ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-4-25 08:55:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hướng tới chính quyền số toàn diện

Báo Cà Mau Hai năm liền (2023-2024), Cà Mau dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, đây là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Ðể có được thành tựu này, tỉnh không chỉ đơn giản hoá thủ tục mà còn đổi mới mạnh mẽ phương thức phục vụ. Hệ thống một cửa liên thông được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, sự hài lòng trong dân.

Bài 1: Hành trình “không giấy tờ, không chờ đợi”

Trước đây, người dân thường phải mất nhiều ngày, thậm chí hàng tháng để hoàn thành các thủ tục hành chính (TTHC). Quy trình kéo dài không chỉ tiêu tốn thời gian, chi phí mà còn tạo ra những kẽ hở cho nhũng nhiễu. Nhận thức rõ những bất cập này, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định 61/2018/NÐ-CP của Chính phủ, chủ động CCHC một cách toàn diện, từ đơn giản hoá thủ tục, tinh gọn bộ máy đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quản lý... mang lại kết quả đáng ghi nhận trong công tác CCHC cho tỉnh nhà.

Hiện đại hoá nền hành chính

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh: "Chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, quán triệt sâu sắc mục tiêu Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030, tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo, phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân..., lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm".

Trên tinh thần đó, Cà Mau đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giải quyết TTHC. Hệ thống quét mã QR căn cước công dân và nhận diện khuôn mặt tại bộ phận một cửa giúp người dân chỉ cần quét mã một lần, hệ thống tự động lưu trữ thông tin, giúp giao dịch sau nhanh chóng mà không cần xuất trình giấy tờ. Thanh toán trực tuyến cũng được triển khai rộng rãi, với tỷ lệ đạt 81,09%, đưa tỉnh vào nhóm dẫn đầu cả nước. Nhờ đó, Cà Mau đứng đầu cả nước trong Bộ Chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử (Quyết định 766/QÐ-TTg).

Theo đà thành tích này, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao thứ hạng Chỉ số CCHC; Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công. Ðể hiện thực hoá mục tiêu này, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý, đẩy mạnh số hoá toàn bộ TTHC, tối ưu quy trình xử lý và đảm bảo mọi quy định được cụ thể hoá kịp thời. Kết quả ấn tượng: tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 92,36%, thanh toán trực tuyến đạt 77,62%, số hoá hồ sơ đạt 93,5% và tỷ lệ khai thác, sử dụng lại dữ liệu số hoá đạt 83,66%. Ðặc biệt, mức độ hài lòng của người dân đối với việc giải quyết TTHC đạt trên 97%. Theo Báo cáo số 12/BC-VPCP ngày 2/1/2025 của Văn phòng Chính phủ, Cà Mau tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024, khẳng định quyết tâm hiện đại hoá nền hành chính, hướng đến chính quyền số toàn diện.

Cà Mau 2 năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cà Mau 2 năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tại các địa phương, CCHC mang lại hiệu quả rõ nét. Ông Lê Hoàng Quân, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Sông Ðốc là đô thị biển, phần lớn người dân sống bám biển, trước đây bà con phải mất nhiều thời gian đi lại để hoàn tất các TTHC. Giờ đây, nhờ dịch vụ công trực tuyến, nhiều thủ tục có thể thực hiện ngay trên điện thoại, tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức. Hiện nay, hơn 90% hồ sơ tại địa phương được nộp trực tuyến, cho thấy người dân ngày càng thích nghi tốt công nghệ số”.

Tại huyện Phú Tân cũng có những bước tiến mạnh mẽ về cải cách TTHC. Ông Lê Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, chia sẻ: “Năm 2024, UBND thị trấn đã ban hành Quyết định số 262/QÐ-UBND, cắt giảm thời gian giải quyết 39 thủ tục, rút ngắn từ 10-30% so với trước, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn”.

