Hơn 2.100 ha lúa của trên 1.200 hộ dân bị thiệt hại, trên 170 hộ dân có nguy cơ phải cứu đói, các tuyến kinh trong các khu rừng dân sinh đều đã khô cạn, nước ngọt không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân… Ðó là những thông tin ghi nhận được tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.
Hơn 2.100 ha lúa của trên 1.200 hộ dân bị thiệt hại, trên 170 hộ dân có nguy cơ phải cứu đói, các tuyến kinh trong các khu rừng dân sinh đều đã khô cạn, nước ngọt không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân… Ðó là những thông tin ghi nhận được tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.
Tuy có lợi thế sản xuất nông - ngư - lâm kết hợp, nhưng do điều kiện thổ nhưỡng, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, trình độ dân trí còn thấp nên hạn chế khả năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, Khánh Bình Tây Bắc hiện vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trần Văn Thời. Toàn xã có 3.727 hộ dân thì đã có 1.071 hộ nghèo và cận nghèo, con số này có thể sẽ tăng sau đợt hạn hán gay gắt của mùa khô năm nay.
Ðội nắng giữ “tài sản”
Khánh Bình Tây Bắc có trên 630 ha rừng (chủ yếu là rừng dân sinh), tập trung ở các ấp: 1, 2 và 3. Những ngày này, trên các tuyến kinh nước đã khô cạn nên việc phòng, chống cháy rừng được bà con tập trung, cảnh giác cao độ.
Nhiều nơi trong vùng ngọt hoá của huyện Trần Văn Thời, người dân đang thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Anh Nguyễn Văn Kỳ, người dân Ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc, bộc bạch: “Năm nay, làm ruộng bị thất trắng thì phải cố giữ rừng. Từ trước Tết Nguyên đán, tôi đã phải bỏ công việc làm thuê để cùng với bà con trực chống cháy. Do chòi canh nằm cách xa nhà nên sáng tôi phải mang cơm theo ăn buổi trưa và đến chiều tối mới thay ca trực. Vất vả là thế, nhưng mọi thứ chúng tôi đều phải tự túc mà điều kiện kinh tế thì phần đông anh em gặp khó khăn. Ðôi khi thiếu nước uống, bụng đói…, anh em cũng phải cố chịu đựng. Bởi giữ rừng nguyên vẹn là giữ tài sản của mình mà!”.
Ông Tăng Hồng Hải, Trưởng Ấp 1, cho biết: "Toàn ấp có 247 hộ dân, trong đó 90% hộ có trồng rừng. Tuy nhiên, có trồng rừng hay không trồng, tất cả đều phải trực chống cháy, nếu hộ nào tới lượt trực mà bận chuyện gia đình thì tự thương lượng với nhau để trực vần công, hoặc phải bỏ ra 100.000 đồng để thuê người trực, làm sao phải đảm bảo số lượng của mỗi ca trực theo quy định, cũng như các phương tiện dao, vá, xẻng, thùng… Chính vì tập trung với tinh thần cảnh giác cao, hơn nữa, rừng ở đây bà con trồng theo kiểu "da beo" (không liền kề thành cánh rừng lớn) nên từ đầu mùa khô đến nay, có xảy ra nhiều đám cháy nhỏ, nhưng được bà con khoanh vùng, dập lửa kịp thời".
Cách chòi canh của anh Nguyễn Văn Kỳ khoảng 3 cây số là chòi của khu vực Ấp 2. Dưới chân chòi canh được phủ tấm bạt đã cũ rách là nơi “tạm trú” để trực chống cháy của nhóm ông Trương Minh Tấn. Ông Tấn than: “Tôi có hơn 1 ha rừng trồng nơi đây, nhiều nơi khác chòi canh lửa dựng gần nhà dân, anh em trực chống cháy còn có chỗ tá túc, được hỗ trợ nước uống… Còn khu vực này choi loi ngoài đồng, anh em phải chịu nắng, đôi lúc chịu khát, chịu đói… Nhiều năm nay chúng tôi trực chống cháy thì mọi thứ đều tự túc hết. Nếu điều kiện kinh tế gia đình khá hơn, tôi sẵn sàng bỏ ra 100.000 đồng/ngày để thuê người trực, giữ sức khoẻ bản thân để lao động việc khác!”.
Thiếu nước ngọt và hệ luỵ
Nắng hạn gay gắt, độ phèn nặng và đất nhiễm mặn, không chỉ thiệt hại nặng nề diện tích 4.000 ha đất ruộng mà nguồn nước ngọt đang ít dần và khan hiếm ở nhiều nơi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt cũng như phục vụ cho việc tưới tiêu, chăn nuôi, điều kiện mưu sinh chủ yếu của người dân ở Ấp 4, Ấp 5.
Hiện trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có trên 1.000 hộ nghèo và cận nghèo có nguy cơ cứu đói vì lúa bị thiệt hại nặng, sản xuất đình trệ và gần 2.000 hộ đang trong tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt do ảnh hưởng nắng hạn gay gắt kéo dài. |
Ông Ðào Văn Hùng, người dân Ấp 4, cho biết: "Mấy năm trước, mùa khô hạn, cây nước nhà tôi bơm tay vẫn bình thường, nguồn nước tốt. Năm nay, tôi phải sử dụng máy bơm mới có nước mà nguồn nước lại yếu, còn bị lơ lớ, có vị mặn chỉ để phục vụ chăn nuôi, tắm giặt. Uống và nấu ăn thì phải sử dụng nước bình. Thiếu nước ngọt không chỉ ảnh hưởng đến việc trồng rau màu, chăn nuôi… mà gia đình tôi còn phải tốn kém tiền sửa máy bơm (đôi khi bơm không có nước, máy bơm nóng bị cháy), phí sử dụng điện sinh hoạt tăng lên, rồi tiền đổi nước lọc phục vụ cho sinh hoạt gia đình… Kinh tế gia đình vốn đã không ổn định mà nay bị mất nguồn thu, còn tốn nhiều chi phí phát sinh!”.
Ông Lưu Trí Ðảm, Phó Trưởng Ấp 5, tâm tình: "Ấp 5 là ấp đặc biệt khó khăn của xã, bởi vùng đất này bị nhiễm phèn nặng, người dân chỉ sản xuất lúa được 1 vụ mà thu hoạch năng suất không cao. Năm nay hạn hán, đất lại bị xâm mặn nên là con làm ruộng bị thất trắng. Lại nữa, nguồn nước ngọt đang trở nên khan hiếm, nên bà con không thể tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Hiện ấp có 181 hộ dân nhưng trong số đó có đến 95 hộ nghèo".
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc Nguyễn Thanh Hùng cho biết: "Trước mắt, UBND xã sẽ trích nguồn kinh phí dự phòng để mua gạo hỗ trợ mỗi hộ dân có nguy cơ cứu đói là 15 kg/hộ. Ðồng thời, tăng cường kiểm soát giá cả thị trường trên địa bàn xã để kịp thời xử lý các trường hợp cố tình tự ý nâng giá để chèn ép người dân. Bên cạnh đó, xã đã và đang tổng hợp các số liệu báo cáo về huyện để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết tình hình một cách căn cơ, có hướng ổn định lâu dài"./.
Mỹ Pha