(CMO) Năm 2023 tình hình kinh tế tiếp tục trên đà phục hồi, tuy vẫn còn nhiều thách thức. Một số doanh nghiệp vẫn còn gặp khó trong sản xuất kinh doanh, điều đó đồng nghĩa với việc thu ngân sách sẽ tiếp tục còn khó khăn. Quản lý tốt các nguồn thu, chống thất thu, chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý nợ đọng thuế... là những giải pháp đang được triển khai.
Quý I, tình hình trong nước cũng như quốc tế tiếp tục tác động trực tiếp đến việc phục hồi và phát triển của doanh nghiệp. Ðặc biệt là các ngân hàng siết chặt tín dụng khiến một số lĩnh vực sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực bất động sản, nên số lượng doanh nghiệp được thành lập mới giảm; tình hình lạm phát tại các nước châu Âu đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, một số lĩnh vực quan trọng trong đóng góp vào ngân sách của tỉnh từ đầu năm đến nay đã giảm đến 26,2% so cùng kỳ năm 2022…
Tuy nhiên, đến ngày 31/3/2023, thu ngân sách toàn tỉnh đạt trên 1.306 tỷ đồng, bằng 28% dự toán, tăng 21,1% so cùng kỳ. Ðể đạt được kết quả này, ông Nguyễn Văn Bé, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết, thời gian qua ngành đã tập trung nhiều giải pháp trong việc kê khai thuế, nộp thuế, đăng ký thuế để chống thất thu. Ðồng thời, ngành thuế đang hướng tới mục tiêu đạt 100% người nộp thuế đúng hạn, hiện nay đã đạt 99%.
Kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay giảm mạnh so với cùng kỳ và dự báo còn nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách. |
Rà soát để khai thác nguồn thu mới, chống thất thu là một trong những giải pháp trọng tâm và quan trọng để đảm bảo nguồn thu ngân sách theo dự toán năm. Tuy nhiên, hiện nay một thành phần kinh tế rất dễ bị thất thu thuế, đó là hộ kinh doanh. Bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến là các hộ kinh doanh phân tán, số lượng nhiều lại biến động thường xuyên. Phần lớn chưa được đào tạo bài bản về kinh tế tài chính trong khi thường không có hoá đơn chứng từ mua bán… Từ đó, việc thất thu thuế là khó tránh khỏi. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều hộ kinh doanh có mức doanh thu, cơ sở lớn, đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp nhưng họ không chuyển lên doanh nghiệp để có thể "né" thuế.
Nhằm bảo đảm sự công bằng, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước, việc thường xuyên là luôn rà soát phân loại quy mô kinh doanh của hộ kinh doanh để kịp thời điều chỉnh mức thuế khoán; sử dụng hoá đơn điện tử khi có quy mô kinh doanh lớn; chuyển sang phương pháp kê khai thuế hoặc thành lập doanh nghiệp... Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp với UBND các xã, thị trấn nhằm nắm bắt kịp thời các hộ kinh doanh mới thành lập, cũng như có biện pháp xử lý đối với những hộ kinh doanh không còn hoạt động…
Về phía ngành thuế, ông Bé cho biết: "Luôn cố gắng lắng nghe những chia sẻ cũng như phản ánh liên quan đến các chính sách thuế; lắng nghe ý kiến góp ý của doanh nghiệp trong xây dựng chính sách thuế và cả những thông tin liên quan đến công tác phục vụ của công chức thuế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình thông qua nhiều kênh thông tin. Ðể từ đó có giải pháp, cũng như đề xuất, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp cùng phát triển".
Công tác hỗ trợ quảng bá cho các cơ sở, làng nghề tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh nhằm tạo thêm nguồn thu mới.
Dự báo từ nay đến cuối năm tình hình phát triển kinh tế sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, tức thu ngân sách bị hạn chế. Theo đó, trong chương trình công tác quý II, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, nhất là thu ngân sách.
Chương trình công tác quý II của UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn; triển khai kịp thời và hiệu quả các chính sách tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Quản lý tốt thu ngân sách, chống thất thu, chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý nợ đọng thuế.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là giải pháp về cải cách thủ tục hành chính. Trong năm 2022, ngành thuế đã cắt giảm từ 35-40%, thậm chí có những trường hợp cắt giảm đến 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
“Trong năm 2023, ngành thuế tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính để làm thế nào phục vụ nhanh nhất cho người nộp thuế. Ðồng thời, ngành đang tập trung tăng cường siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công chức, kiên quyết xử lý các hành vi nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện công vụ", ông Bé khẳng định./.
Nguyễn Phú