Sự thay đổi này nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Ông Ðỗ Quang Chung, chủ đại lý thức ăn thuỷ sản, gia súc và gia cầm tại Khóm 1, thị trấn Cái Ðôi Vàm, cho biết: “Giờ làm giấy phép đăng ký kinh doanh nhanh lắm. Chỉ cần vào Zalo của UBND thị trấn, làm theo hướng dẫn, nếu thiếu giấy tờ gì, sẽ được báo ngay qua tin nhắn, không phải chạy tới chạy lui như trước”.

Từng bước xoá rào cản

Chuyển đổi số trong hành chính công đã đạt nhiều thành tựu, nhưng vẫn đối mặt không ít thách thức. Ðặc biệt, người cao tuổi và bà con vùng sâu còn e ngại công nghệ, chưa quen thao tác trên thiết bị thông minh, thậm chí thiếu điều kiện tiếp cận Internet. Ngay cả cán bộ hành chính cũng gặp khó khăn trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân và xử lý hồ sơ trực tuyến.

Ông Nguyễn Minh Luân thẳng thắn nhìn nhận: “Khả năng tự thao tác nộp hồ sơ trực tuyến của người dân còn hạn chế, phần lớn vẫn cần người hỗ trợ, thậm chí làm thay. Nguyên nhân chính là quy trình trực tuyến còn phức tạp, có quá nhiều bước trung gian khiến người dân lúng túng. Ngoài ra, một số thủ tục, đặc biệt liên quan đến đất đai, vẫn còn rườm rà, kéo dài thời gian xử lý, buộc người dân phải đi lại nhiều lần. Chưa kể, hạ tầng công nghệ ở cấp xã vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống như VNeID đôi khi gặp sự cố, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ”.

Tại cấp cơ sở, công tác kiểm soát TTHC cũng gặp khó khăn. Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Việc rà soát, đơn giản hoá TTHC ở cấp xã còn nhiều bất cập do thiếu nhân lực, phần mềm một cửa điện tử chưa ổn định. Nhiều hộ dân muốn nộp hồ sơ trực tuyến nhưng chưa có tài khoản VNeID, phải đến cơ quan công an làm thủ tục, gây thêm công đoạn và mất thời gian”.

Nhằm tháo gỡ rào cản, tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung nâng cao nhận thức và hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Các chương trình tập huấn, hướng dẫn trực tiếp tại địa phương được đẩy mạnh. Song song đó, hạ tầng công nghệ được nâng cấp, đảm bảo kết nối ổn định cả ở thành thị lẫn vùng sâu, vùng xa.

Ông Tôn Hữu Nghĩa (bên trái), Trưởng phòng CCHC, Văn phòng UBND tỉnh, kiểm tra một số dịch vụ liên quan đến tiếp nhận TTHC tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Ngọc Hiển.

Ông Tôn Hữu Nghĩa (bên trái), Trưởng phòng CCHC, Văn phòng UBND tỉnh, kiểm tra một số dịch vụ liên quan đến tiếp nhận TTHC tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Ngọc Hiển.

Tuy nhiên, CCHC không chỉ nằm ở yếu tố công nghệ mà còn liên quan chặt chẽ đến hệ thống quy định pháp lý. Hiện vẫn còn một số thủ tục yêu cầu nộp hồ sơ giấy, chữ ký tay, làm giảm hiệu quả của quy trình số hoá. Trước thực tế đó, chính quyền tỉnh đã đẩy mạnh cải cách, từng bước loại bỏ các rào cản không cần thiết. Ðến nay, toàn tỉnh đã cung cấp 552 thủ tục trực tuyến toàn trình và 974 thủ tục trực tuyến một phần.

Ðây cũng là nội dung được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lưu ý: "Các địa phương cần tiếp tục rà soát, đơn giản hoá TTHC nội bộ, thực hiện phân cấp ngay khi các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành theo Quyết định 1015/QÐ-TTg". Ðồng thời yêu cầu các địa phương công khai, minh bạch 100% TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, liên thông với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Việc tiếp nhận, xử lý khó khăn của người dân cũng phải nghiêm túc, tránh tình trạng nhũng nhiễu.

