(CMO) Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, có ý nghĩa an sinh đối với đời sống cộng đồng, góp phần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc và giúp chăm sóc tốt hơn sức khoẻ Nhân dân. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy còn bộ phận người dân vẫn chưa mặn mà với BHYT, trong đó một số người còn lo lắng về chất lượng dịch vụ y tế, số khác do còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nên chưa tham gia BHYT.
Bài 1: Bảo hiểm y tế cho ngư dân
Nghề ngư phủ được người trong nghề gọi là nghề “bà cậu” vì có nhiều rủi ro, nguy hiểm. Chính vì vậy, việc tham gia BHYT, bảo hiểm tai nạn sẽ giúp họ yên tâm hơn trong mỗi chuyến ra khơi. Tuy nhiên, trên thực tế một bộ phận ngư phủ chưa mặn mà với các loại hình bảo hiểm.
Cà Mau có ba mặt giáp biển, đây là điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nghề khai thác thuỷ hải sản trên biển. Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh có trên 4.303 phương tiện hành nghề khai thác thuỷ hải sản và có trên 21.016 lao động liên quan đến lĩnh vực này.
Khi ngư dân không mặn mà
Qua tìm hiểu, hầu hết các phương tiện muốn hành nghề khai thác thuỷ sản trên biển, ngoài đăng ký đăng kiểm cho phương tiện thì chủ phương tiện còn trang bị cho ngư phủ bảo hiểm tai nạn, đề phòng khi gặp sự cố trên biển.
Theo ghi nhận của phóng viên tại các cửa biển có nhiều phương tiện hoạt động và nhiều lao động trên biển, đa phần họ chưa tiếp cận với các loại hình bảo hiểm, như BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn.
Gặp và trò chuyện với anh Nguyễn Văn Khải, Ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh, chủ của 2 phương tiện có công suất lớn hành nghề đánh bắt thuỷ sản xa bờ, anh Khải cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, nghề biển là nghề cha truyền con nối. Trước đây đánh bắt tự do, nhưng từ khi có quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tôi cũng thực hiện theo vì thấy có ích cho mình. Vì hành nghề biển nên tôi muốn có những ngư phủ gắn bó, thân tình với chủ, nhưng nghề này nó vậy, không ai chịu làm lâu dài cho một chủ. Vì vậy, mình muốn chăm lo tốt đời sống cho anh em cũng khó".
Từ bao đời nay nghề biển luôn chịu cảnh “thóc đến đâu bồ câu lượm đến đó”. Ðây là tình hình chung của các làng biển, vì theo ghi nhận của phóng viên, đa phần bạn ghe, người trong tỉnh cũng có, người ngoài tỉnh cũng có, nhưng họ không cố định làm ở một phương tiện nào. Anh Khải bộc bạch: “Có khi một người mượn tiền của hai, ba chủ ghe rồi phải đi xoay vòng để trả nợ. Nên muốn ký hợp đồng lao động gặp rất nhiều khó khăn”.
Theo quy định của luật lao động, nếu lao động làm việc cho một chủ từ 14 ngày trở lên thì bắt buộc phải ký kết hợp đồng lao động và phải thực hiện toàn bộ các quy định của luật lao động. Tuy nhiên, nghề biển là nghề đặc thù, dù lao động theo con nước 20 ngày mới vào bờ nhưng chưa có chủ phương tiện nào thực hiện theo luật lao động.
Anh Khải trần tình: “Hai phương tiện của tôi cần 12 ngư phủ cho mỗi chuyến ra khơi, hiện tại tôi phải cho một phương tiện nằm ụ vì không có ngư phủ. Tôi cũng đặt vấn đề về hợp đồng lao động với anh em nhưng tất cả đều không chịu. Tôi muốn hợp tác lâu dài. Vả lại, mua BHYT theo hộ gia đình, giá giảm dần cũng rẻ chứ không cao lắm”.
Còn với ngư phủ Nguyễn Văn Pha thì không thiết tha với BHYT: “Trên tàu có bảo hiểm tai nạn rồi, cũng bảo vệ cho mình khi gặp sự cố, mua thêm chi BHYT, trước giờ bệnh toàn ra tiệm thuốc cộng vài liều uống là xong, mua bảo hiểm mấy trăm ngàn tốn kém lắm”.
Ðây không chỉ riêng suy nghĩ của anh Pha mà là suy nghĩ chung của nhiều ngư phủ, vì đa phần họ ỷ vào sức còn khoẻ nên thờ ơ với quyền lợi của chính mình.
Tạo điều kiện để người dân tham gia
Nhằm tạo điều kiện để người dân sinh sống tại các xã khó khăn, xã bãi ngang ven biển được tiếp cận chăm sóc sức khoẻ, theo Nghị định 146/2019, người dân tại đây được hỗ trợ 100% BHYT. Tuy nhiên, tại các xã bãi ngang, như Khánh Hội, Khánh Tiến, huyện U Minh, xã đã được công nhận xã nông thôn mới, chính sách này đã không còn hiệu lực. Ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết: “Những năm trước Khánh Hội là xã bãi ngang nên được hỗ trợ BHYT 100%, người dân cứ nghĩ là được hỗ trợ mãi mãi, nhưng đến khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì chế độ này không còn nữa. Người dân tạm thời chưa chấp nhận được việc này, nhưng xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và tự nguyện tham gia BHYT”.
Ðể tuyên truyền sâu rộng trong dân, đặc biệt đối tượng là lao động trên biển, nhiều địa phương đã phối hợp với các đồn biên phòng để người dân dễ dàng cập nhật thông tin về các loại hình bảo hiểm.
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Khánh Hội tuyên truyền chính sách BHYT cho ngư dân. |
“Ðể hỗ trợ người dân tiếp cận và tự nguyện tham gia BHYT, đơn vị đã triển khai cho trạm phát tờ rơi, đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là với các phương tiện đánh bắt khi ra vào trạm để đông đảo người dân nắm, vì đây là quyền lợi của họ. Công tác này đã và đang thực hiện thường xuyên tại trạm và khi tiếp dân”, Thiếu tá Ðinh Văn Khén, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Khánh Hội, cho biết.
Mong rằng, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đoàn thể ở địa phương, người dân, đặc biệt là ngư dân hiểu được ý nghĩa của các loại hình bảo hiểm an sinh, nhất là quyền lợi thiết thân của chính mình khi tham gia BHYT, để BHYT luôn bên mình trong mỗi chuyến ra khơi./.
Kim Cương - Lam Khánh
BÀI 2: NHIỀU GIẢI PHÁP CĂN CƠ