Vừa qua, tại ấp Lung Ðước và Trảng Lớn, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, Ban Quản lý Dự án “Rừng cho trẻ em” phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam tổ chức lễ phát động trồng rừng thuộc Dự án “Rừng cho trẻ em”, với mục tiêu trồng 3 ha rừng mắm ven sông và 7 ha rừng đước trong vuông tôm. Ðây là sự kiện hết sức ý nghĩa, góp phần truyền tải thông điệp rộng rãi đến các địa phương về tầm quan trọng và to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, để mọi người cùng chung tay bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng.
- Trồng rừng chống biến đổi khí hậu
- Giám định dự án kè tạo bãi trồng rừng ven biển Tây
- Phát động trồng 250 ngàn cây phục hồi rừng trên đất ngập nước
- Trồng 3.000 cây xanh khu vực rừng phòng hộ
Ông Võ Văn Hành, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết, việc trồng cây, trồng rừng từ lâu đã thành phong trào và là nét đẹp văn hoá gắn liền với sinh kế của người dân Năm Căn. Những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Năm Căn nói chung, xã Tam Giang nói riêng đã tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng. Ngày nay, việc trồng cây, trồng rừng, chung tay hành động bảo vệ môi trường của mọi tổ chức, cá nhân là việc làm hết sức ý nghĩa và mang tính cấp thiết trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu (BÐKH) diễn ra ngày càng nhanh, thiên tai xảy ra ngày một gia tăng, khó lường.
Tại lễ phát động trồng rừng, nhiều trẻ em, học sinh tham gia chương trình đổi trái đước nhận quà tặng của dự án.
“Dự án “Rừng cho trẻ em”, tài trợ cho xã Tam Giang lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lợi ích của việc trồng rừng nhằm mục đích bảo vệ, phòng chống BÐKH, sạt lở và lốc xoáy”, ông Võ Văn Hành nhấn mạnh.
Ông Trần Ðức Mạnh, đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, chia sẻ, dự án nhằm hỗ trợ chính quyền xã Tam Giang, huyện Năm Căn, cụ thể là về môi trường sống của bà con Nhân dân. Hoạt động trồng rừng không những ý nghĩa cho cá nhân, gia đình, mà còn ý nghĩa với cả cộng đồng, xa hơn nữa là đảm bảo môi trường sống cho con cháu chúng ta sau này, giảm thiểu ảnh hưởng bởi thiên tai do BÐKH.
Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng. (Trong ảnh: Trồng rừng trong vuông tôm của hộ dân ở ấp Lung Ðước, xã Tam Giang).
“Khí thế của buổi lễ ra quân sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho phong trào trồng cây, trồng rừng trong toàn xã. Phong trào sẽ lan toả sâu rộng trong Nhân dân trên địa bàn xã Tam Giang nói riêng, huyện Năm Căn nói chung”, ông Huỳnh Tiết Giao, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang, kỳ vọng.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 26 điểm sạt lở đất, tổng chiều dài 655 m, làm sạt lở 310 m lộ nông thôn, sập hoàn toàn 4 căn nhà, ảnh hưởng một phần 1 căn nhà và một số tài sản khác; ước tổng thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, còn xảy ra 2 vụ lốc xoáy (tốc mái hoàn toàn 2 căn nhà dân) và 1 điểm triều cường (sụp đoạn lộ bê tông chiều dài 50 m), ước thiệt hại gần 100 triệu đồng; có 200 ha nuôi tôm quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến, thâm canh và siêu thâm canh bị dịch bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và cuộc sống người dân.
Trồng cây mắm ven sông là giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường phòng chống sạt lở đất, bảo vệ đời sống, sản xuất của người dân. (Trong ảnh: Ra quân trồng mắm ven sông tại ấp Trảng Lớn, xã Tam Giang).
“Tình hình sạt lở, thiên tai, lốc xoáy trên địa bàn huyện diễn ra hết sức phức tạp; dịch bệnh trên tôm, cua diễn ra thường xuyên, đặc biệt là vào mùa khô, làm giảm sâu sản lượng, thiệt hại lớn cho người nuôi. Trước những hệ luỵ và tình hình BÐKH nêu trên, Dự án “Rừng cho trẻ em” được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện hết sức thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương”, ông Võ Văn Hành bày tỏ.
Theo Quyết định số 515, ngày 18/3/2024, của UBND tỉnh về việc phê duyệt khoản viện trợ không hoàn lại (do Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam là nhà tài trợ dự án, UBND tỉnh là chủ quản, UBND huyện Năm Căn là chủ khoản viện trợ), tổng nguồn vốn thực hiện dự án gần 11,830 tỷ đồng; trong đó, vốn của chủ dự án hơn 6,205 tỷ đồng và bên tài trợ hơn 5,624 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2026, địa điểm thực hiện tại xã Tam Giang. Dự án nhằm nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của BÐKH và tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu với BÐKH của cộng đồng dân cư./.
Văn Tưởng