không lo về đầu ra.
Năm nay giá bắp tăng cao hơn những năm trước, nông dân rất phấn khởi. Hiện 1 chục bắp (14 trái) được thương lái thu mua tại chỗ với giá 55-60 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí, nhiều hộ trồng bắp có thu nhập 50-60 triệu đồng/năm.
Chị Hứa Minh Quang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Ân, thông tin: “Những năm trước, Hội đã hỗ trợ nông dân đăng tải lên mạng xã hội, kết nối với các tiểu thương, điểm chợ trên địa bàn để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Năm nay, Hội nhận được tín hiệu vui từ nông dân là không cần phải hỗ trợ đầu ra bởi có thương lái đến tận nơi thu mua. So với các loại hoa màu khác, cây bắp dễ trồng, giá cả, đầu ra ổn định, nhiều hộ đã vượt qua khó khăn và vươn lên ấm no nhờ cây bắp”./.
Trúc Linh