(CMO) Qua tổng kết, 163 ha lúa OM18 sản xuất theo quy trình sản xuất lúa an toàn tại ấp Bình Minh 2 (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) năng suất trung bình dự án đạt 6,8 tấn/ha, cao nhất đạt 7,1 tấn/ha. Mỗi nông dân thực hiện dự án lợi nhuận gần 30 triệu đồng/ha.
Tại Trụ sở ấp Bình Minh 2, trước khi vào buổi họp, rộn rã tiếng nói cười phấn khởi của những nông dân, thăm hỏi nhau về năng suất, lợi nhuận sau khi thu hoạch lúa. Số liệu tổng kết mô hình cho thấy, hiệu quả mang lại cho người dân trong dự án này chưa vụ mùa nào có được.
Thuận mùa, trúng giá
Không như vụ lúa hè thu từng gây ám ảnh bởi giống lúa OM18 chìm trong nước do mưa bão, vụ lúa đông xuân này, giống lúa OM18 đã mang đến nụ cười cho người dân ấp Bình Minh 2.
Mùa mưa dứt sớm, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nên năng suất trung bình dự án đạt 6,8 tấn/ha, có hộ cao nhất đạt 7,1 tấn/ha. Do thực hiện theo quy trình sản xuất lúa an toàn nên chi phí giảm, lợi nhuận tăng. Qua tổng kết, mỗi hộ thu về gần 30 triệu đồng/ha.
Vừa mới thu hoạch xong 2 ha lúa OM18 với năng suất đạt hơn 20 tấn lúa tươi, giá bán tại ruộng 6.300 đồng/kg, lợi nhuận trên 50 triệu đồng/2 ha, ông Trần Văn Diệp (ấp Bình Minh 2) khẳng định: “Không vụ nào trúng như vụ này, từ khi làm lúa đến nay. Phải công nhận sạ thưa lúa nở ngọn, chắc hạt, ít tốn phân, thuốc, mà lại cho năng suất cao. Từ nay, bà con an tâm làm theo mô hình sản xuất lúa an toàn này rồi”.
Ông Trần Văn Diệp phấn khởi với năng suất và lợi nhuận thu về từ mô hình trên 50 triệu đồng. |
Ðể hỗ trợ nông dân ấp Bình Minh 2, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hưng Nguyễn Trường Giang cho biết: “Ngay từ đầu vụ, UBND xã đã xây dựng mô hình sản xuất lúa an toàn cho ấp và liên kết với Trung tâm Khuyến nông tỉnh ký hợp đồng với 5 kỹ sư nông nghiệp, nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Thu nhập mang lại cho người dân từ 25-29 triệu đồng/ha cho cả 93 hộ dân tham gia được xem là thành công rất lớn của dự án”.
Những tràng pháo tay rộn rã vang lên khi tại cuộc họp nhắc lại mục tiêu của dự án đề ra chỉ đạt 5-5,5 tấn/ha, giảm chi phí sản xuất từ 10-20%, nhưng kết quả vụ đông xuân này đã đạt trên 6,8 tấn/ha.
Ðại diện 93 hộ dân, anh Nguyễn Thanh Dững, Trưởng ấp Bình Minh 2, khẳng định: “Qua tham khảo ý kiến, tư vấn của kỹ sư hướng dẫn, tôi quyết định sạ chỉ 11 kg lúa giống/công, khi thu hoạch xong mới thấy sạ thưa đã giảm được bệnh, giảm chi phí nhiều lắm. Sự hồi hộp, lo sợ năng suất thấp không còn nữa, mà thay vào đó là lòng tin vào dự án, vào kỹ thuật và hướng dẫn lịch thời vụ”.
Tuân thủ kỹ thuật canh tác
“Hôm nay tổng kết, năng suất lúa quá cao và giá cũng cao như vầy, các bác nông dân mới thấy dự án mình hiệu quả”, Kỹ sư Trần Minh Chòi, nhân viên Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết.
Qua chia sẻ từ những nông dân về vụ lúa hè thu vừa qua, có một số hộ chỉ sạ trễ hơn 5 ngày so với bà con thực hiện theo lịch thời vụ, khuyến cáo của ngành, đã bị mưa bão ập đến ngập đồng, không thể bơm tát được, lúa lên mọng, thất thu hoàn toàn. Nên bà con nông dân bị ám ảnh, không muốn làm giống OM18 mà dự án đưa ra.
Ông Nguyễn Trường Giang cho biết: “Theo ghi nhận, vụ lúa hè thu năm 2020, giống này cũng được bà con trong ấp làm rất nhiều và đa số không cho năng suất cao, do ảnh hưởng của thời tiết. Ðó cũng là nguyên nhân tại sao khi dự án mang giống về để cho anh em dự án làm, có sự dè chừng, bỏ về, không nhận và đòi làm giống ST24 hay ST25 là vậy”.
Anh Nguyễn Thành Kiên, một người dân trong ấp tiếp lời: “Khi biết dự án làm giống OM18, chính tôi cũng không dám đặt niềm tin 100% mà chỉ 50/50, rất phân vân! Nhưng niềm tin của tôi có được là nhờ sự trợ giúp của các kỹ sư nông nghiệp, sự quyết tâm của cán bộ xã thực hiện dự án này. Từ đó, tôi quyết định làm theo, kết quả đạt được ngoài mong đợi, không chỉ cho gia đình tôi mà gần như cho 100% nông dân tham gia vào dự án này”.
93 lão nông có mặt tại Trụ sở ấp Bình Minh 2 gật đầu thán phục về cái đúng của quy trình (sự lựa chọn giống cho vụ mùa sản xuất, sạ thưa, bón phân cân đối, sử dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM…), mang đến sản phẩm lúa an toàn cho sức khoẻ của người tiêu dùng. Cái gật đầu đó còn là dấu hiệu cho sự thay đổi tập tính, tư duy, chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất với sự hướng dẫn trên từng mô hình sản xuất của cán bộ, nhân viên kỹ thuật.
“Xã đã chọn 93 hộ dân trong dự án ấp Bình Minh 2 thực hiện mô hình sản xuất lúa cấp xác nhận và là ấp điểm về ấp đạt chuẩn văn hoá tiêu biểu trên địa bàn xã”, ông Nguyễn Trường Giang cho biết. |
Diệu Lữ