(CMO) Những năm gần đây, Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển phối hợp với ngành chuyên môn triển khai các mô hình sản xuất, áp dụng khoa học, kỹ thuật để nông dân ứng dụng vào sản xuất. Nhờ áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật theo khuyến cáo ngành chuyên môn, nhiều mô hình sản xuất của nông dân mang lại thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển Lê Ngọc Lâm cho biết, trên địa bàn huyện có 7.000 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 7 cơ sở hội xã, thị trấn; 68 chi hội và 300 tổ hội nông dân. Năm 2021, Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển phát động sâu rộng đến từng cấp Hội tích cực học tập theo gương Bác gắn với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; qua đó có 95% hội viên nông dân đăng ký thực hiện mô hình kinh tế, khẳng định được vị thế của nông dân trong sản xuất, làm chủ kinh tế và làm giàu trên mảnh đất của mình.
Hội viên nông dân xã Ðất Mũi thả nghêu giống vụ mới. |
Trước tác động môi trường, thời tiết, tôm cua chết, ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến giá cả nông - lâm - thuỷ sản sụt giảm; nông dân vùng mặn gặp nhiều khó khăn. Bằng quyết tâm đổi mới tư duy, cải tiến sản xuất, tìm tòi các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển phát động xây dựng quỹ ủng hộ nông dân nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển kinh tế. Mỗi năm, Hội Nông dân huyện trực tiếp vận động quỹ ủng hộ nông dân với khoản vận động từ 200-250 triệu đồng. Qua đó, Hội Nông dân huyện sẽ xét hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn mượn từ 10-20 triệu đồng, khoảng 15-20 hộ sẽ được tiếp cận nguồn quỹ này.
Ông Lý Be, hộ dân tộc Khmer ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân trước đây hoàn cảnh khó khăn, được Hội Nông dân xã Tân Ân xem xét cho mượn 15 triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhờ chí thú làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, gia đình ông có cuộc sống ổn định hơn.
Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển còn triển khai, nhân rộng mô hình nuôi tôm sinh thái, kết hợp với các đối tượng nuôi phù hợp trên cùng diện tích mặt nước theo Nghị quyết của Huyện uỷ nhằm mở hướng nâng cao năng suất, sản lượng thuỷ sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Nhờ vận động, tuyên truyền và thực hiện thí điểm mô hình sản xuất hiệu quả nên diện tích nuôi tôm sinh thái trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đến nay đạt gần 9.000 ha. Kết hợp nuôi thêm sò huyết, vọp trong vuông nên kinh tế bà con khấm khá hơn. Ngoài ra, huyện Ngọc Hiển còn đầu tư nhiều dự án, hỗ trợ nông dân về con giống, xây dựng các cơ sở sản xuất tôm giống sạch bệnh, cải tạo môi trường, nạo vét kênh thuỷ lợi với nguồn vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng.
Không chỉ tham gia vào phát triển kinh tế, mỗi hội viên nông dân huyện Ngọc Hiển còn xây dựng các nguồn quỹ hùn vốn để hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ðến nay, Hội Nông dân huyện đã vận động trên 1,2 tỷ đồng tạo vốn hỗ trợ xoay vòng trong hội viên. Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân còn giúp đỡ hội viên nghèo bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ ngày công lao động; xoá nhà tạm bợ, giúp hội viên có thêm động lực phát triển kinh tế và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của gia đình.
Từ năm 2015 đến nay, tổng số lượt hội viên nông dân được biểu dương khen thưởng các cấp trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo trên 500 lượt hội viên. Ðặc biệt có 1 hội viên nông dân được khen thưởng cấp Trung ương trong học tập và làm theo gương Bác.
Ông Lê Ngọc Lâm khẳng định, từng hội viên nông dân quyết tâm lao động, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, vì thế công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao. Năm 2021, Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển quyết tâm phấn đấu giảm 45 hộ nghèo, 55 hộ cận nghèo./.
Chí Hiểu