ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 2-4-25 19:04:23
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hướng tới chính quyền số toàn diện - Bài cuối: Xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ

Báo Cà Mau Nếu chuyển đổi số (CÐS) trong thủ tục hành chính (TTHC) là bước đột phá giúp cắt giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, thì xây dựng chính quyền thông minh lại mang tầm vóc lớn hơn. Ðó không chỉ là việc đưa công nghệ vào bộ máy quản lý Nhà nước, mà còn là một cuộc chuyển đổi toàn diện về tư duy điều hành, phương thức hoạt động và tinh thần phục vụ. Không còn cảnh văn phòng hành chính đầy ắp hồ sơ, giấy tờ, chính quyền số hôm nay đang định hình một mô hình làm việc mới: liên thông, minh bạch, gần gũi và lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm.

Hành chính kiến tạo - Phục vụ từ trái tim

Tại Cà Mau, chính quyền số không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ công trực tuyến mà còn hướng đến một mô hình điều hành thông minh, liên kết dữ liệu, tối ưu quy trình và quan trọng nhất là thay đổi cách phục vụ. Hệ thống một cửa điện tử liên thông giúp rút ngắn đáng kể thời gian xử lý hồ sơ, giảm thiểu tình trạng chồng chéo giữa các sở, ngành, đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, việc cải tiến quy trình cần đi đôi với những sáng kiến mang tính nhân văn, giúp chính quyền số thực sự trở thành một phần của đời sống người dân. Các mô hình, như “Dân vận khéo - Làm hết việc, không hết giờ”, “4 xin, 6 luôn”, “5 không, 4 luôn” đã tạo ra một môi trường hành chính thân thiện hơn. Những quy tắc ứng xử tưởng chừng đơn giản như: "xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” hay “luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giải thích rõ ràng, luôn giúp đỡ tận tình, luôn tôn trọng”... đã giúp xây dựng một chính quyền gần dân hơn, phục vụ tận tâm hơn.

Tại huyện Ngọc Hiển, hiệu quả của chính quyền số thể hiện rõ qua mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: “Mức độ hài lòng của người dân trong tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa huyện, xã đạt 100%. Công chức, viên chức tuân thủ nghiêm quy tắc ứng xử, thời gian làm việc, đảm bảo phục vụ người dân tốt nhất”. Không dừng lại ở đó, địa phương còn công khai số điện thoại đường dây nóng và hòm thư tiếp nhận phản ánh để kịp thời giải quyết vướng mắc. Ðáng chú ý, từ đầu năm đến nay, huyện chưa nhận bất kỳ phản ánh nào liên quan đến quá trình giải quyết TTHC, minh chứng rõ nét cho sự chuyển biến trong công tác phục vụ.

Không chỉ cải cách quy trình, chính quyền địa phương còn chủ động đưa ra những sáng kiến gần gũi, mang đậm tính nhân văn. Từ đầu năm 2024, mỗi công dân khi đến đăng ký khai sinh, kết hôn hoặc khai tử đều nhận được một bức thư chúc mừng hoặc thư chia buồn từ chính quyền địa phương.

Vợ chồng chị Trần Thị Anh Thư (Khóm 8, thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân), vừa hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND thị trấn, không giấu được xúc động: “Chúng tôi thật sự bất ngờ và hạnh phúc khi không chỉ nhận được giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mà còn được UBND tổ chức lễ trao trang trọng kèm theo hoa chúc mừng. Chính quyền địa phương còn tận tình nhắc nhở, động viên chúng tôi tổ chức lễ cưới văn minh, tiết kiệm, làm chúng tôi cảm thấy được quan tâm thật sự, rằng chính quyền không chỉ là nơi giải quyết giấy tờ mà còn luôn đồng hành cùng người dân trong những dấu mốc quan trọng của cuộc đời”.

Vợ chồng em Trần Thị Anh Thư hạnh phúc trong ngày đăng ký kết hôn.

Vợ chồng em Trần Thị Anh Thư hạnh phúc trong ngày đăng ký kết hôn.

Chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động này, ông Lê Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, cho biết: “Chính quyền không chỉ là cơ quan hành chính mà còn là người đồng hành cùng người dân. Một bó hoa, một lời chúc phúc tuy đơn giản, nhưng là cách để chính quyền đến gần hơn với Nhân dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa chính quyền và cộng đồng”.

Không chỉ dừng lại ở những cử chỉ mang tính biểu tượng, tinh thần cải cách còn thể hiện trong cung cách làm việc của đội ngũ công chức tại bộ phận một cửa.

Ông Lê Vũ Phong, Công chức Tư pháp - Hộ tịch tại thị trấn Sông Ðốc, nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ giải quyết hồ sơ mà còn là cầu nối giữa chính quyền và người dân. Khi tiếp dân, thái độ phải niềm nở, hướng dẫn tận tình, không để ai cảm thấy phiền hà hay bối rối với TTHC. Công việc chỉ thực sự hoàn thành khi hồ sơ của người dân được xử lý trọn vẹn, chứ không dừng lại khi hết giờ làm việc”.

Những hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa này không chỉ giúp xây dựng một chính quyền gần dân hơn, mà còn thay đổi nhận thức của người dân về bộ máy hành chính địa phương.

Cầu nối giữa chính quyền và người dân

CÐS không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn là sự thay đổi tư duy quản lý. Nếu trước đây, chính quyền tập trung vào giám sát và kiểm soát, thì nay mục tiêu quan trọng hơn là phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phát triển.

Tại Cà Mau, chính quyền số đang từng bước hoàn thiện với hệ thống dữ liệu kết nối thông minh. Khi triển khai đồng bộ, người dân chỉ cần nhập mã định danh cá nhân để truy xuất thông tin, thay vì mang theo hàng loạt giấy tờ. Tuy nhiên, để chính quyền số thực sự hiệu quả, không chỉ cơ quan Nhà nước mà cả người dân và doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, chủ động tiếp cận dịch vụ số, đóng góp ý kiến và tận dụng cơ hội từ nền tảng số để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Lực lượng tổ công nghệ số tại địa phương giữ vai trò cầu nối, giúp người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, tiếp cận công nghệ dễ dàng hơn. Ông Trần Anh Chót, Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Chúng tôi không chỉ hướng dẫn bà con nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu thông tin mà còn hỗ trợ giải đáp thắc mắc qua Zalo, Facebook, giúp họ tiếp cận các dịch vụ số thuận tiện hơn”.

Ðóng góp tích cực vào quá trình này, Ðoàn thanh niên địa phương trở thành lực lượng nòng cốt trong tổ công nghệ số cộng đồng. Chị Vũ Thị Hường, Bí thư Chi đoàn, Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng Khóm 12, thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời), chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên xuống địa bàn, trực tiếp hướng dẫn người lớn tuổi, tiểu thương, nông dân sử dụng các nền tảng số, cài đặt VNeID, tài khoản thanh toán điện tử và đặt lịch hẹn làm giấy tờ trực tuyến ngay tại nhà”.

Các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng Khóm 12, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, hỗ trợ bà con làm giấy tờ trực tuyến ngay tại nhà.

Các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng Khóm 12, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, hỗ trợ bà con làm giấy tờ trực tuyến ngay tại nhà.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, tỷ lệ sử dụng dịch vụ số tại các huyện, thị trấn tăng mạnh. Ông Trần Hoàng Lạc thông tin: “Trên địa bàn, 94,2% cơ sở kinh doanh đã lắp đặt mã QR thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng dịch vụ thanh toán số đạt 99,46%”.

Chính quyền số không chỉ dừng ở việc nâng cao chất lượng phục vụ mà còn là sự đổi mới toàn diện về quản lý. Ông Võ Văn Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho hay: “Hệ thống iOffice vận hành ổn định, đảm bảo văn bản điện tử liên thông 100%, công khai, minh bạch các thủ tục theo tiêu chuẩn ISO, giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ và nâng cao mức độ hài lòng của người dân”.

Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp viễn thông - công nghệ cũng góp phần quan trọng vào quá trình CÐS. Bà Hồ Lệ Quyên, Phó giám đốc VNPT Cà Mau, cho biết: “Thời gian qua, VNPT đã đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông, mở rộng vùng phủ sóng, triển khai các giải pháp công nghệ như: cổng dịch vụ công, chữ ký số, thanh toán điện tử... Ðặc biệt, hệ thống dữ liệu dùng chung đang được phát triển để hỗ trợ tỉnh Cà Mau xây dựng chính quyền số hiệu quả hơn”.

Hiện VNPT đã hoàn thành Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống quản lý văn bản iOffice, hội nghị truyền hình trực tuyến và trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) giúp nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Ngoài ra, đơn vị còn triển khai hệ thống phòng họp không giấy VNPT eCabinet, phần mềm quản lý họp Hội đồng Nhân dân, hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT ILis... Không chỉ tập trung vào hạ tầng và dịch vụ, VNPT còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số.

Những bước đi này cho thấy Cà Mau không chỉ đặt ra mục tiêu xây dựng một chính quyền số hiện đại mà còn có kế hoạch thực tế để hiện thực hoá mục tiêu này. Chính quyền số không chỉ đơn thuần là số hoá thủ tục mà còn là sự chuyển đổi toàn diện về tư duy phục vụ, nơi chính quyền và người dân cùng đồng hành để tạo nên một môi trường sống và làm việc thuận lợi hơn, thông minh hơn./.

 

Loan Phương - Việt Mỹ

 

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài 3: Hồi sinh Ba Chúc

Cách nay 50 năm, trong khi các địa phương trong cả nước đang bắt tay kiến thiết quê hương sau đại thắng mùa Xuân 1975 thì Nhân dân Ba Chúc lại mang thêm trên mình những vết thương của nạn thảm sát diệt chủng Pol Pot. Nếu so sánh xuất phát điểm của vùng đất thanh bình vươn lên sau chiến tranh thì Ba Chúc khởi điểm sau các vùng đất khác 10 năm, với nền tảng ban đầu: đất đai cằn cỗi, nhà cửa xơ xác, cuộc sống của người dân bấp bênh giữa đói nghèo và ký ức đau thương. Trở lại Ba Chúc hôm nay là thị trấn sầm uất của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài 2: Hà Tiên - Giữ nhịp hai vùng biên cương

Nằm ở cực Tây Nam Tổ quốc, Hà Tiên không chỉ nổi danh với cảnh sắc thiên nhiên mà còn là vùng đất biên giới từng chịu nhiều biến động. Những năm 1977-1978, chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, Hà Tiên trở thành tuyến đầu chống lại sự xâm lược của quân Khmer Ðỏ, thị xã nhỏ bé khi ấy hoang tàn. Sau chiến tranh, Hà Tiên đối mặt với những thách thức mới: phục hồi kinh tế, ổn định dân cư và bảo vệ biên giới. Những năm 80, vùng đất này vẫn nghèo nàn, ít người lui tới. Năm 2018, Hà Tiên chính thức trở thành thành phố, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, là trung tâm du lịch, thương mại sầm uất của tỉnh Kiên Giang.

Tâm thế nào trước cuộc đổi thay lớn? - Bài 2: Chọn tâm – thế đúng

Vận động, thay đổi là quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, quá trình này bao gồm cả cơ chế đào thải, đồng thời cũng mở ra những cơ hội để những nhân tố có khả năng thích ứng, linh hoạt bứt phá vươn lên để khẳng định vị trí. Trước cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh gọn đội ngũ nhân lực, vấn đề lựa chọn cho mình tâm thế đúng, con đường đúng để chạm đến thành công lại một lần nữa được xã hội đặc biệt quan tâm.

Tâm thế nào trước cuộc đổi thay lớn?

Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh - gọn - mạnh; hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm tái cấu trúc đội ngũ nhân lực khu vực công ngang tầm, đủ sức đảm đương nhiệm vụ, tạo nền tảng vững chắc để đất nước vươn xa trong bối cảnh mới.

Tự hào vùng đất Tây Nam

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng biên giới khu vực Tây Nam Bộ, nơi từng chịu nhiều biến động lịch sử, nay đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành phên dậu vững vàng, giàu đẹp của Tổ quốc. Biên giới không chỉ là những đường ranh trên bản đồ, mà còn là tình đất, tình người, là thế trận lòng dân vững chắc. Khu vực ven biển, từ Bến Tre, Cà Mau... đến Kiên Giang, những “cột mốc sống” - ngư dân ngày đêm bám biển cùng lực lượng chức năng giữ vững chủ quyền. Trên bộ, từ An Giang, Ðồng Tháp đến Kiên Giang, những cung đường mới mở, những cây cầu bắc qua sông biên giới, những khu kinh tế cửa khẩu sôi động... cho thấy một Tây Nam Bộ đang bứt phá, vươn lên bằng chính nội lực, tiềm năng.

Nơi ngã ba sông ngày ấy - bây giờ

Tôi có rất nhiều điều để viết về thị trấn Thới Bình - thị trấn nằm yên bình bên ngã ba Sông Trẹm, nơi tiếp giáp giữa kênh xáng Chắc Băng và dòng Sông Trẹm hiền hoà. Bởi cứ mỗi khi chạm vào miền ký ức của một thời tuổi trẻ, là trong tôi bao hình ảnh về dòng sông, con đường, góc phố... ngày xưa cứ ùa về, dù tôi đã trải qua thời gian sống xa thị trấn này đã 50 năm.

Nhiều bất cập trong hỗ trợ cước phí hành trình tàu cá - Bài cuối: Sớm khắc phục sai sót

Nghị quyết 03 được ban hành với mục tiêu giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngư dân trong việc lắp đặt và duy trì thiết bị giám sát hành trình, thực tế cho thấy nhiều ngư dân vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện chính sách này. Các nhà mạng, mặc dù đã nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, vẫn thu phí cước từ ngư dân, điều này gây khó khăn cho các chủ tàu đã được xác nhận đủ điều kiện hưởng hỗ trợ. Trước những phản ánh đó, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình hình và đảm bảo quyền lợi cho ngư dân.

Nhiều bất cập trong hỗ trợ cước phí hành trình tàu cá - Bài 2: Ngư dân bức xúc nhà mạng

Với quy định hỗ trợ 100% phí cước kết nối VMS cho tàu cá đến hết năm 2026, Nghị quyết 03 được kỳ vọng sẽ giúp ngư dân giảm bớt gánh nặng tài chính và thúc đẩy hoạt động khai thác thuỷ sản bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này đang gặp phải không ít khó khăn, khiến ngư dân bức xúc.

Nhiều bất cập trong hỗ trợ cước phí hành trình tàu cá

Ðể nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC, đồng thời giúp ngư dân giảm bớt khó khăn, duy trì thường xuyên hoạt động khai thác thuỷ sản theo hướng bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới trên biển, ngày 1/8/2021, HÐND tỉnh Cà Mau ban hành Nghị quyết 03/2021/NQ-HÐND Nghị quyết 03 về hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ giám sát tàu cá. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/2/2021- 31/12/2026.

Cà Mau hướng tới “thủ phủ” năng lượng xanh - Bài cuối: Chìa khoá đến Net zero

Tận dụng nguồn năng lượng “trời ban” để tạo ra năng lượng xanh, tích hợp vào quy trình sản xuất sạch không chỉ giúp tối ưu chi phí mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế. Quan trọng hơn, đây là bước đi chiến lược hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), xu hướng tất yếu trong nền kinh tế bền vững. Tại Cà Mau, nhiều doanh nghiệp đang chủ động đón đầu xu thế này, từng bước chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường và kiến tạo giá trị phát triển dài hạn.