Thời gian qua, nhờ áp dụng sản xuất theo mô hình đa canh trên cùng diện tích, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Trần Thanh Phong, Ấp 1, xã Trần Hợi là một điển hình.
Sau khi lập gia đình, ra ở riêng vào năm 1998, với 4.000 m2 đất làm lúa được cha mẹ cho, vợ chồng anh Phong thống nhất đầu tư lên liếp hết số đất này để trồng rau màu. Anh Trần Thanh Phong chia sẻ: “Tôi chọn thời điểm xuống giống các loại hoa màu phải nghịch mùa để bán được giá”.
Ðể đảm bảo nguồn nước tưới cho hoa màu trong mùa khô cũng như giảm công lao động, anh Phong đầu tư trên 50 triệu đồng khoan giếng nước lớn và lắp đặt hệ thống ống tưới tự động. Ðồng thời, anh cũng chủ động trong việc chống ngập úng cho hoa màu khi có mưa lớn, nước lên cao.
Anh Trần Thanh Phong chia sẻ thêm: “Xuống giống vào mùa mưa thì phải be bờ bao, đặt sẵn mô tơ để bơm nước, nhằm tránh được tình trạng nước lên cao làm cho hoa màu bị ngập úng, như thế mới đạt năng suất cao”.
Vợ anh Trần Thanh Phong thu hoạch rau.
Nhờ chuẩn bị tốt các điều kiện, chọn đúng thời điểm xuống giống cũng như chủ động trong khâu chăm sóc, nên mỗi vụ, hoa màu của anh Phong luôn bán được giá, bình quân mỗi năm anh thu lãi trên 50 triệu đồng.
Ðể tăng thêm thu nhập cho gia đình, dưới mương, anh thả nuôi cá bổi thương phẩm; đầu tư vốn xây dựng chuồng chăn nuôi thêm heo. Với ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, anh Trần Thanh Phong đã áp dụng thành công mô hình kinh tế phù hợp, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.
Sau nhiều năm tích luỹ, năm 2018, gia đình anh xây dựng được căn nhà cơ bản trị giá hơn 800 triệu đồng. Hai con được học hành đàng hoàng và có việc làm ổn định.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh ngoài góp phần đa dạng sản phẩm, còn giúp người dân gia tăng hiệu quả kinh tế. Chưa kể việc sản xuất đa canh còn hạn chế tình trạng mất thu nhập khi một trong các loại nông sản mất mùa hay rớt giá như thời gian qua./.
Hà Phương