(CMO) Đối với nhà nông, chuyện trúng hay thất mùa không chỉ trông vào giá cả và sản lượng cuối vụ mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ mùa màng, dịch bệnh. Mưa dầm nặng hạt trút xuống vùng đất chuyên trồng màu tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, vừa qua khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn. Tiền đầu tư mất trắng, cố cứu vớt những gì còn lại sau mùa mưa nhưng phần huê lợi không như mong muốn.
Thời điểm này, giá mặt hàng nông sản khá cao, mang lại niềm vui cho những hộ chuyên trồng màu, tuy nhiên ở một diễn biến khác, vẫn có khoảng lặng khi cả ruộng rẫy đang dần tàn lụi. Canh tác trên nền đất khá thấp, chỉ sau vài ngày mưa lớn, bà con bị thiệt hại nhiều.
Gắn bó với ruộng rẫy từ năm 17 tuổi, nay đã tròn 60, ông Lê Văn Thoả vẫn còn tâm huyết với tấc đất, cọng rau. Nhà vốn ở xã Trí Phải, thế nhưng với chỉ hơn 1 công đất canh tác không làm kinh tế gia đình khá lên.
Vụ mùa mới, ông bàn với vợ con sang Ấp 9, xã Trí Lực, thuê hơn 4 công đất để trồng màu. Với kinh nghiệm nhiều năm, sau khi cải tạo đất, ông Thoả trồng xen canh nhiều loại màu để dễ tiêu thụ. Từng liếp cà phổi, hành, hẹ, dưa leo, bí rợ, củ cải trắng, gừng... đang trên đà phát triển. Đất tốt không phụ công người, vụ đầu chỉ tính riêng cà phổi, 3 trái đã vượt hơn 1 kg, cứ mỗi bọc 10 kg thương lái trả 120.000 đồng. Thế nhưng, chỉ sau 1 đợt hái trái, sự cố từ thời tiết để lại nhiều tiếc nuối cho người nông dân.
Ông Thoả ngậm ngùi: “Tôi đầu tư ban đầu gần 100 triệu đồng chứ đâu phải ít. Thuê máy vô cải tạo lại đất, rồi làm thêm cây nước, kéo đường điện, tiền đất cũng đã đưa, mỗi năm thuê là 30 triệu đồng. Bỏ biết bao nhiêu công sức, dựng chòi ngày đêm canh, mà chỉ sau vài trận mưa thiệt hại hơn 70%”.
Những ngày này, ông Thoả cùng con trai miệt mài ra rẫy với hy vọng cứu vớt được những cây trồng ở liếp đất cao hơn. Tuy không úng, chết nhưng do ngập nước quá lâu nên xuất hiện tình trạng đèo trái, sần sùi, cây chững lại không lớn, tỷ lệ đậu trái thấp, chỉ 20-30%.
“Trái nào còn hái được tôi cố gắng thu nhanh dù chưa đến lứa, lái đến tận nơi thu mua nhưng hàng dạt rất nhiều, bán không được, tôi cho bà con gần nhà. Riêng những loại rau ăn lá, rau gia vị tôi chịu khó đến các hàng quán bán lại với giá rẻ, mong vớt lại chút tiền vốn”, ông Thoả chia sẻ.
Ông Thoả tích cực chăm sóc những cây trồng còn sót lại, tuy nhiên, tỷ lệ đậu trái thấp, chỉ 20-30%. |
Không chỉ đầu tư cải tạo đất, hiện nay hộ ông Thoả cũng tốn khoảng 14 triệu đồng tiền mua hạt giống và phân thuốc. Cầm trên tay những trái cà còn sót lại, anh Lê Hoàng Lâm (con trai ông Thoả) cho biết: “Trái không lớn nữa, phần cuối trái nám vỏ, có sâu đục. Bẻ đôi thì trái cứng, đầy hạt, nếu không thu hoạch ngay thì vài ngày sau cũng phải bỏ”.
Anh Hoàng Lâm mong muốn Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình sẽ có những khuyến cáo kịp thời, để nhà nông giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. |
Cũng chung nỗi niềm mất trắng mùa rẫy do ảnh hưởng từ trận mưa vừa qua, hộ anh Lý Văn Hữu ở Ấp 9, xã Trí Lực, có tất cả 3 công đất thiệt hại trên 90%. Anh Hữu bộc bạch: “Nhà tôi cũng đâu khá giả, 3 công đất tôi trồng bí đao, bí rợ là chính, chỉ thu hoạch được lứa đầu thì mưa ngập. Nếu thuận lợi, hết mùa với sản lượng trên cũng thu trên dưới 60 triệu đồng. Nông sản đang có giá mà không có bán, buồn quá”.
Cũng thuê đất để trồng, mỗi năm anh Hữu phải trả cho chủ đất 21 triệu đồng; ngoài ra, số tiền 15 triệu đồng vay mượn để xoay sở mùa vụ cũng chưa thanh toán được. Chuyện xui rủi không ai mong muốn, xốc lại tinh thần, tháng 7 (âm lịch) khi nắng lên, anh Hữu dự định sẽ trồng vụ mới, cây trồng chủ lực sẽ là cà chua và chanh không hạt.
Anh Nguyễn Tấn Toàn, phụ trách khuyến nông xã Trí Lực, cho biết: “Trước đây người dân chủ yếu trồng mía làm kinh tế chính. Tuy nhiên, từ năm 2016, khi nhà máy đường ngưng hoạt động, bà con chuyển sang nuôi tôm và trồng màu ngắn hạn, đem lại nguồn thu tương đối. Tổng diện tích trồng màu của xã là 76 ha, tập trung nhiều ở các ấp: 9, 8, 7. Xã Trí Lực giáp ranh với tỉnh Kiên Giang nên thuận lợi trong việc mua bán, trao đổi nông sản. Thương lái từ chợ Huyện Sử (xã Trí Phải, huyện Thới Bình) và huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đến thu mua lượng lớn về bỏ mối sỉ cho bạn hàng, tiểu thương. Giao thông thuận tiện nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển và nông sản tươi ngon”.
“Tổng diện tích trồng màu của Ấp 9 hiện tại là 20 ha, đây là một trong những ấp chủ lực trồng màu của xã Trí Lực. Vừa qua xuất hiện mưa lớn trên diện rộng, mặc dù đã vận động bà con bơm nước ra nhưng do mưa nhiều, nước tại các kênh rạch, sông lớn dâng cao nên đối với những vùng đất thấp, xả nước không hiệu quả, gây tình trạng ngập úng, thiệt hại lớn”, ông Võ Văn Hoài Linh, Trưởng Ấp 9, cho biết.
Thời tiết dần ổn định, dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng với ý chí vươn lên, khắc phục khó khăn, các hộ dân vẫn quyết tâm chuẩn bị cho vụ mùa mới./.
Yến Nhi