Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ngọc Hiển, việc tập trung nuôi tôm sinh thái được xác định là một trong những ngành nghề chủ lực và mang lại hiệu quả tích cực, tạo ra hướng phát triển mới cho huyện.
- Tôm sinh thái Rạch Gốc nâng chất để vươn xa
- Tăng giá trị tôm - rừng
- Nuôi tôm bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu
Năm 2024, huyện Ngọc Hiển phấn đấu có gần 23.000 ha tôm nuôi đạt chứng nhận sinh thái nhằm tăng thu nhập cho người nuôi, tạo ra nguồn nguyên liệu tôm sạch cho thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị con tôm vùng ngập mặn.
Ðể mô hình đạt hiệu quả cao, người dân chú trọng khâu đầu vào, lựa chọn thả nuôi con giống đạt chứng nhận an toàn sinh học, khoẻ mạnh, kháng bệnh cao. Tôm sinh thái được nuôi trong vuông không sử dụng hoá chất, thuốc kháng sinh, giúp tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Môi trường nuôi ít bị ô nhiễm, hạn chế dịch bệnh và giảm được chi phí đầu vào cho người nuôi.
Người dân khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, thu hoạch tôm sinh thái.
Ông Lê Ngọc Thạnh, ấp Ðường Kéo, xã Tân Ân Tây, cho biết: “Tôi thấy nuôi tôm sinh thái rất hiệu quả, trong quá trình nuôi không sử dụng thuốc kháng sinh, chủ yếu áp dụng khoa học - kỹ thuật tạo ra con tôm chất lượng. Ðặc biệt, nuôi tôm sinh thái còn được chi trả dịch vụ môi trường rừng và giá tôm mua cũng cao hơn các loại tôm khác, người nuôi có thêm thu nhập. Những năm gần đây, diện tích nuôi tôm sinh thái được mở rộng, nhiều hộ dân thực hiện nuôi sinh thái để thích ứng với biến đổi khí hậu, có được mô hình sản xuất bền vững”.
Trong quá trình nuôi, người dân tuân thủ hướng dẫn của ngành chuyên môn và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả cao cho mỗi vụ nuôi. Năng suất tôm thu hoạch đạt từ 200-250 kg/năm, cao hơn tôm nuôi truyền thống khoảng 20 kg/năm. Tôm sinh thái được các công ty thu mua với giá cao hơn các mô hình nuôi khác từ 5-10 ngàn đồng/kg. Tôm sinh thái được xuất khẩu sang thị trường: Mỹ, Nhật Bản, EU.
Ông Phạm Ngọc San, ấp Biện Nhạn, xã Viên An Ðông, cho biết: “Trước đây tôi nuôi tôm theo hình thức truyền thống, năng suất không cao. Từ khi nuôi tôm sinh thái, năng suất cải thiện hơn trước, tôm đạt đầu con, lớn nhanh, đạt trọng lượng từ 20-25 con/kg, giá bán cũng cao hơn. Mỗi con nước xổ vuông, tôi thu nhập trên 30 triệu đồng”.
Hiện nay, huyện còn thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm sinh thái, tạo sự liên kết với các doanh nghiệp, công ty thu mua tôm nguyên liệu nhằm ổn định đầu ra, đầu vào sản phẩm; tăng sức cạnh tranh và tạo thương hiệu cho con tôm sinh thái trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm.
Huyện Ngọc Hiển hiện có 23.000 ha mặt nước nuôi tôm sinh thái kết hợp nuôi cau dưới tán rừng. Ảnh bà con khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc đặt lú thu hoạch tôm.
Ông Lương Huỳnh Hảo, Chủ tịch UBND xã Viên An Ðông, thông tin: “Chúng tôi phối hợp với ngành chuyên môn hỗ trợ các hộ nuôi tôm sinh thái về kỹ thuật, từ khâu lựa chọn con giống đến ương con giống 2 giai đoạn; sử dụng men vi sinh để xử lý môi trường nước; tạo thức ăn cho tôm. Tất cả các khâu nuôi đến thu hoạch đều tuân thủ quy trình kỹ thuật, tạo ra con tôm sạch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn do tổ chức quốc tế đưa ra. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích các hộ nuôi tôm thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm sinh thái nhằm liên kết trong sản xuất từ đầu vào đến đầu ra tăng giá trị, chuỗi kinh tế cho tôm sinh thái”./.
Hồng My - Chí Hiểu