(CMO) Là tỉnh duy nhất cả nước có 3 mặt giáp biển, Cà Mau có thế mạnh nuôi trồng thuỷ sản, với đối tượng nuôi chủ lực là tôm và cua. Trong đó, tôm là mặt hàng tạo ra giá trị lớn nhất và là sản phẩm gắn bó mật thiết với đời sống, sinh kế của người dân.
Cà Mau có diện tích nuôi tôm trên 280.000 ha, sản lượng tôm nuôi hàng năm đạt trên 220 ngàn tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 đạt hơn 1 tỷ USD, chiếm khoảng 25% cả nước. Ðây là năm thứ 3 liên tiếp xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh vượt trên 1 tỷ USD, đóng góp quan trọng giúp Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD xuất khẩu thuỷ sản, trong đó xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD.
Phong phú mô hình
Cà Mau có nhiều loại hình nuôi tôm gồm: quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh (STC); sản lượng tôm sú khoảng 125 ngàn tấn/năm. Ðặc biệt, trong đó có khoảng 25 ngàn tấn tôm sinh thái có chất lượng và giá trị cao từ hình thức nuôi xen canh tôm - rừng, luân canh tôm - lúa, đây là thế mạnh không nơi nào có được, góp phần tạo nên thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng thế giới.
Trang trại nuôi tôm Tấn Ðạt 5 (ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân) tuân thủ nghiêm quy trình của Công ty CP Việt Nam, đặc biệt là nuôi tôm cỡ lớn; quy trình khép kín, tập trung liên kết chuỗi trong sản xuất. (Ảnh chụp thu hoạch tôm tại trang trại).
Nuôi xen canh tôm - rừng là lợi thế riêng có của Cà Mau, không đâu sánh bằng. Mô hình này tập trung chủ yếu tại các vùng ven biển, nơi có rừng ngập mặn. Ðã có 7 công ty chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của Cà Mau tham gia xây dựng liên kết chuỗi sản xuất tôm - rừng cùng với người dân, gắn với các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) là một trong những đơn vị tiên phong, đi đầu trong phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng. Các dự án được triển khai từ năm 2013, đến nay qua 10 năm kiên trì thực hiện, mô hình này đã phát triển trên 9.500 ha, với 2.100 hộ nuôi, đạt được 7 chứng nhận quốc tế trong chuỗi sản xuất tôm - rừng.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, cho biết: “Về tôm sú, Việt Nam chứng nhận được tôm sinh thái và tôm hữu cơ. Về chứng nhận BAP tôm - rừng, được cấp vào ngày 26/6/2023, đây là chứng nhận đầu tiên trên thế giới về mô hình BAP của Mỹ, được xem là lợi thế của tôm Cà Mau khi cạnh tranh với thị trường thế giới. Hy vọng đến năm 2030, chúng tôi sẽ tăng gấp 3 lần diện tích hiện tại”.
“Từ năm 2023, huyện Ngọc Hiển sẽ phát triển thêm 9.000 ha nữa, số diện tích còn lại sẽ phát triển trong những năm 2024, 2025. Chúng tôi vận động, tuyên truyền người dân phải đảm bảo về tỷ lệ rừng, đảm bảo về mặt vệ sinh môi trường, đồng thời chấp hành lịch thời vụ nuôi, áp dụng khoa học công nghệ để nuôi tôm đảm bảo được năng suất, chất lượng”, ông Lê Văn Quang chia sẻ.
Anh Ung Văn Điền, ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển thu hoạch tôm; đây là một trong những hộ nuôi tôm rừng thành công của Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú
Ngoài mô hình nuôi xen canh tôm - rừng, Cà Mau còn có mô hình luân canh tôm- lúa cũng mang lại giá trị rất đặc biệt. Mô hình này tập trung tại các vùng phía Bắc tỉnh Cà Mau, với diện tích trên 38.000 ha, năng suất khoảng 300 kg/ha/năm, sản lượng trên 11 ngàn tấn/năm. Người dân đã sáng tạo trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn bằng cách chuyển từ sản xuất chuyên canh 2 vụ lúa sang sản xuất luân canh nuôi tôm sú trong mùa khô và trồng lúa trong mùa mưa; ngoài ra, còn sáng tạo thêm việc nuôi xen canh tôm càng xanh với trồng lúa trong mùa mưa. Với mô hình này, con tôm sống được trên cây lúa, có nghĩa là môi trường thức ăn dư thừa của con tôm thải ra thì rễ lúa sẽ hút và hấp thu được, chúng trao đổi chất với nhau, làm sạch môi trường; còn rơm rạ, phế phẩm của lúa khi mục rã sẽ thành phân, sinh ra tảo, làm thức ăn cho con tôm.