Công cuộc CCHC gắn với chuyển đổi số cần sự phối hợp nhiều ngành, nhiều cấp: nhà mạng chuẩn hoá thông tin thuê bao; người dân và doanh nghiệp được cấp chữ ký số miễn phí; ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản và thanh toán trực tuyến; công an hướng dẫn kích hoạt VNeID mức độ 2... Ðặc biệt, tổ công nghệ số cộng đồng được bố trí tại bộ phận một cửa các cấp để kịp thời hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục dễ dàng, thuận tiện hơn...

Huyện Đầm Dơi là đơn vị dẫn đầu CCHC trong tỉnh.

Huyện Đầm Dơi là đơn vị dẫn đầu CCHC trong tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cũng linh hoạt trong giải quyết TTHC, không cứng nhắc theo địa giới hành chính. Hiện có 83 thủ tục cấp huyện được giao cho Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh tiếp nhận, 7 thủ tục cấp tỉnh được phân cấp về huyện, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí. Các trường hợp phức tạp, gây bức xúc được lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo xử lý, đảm bảo minh bạch, khách quan.

Chuyển đổi số trong hành chính công không đơn thuần là số hoá hồ sơ hay chữ ký điện tử, mà còn là thay đổi tư duy quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ. Một nền hành chính số hiệu quả không chỉ nhanh gọn, tiện lợi, mà còn lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm, đây là nền tảng để xây dựng chính quyền thông minh, thân thiện, gần gũi hơn với cộng đồng.

 

Loan Phương - Việt Mỹ

Bài cuối: Xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ

 

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài 2: Hà Tiên - Giữ nhịp hai vùng biên cương

Nằm ở cực Tây Nam Tổ quốc, Hà Tiên không chỉ nổi danh với cảnh sắc thiên nhiên mà còn là vùng đất biên giới từng chịu nhiều biến động. Những năm 1977-1978, chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, Hà Tiên trở thành tuyến đầu chống lại sự xâm lược của quân Khmer Ðỏ, thị xã nhỏ bé khi ấy hoang tàn. Sau chiến tranh, Hà Tiên đối mặt với những thách thức mới: phục hồi kinh tế, ổn định dân cư và bảo vệ biên giới. Những năm 80, vùng đất này vẫn nghèo nàn, ít người lui tới. Năm 2018, Hà Tiên chính thức trở thành thành phố, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, là trung tâm du lịch, thương mại sầm uất của tỉnh Kiên Giang.

Tâm thế nào trước cuộc đổi thay lớn? - Bài 2: Chọn tâm – thế đúng

Vận động, thay đổi là quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, quá trình này bao gồm cả cơ chế đào thải, đồng thời cũng mở ra những cơ hội để những nhân tố có khả năng thích ứng, linh hoạt bứt phá vươn lên để khẳng định vị trí. Trước cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh gọn đội ngũ nhân lực, vấn đề lựa chọn cho mình tâm thế đúng, con đường đúng để chạm đến thành công lại một lần nữa được xã hội đặc biệt quan tâm.

Tâm thế nào trước cuộc đổi thay lớn?

Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh - gọn - mạnh; hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm tái cấu trúc đội ngũ nhân lực khu vực công ngang tầm, đủ sức đảm đương nhiệm vụ, tạo nền tảng vững chắc để đất nước vươn xa trong bối cảnh mới.

Tự hào vùng đất Tây Nam

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng biên giới khu vực Tây Nam Bộ, nơi từng chịu nhiều biến động lịch sử, nay đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành phên dậu vững vàng, giàu đẹp của Tổ quốc. Biên giới không chỉ là những đường ranh trên bản đồ, mà còn là tình đất, tình người, là thế trận lòng dân vững chắc. Khu vực ven biển, từ Bến Tre, Cà Mau... đến Kiên Giang, những “cột mốc sống” - ngư dân ngày đêm bám biển cùng lực lượng chức năng giữ vững chủ quyền. Trên bộ, từ An Giang, Ðồng Tháp đến Kiên Giang, những cung đường mới mở, những cây cầu bắc qua sông biên giới, những khu kinh tế cửa khẩu sôi động... cho thấy một Tây Nam Bộ đang bứt phá, vươn lên bằng chính nội lực, tiềm năng.

