(CMO) Dự án GRAISEA là chương trình tăng cường bình đẳng và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại Ðông Nam Á; tạo ra những cơ hội chuyển đổi cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Châu Á thông qua thúc đẩy các chuỗi giá trị bao trùm và thực hành kinh doanh có trách nhiệm; tôn trọng quyền con người, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cà Mau là một trong những tỉnh được thụ hưởng dự án này.
Ở Cà Mau, đa phần doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Khi tham gia chuỗi giá trị, các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức, nhất là việc đáp ứng các tiêu chuẩn về xã hội, môi trường và sản xuất bền vững. Việc liên kết với nông dân để thu mua sản phẩm ổn định, có chất lượng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế còn khó khăn.
Theo Quyết định 1088/QÐ-BNN-KTHT của Bộ NN&PTNT, về phê duyệt Ðề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thuỷ sản hiệu quả, bền vững. Tiêu chuẩn sản xuất bền vững được coi là bản lề cho việc nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tăng giá trị sản phẩm. Dự án GRAISEA đã thúc đẩy các tiêu chuẩn sản xuất bền vững như GAP/VietGAP, chứng chỉ hữu cơ, SRP cho lúa, ASC cho tôm..., góp phần nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng giá trị sản phẩm.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đánh giá: “Dự án GRAISEA góp phần lớn hỗ trợ các địa phương trong tỉnh thúc đẩy các tiêu chuẩn sản xuất bền vững như ASC trong chuỗi tôm. Năm 2022, xã Trí Lực, huyện Thới Bình trở thành vùng nuôi tôm trên đất lúa đạt chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đầu tiên trên thế giới. Mô hình ở xã Trí Lực cũng được UBND tỉnh Cà Mau ủng hộ mở rộng trong kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025, trên địa bàn tỉnh”.
Năm 2022, xã Trí Lực, huyện Thới Bình trở thành vùng nuôi tôm trên đất lúa đạt chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đầu tiên trên thế giới. (Trong ảnh: Mô hình chứng nhận ASC tại HTX Dịch vụ, Sản xuất lúa - tôm Trí Lực).
Trong khuôn khổ dự án, nhiều sáng kiến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, số hoá các nền tảng tổ chức sản xuất, quản lý và thương mại hiệu quả đã được triển khai nhằm tăng cường trao đổi, liên kết giữa các bên trong chuỗi tôm và lúa. Có thể kể tới như mô hình sản xuất tôm - lúa thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng Rice Hero trên điện thoại để đo mức phát thải trong sản xuất lúa, quỹ phòng ngừa rủi ro thiên tai, ứng dụng số Diễn đàn Tôm Việt, kênh thương mại điện tử cho nông dân...
Dự án GRAISEA đã hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị và vận hành của các hợp tác xã trong 2 chuỗi giá trị lúa, tôm tại 5 tỉnh khu vực ÐBSCL: An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau; đồng thời, hỗ trợ các tập đoàn đầu ngành, doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện mô hình kinh doanh, chính sách đầu tư theo hướng bao trùm, có trách nhiệm. Quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa người sản xuất quy mô nhỏ và doanh nghiệp có thể nhìn thấy một cách cụ thể khi người nông dân chuẩn hoá quy trình canh tác, đảm bảo chất lượng và sản lượng cung ứng; doanh nghiệp thu mua ổn định với giá ưu đãi, đồng thời có chính sách hỗ trợ kỹ thuật và vật tư cho nông dân.
Sau 5 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ gần 4.500 nông dân (hơn 55% là nữ) và 58 HTX sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, nâng cao thu nhập; hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 15 doanh nghiệp đầu ngành, trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Tôm miền Nam, cải thiện chính sách, mô hình kinh doanh có trách nhiệm; từ đó, giúp hơn 10 ngàn công nhân hưởng lợi từ chính sách tiền lương và phúc lợi xã hội. 9 sáng kiến thúc đẩy chuỗi giá trị tôm, lúa bền vững, toàn diện được hỗ trợ thành lập và vận hành, trong đó có Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam.
Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam ra đời với tiêu chí rất rõ ràng: quy tụ các nguồn lực để hỗ trợ, phát triển ngành tôm. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, liên minh có vai trò định hướng để ngành tôm phát triển nhanh, mạnh nhưng phải đạt được yếu tố bền vững. (Ảnh chụp tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú)
Chị Văn Ngọc Diệu, Phó giám đốc HTX Dịch vụ, Sản xuất lúa - tôm Trí Lực, Tổ trưởng Tổ Sinh kế phụ nữ HTX Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình), cho biết: “Tổ sinh kế thành lập được hơn năm nay. Mô hình tôm - lúa của HTX, với giống lúa ST24 của xã viên được thu mua toàn bộ phục vụ cho sản xuất gạo sạch Hoàng Yến. Cũng từ đây, phụ nữ nông thôn được tham gia dây chuyền sản xuất gạo; tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho gia đình. Thêm vào đó, tổ có nguồn vốn xoay vòng, thời gian qua 15 tổ viên đã được nguồn vốn hỗ trợ, góp phần cải thiện cuộc sống và kinh tế gia đình”.
Về phía doanh nghiệp, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Nhân sự Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, chia sẻ: “Chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng sẽ là hướng đi đúng đắn trong dài hạn nhằm đưa nông sản Việt Nam tới các thị trường xuất khẩu có giá trị cao. Ði đôi với việc cải tiến kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp theo quy mô tổ nhóm và HTX là cần thiết; các doanh nghiệp và HTX đều cần xây dựng và thực hành các chính sách kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo phúc lợi cho người sản xuất nhỏ và công nhân trong chuỗi giá trị”.
“Dù dự án đã kết thúc, nhưng với những gì dự án mang lại cho tỉnh Cà Mau, rất mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều dự án tương tự như vậy được triển khai; để phụ nữ nông thôn có thêm sinh kế, phát triển bền vững”, chị Nguyễn Thị Ngọc Thuý, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau, mong muốn./.
Phú Hữu