Nổi bật, vào ngày 3/10/2022, Tổ chức Control Union cấp chứng nhận ASC cho 252 hộ, với 387 ao nuôi tôm thông qua mô hình liên kết nuôi, tiêu thụ tôm có trách nhiệm giữa người dân xã Trí Lực và Công ty Minh Phú, với diện tích được cấp chứng nhận gần 600 ha. Chứng nhận ASC là chứng nhận đầu tiên được cấp trên mô hình tôm - lúa của Việt Nam.
Một mô hình khác đang được Cà Mau quan tâm phát triển và xem là mô hình đột phá về sản lượng, đó là mô hình nuôi tôm thâm canh, STC. Diện tích nuôi tôm STC hiện đạt gần 4.700 ha, với khoảng 4.800 hộ nuôi; tỷ lệ nuôi thành công đạt khoảng 70-80%, năng suất nuôi bình quân đạt 40-50 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt năng suất trên 80 tấn/ha/vụ nuôi. Mô hình này có thể nuôi từ 3-4 vụ. Bước đầu mô hình STC đã đạt được chứng nhận BAP và ASC.
Phát triển bền vững, theo hướng hiện đại
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Cà Mau tập trung phát triển mô hình STC đạt 5.000 ha trở lên, chỉ tiêu này là hoàn toàn có thể đạt được vì hiện tại đã gần 4.700 ha. Phấn đấu đến năm 2030, mô hình STC phải đạt từ 8.000 ha trở lên; nếu đạt được điều này thì chỉ tiêu về sản lượng của mô hình STC Cà Mau đạt được, hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết “4 nhà”, “5 nhà” trong sản xuất”.
Hiện tại, Cà Mau có 41 nhà máy chế biến thuỷ sản của 38 doanh nghiệp, với lực lượng công nhân lên đến 20 ngàn người. Tổng công suất sản xuất, chế biến của các nhà máy ước đạt gần 250 ngàn tấn/năm. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản rất nhạy bén, thích ứng nhanh với biến đổi khí hậu, tiếp cận nhanh với thị trường, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong xuất khẩu. Máy móc thiết bị của các nhà máy chế biến thuỷ sản đã được đầu tư xứng tầm khu vực; tay nghề công nhân được nâng cao, chế biến được nhiều mặt hàng giá trị gia tăng.
Cà Mau hiện có 41 nhà máy chế biến thuỷ sản của 38 doanh nghiệp, với lực lượng công nhân lên đến 20 ngàn người. (Ảnh chụp tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú).
Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,65 tỷ USD; đưa thuỷ sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, trong đó, giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực chính là con tôm. Ông Lê Văn Quang chia sẻ tâm huyết: “Chúng ta phải giảm giá thành tôm thương phẩm xuống làm sao bằng với Ấn Ðộ, rồi bằng và thấp hơn Ecuador. Ðẩy mạnh chế biến những mặt hàng chuyên sâu hơn, tiện dụng hơn, cả những mặt hàng ăn liền, hàng cao cấp, các mặt hàng giá trị gia tăng. Chúng ta phải có sự hợp tác, liên kết trên toàn cầu để nâng cao, quảng bá, tiếp thị hình ảnh con tôm Cà Mau ra thế giới”.
Ngoài sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền, của ngành chức năng, doanh nghiệp và của người dân nuôi tôm, theo ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, để ngành tôm Cà Mau phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, nhất thiết phải có sự liên kết chuỗi trong sản xuất. “Liên kết chuỗi ở đây là liên kết với các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ giống, thức ăn, thuốc thú y đầu vào cho sản xuất; liên kết giữa người nuôi tôm với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản, thậm chí liên kết với các nhà phân phối, nhà bán lẻ, để đảm bảo sản xuất, chế biến, phân phối tôm nằm trong chuỗi khép kín. Chỉ có như vậy mới đảm bảo sản xuất được sản phẩm có chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế mà người tiêu dùng đang yêu cầu”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh.
Cuối năm nay, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức Festival Tôm, qua đó giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, các quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó chủ lực là con tôm, góp phần kết nối giao thương giữa các vùng, trong và ngoài nước. Qua đó, khẳng định vị thế con tôm là ngành hàng chủ lực, là động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh Cà Mau phát triển bền vững./.
Phú Hữu