Nơi ngã ba sông ngày ấy - bây giờ

Tôi có rất nhiều điều để viết về thị trấn Thới Bình - thị trấn nằm yên bình bên ngã ba Sông Trẹm, nơi tiếp giáp giữa kênh xáng Chắc Băng và dòng Sông Trẹm hiền hoà. Bởi cứ mỗi khi chạm vào miền ký ức của một thời tuổi trẻ, là trong tôi bao hình ảnh về dòng sông, con đường, góc phố... ngày xưa cứ ùa về, dù tôi đã trải qua thời gian sống xa thị trấn này đã 50 năm.

Nhiều bất cập trong hỗ trợ cước phí hành trình tàu cá - Bài cuối: Sớm khắc phục sai sót

Nghị quyết 03 được ban hành với mục tiêu giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngư dân trong việc lắp đặt và duy trì thiết bị giám sát hành trình, thực tế cho thấy nhiều ngư dân vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện chính sách này. Các nhà mạng, mặc dù đã nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, vẫn thu phí cước từ ngư dân, điều này gây khó khăn cho các chủ tàu đã được xác nhận đủ điều kiện hưởng hỗ trợ. Trước những phản ánh đó, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình hình và đảm bảo quyền lợi cho ngư dân.

Nhiều bất cập trong hỗ trợ cước phí hành trình tàu cá - Bài 2: Ngư dân bức xúc nhà mạng

Với quy định hỗ trợ 100% phí cước kết nối VMS cho tàu cá đến hết năm 2026, Nghị quyết 03 được kỳ vọng sẽ giúp ngư dân giảm bớt gánh nặng tài chính và thúc đẩy hoạt động khai thác thuỷ sản bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này đang gặp phải không ít khó khăn, khiến ngư dân bức xúc.

Nhiều bất cập trong hỗ trợ cước phí hành trình tàu cá

Ðể nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC, đồng thời giúp ngư dân giảm bớt khó khăn, duy trì thường xuyên hoạt động khai thác thuỷ sản theo hướng bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới trên biển, ngày 1/8/2021, HÐND tỉnh Cà Mau ban hành Nghị quyết 03/2021/NQ-HÐND Nghị quyết 03 về hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ giám sát tàu cá. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/2/2021- 31/12/2026.

Cà Mau hướng tới “thủ phủ” năng lượng xanh - Bài cuối: Chìa khoá đến Net zero

Tận dụng nguồn năng lượng “trời ban” để tạo ra năng lượng xanh, tích hợp vào quy trình sản xuất sạch không chỉ giúp tối ưu chi phí mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế. Quan trọng hơn, đây là bước đi chiến lược hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), xu hướng tất yếu trong nền kinh tế bền vững. Tại Cà Mau, nhiều doanh nghiệp đang chủ động đón đầu xu thế này, từng bước chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường và kiến tạo giá trị phát triển dài hạn.

Cà Mau hướng tới “thủ phủ” năng lượng xanh - Bài 2: “Kho báu xanh” đang chờ đánh thức

Nhắc đến Cà Mau, người ta thường nghĩ ngay đến những cánh rừng bạt ngàn, ôm trọn lấy mảnh đất tận cùng Tổ quốc. Rừng ngập mặn vươn mình ra biển, kiên cường chắn sóng, bảo vệ bờ cõi; rừng tràm U Minh Hạ trải dài xanh thẳm, đóng vai trò như lá phổi xanh của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Những khu rừng này không chỉ giúp cân bằng hệ sinh thái mà còn mang lại giá trị kinh tế to lớn từ thị trường tín chỉ carbon. Nếu khai thác hiệu quả, nguồn tài nguyên quý giá này sẽ trở thành động lực giúp Cà Mau vươn lên trên bản đồ kinh tế xanh, đồng thời góp phần hiện thực hoá mục tiêu Netzero vào năm 2050.