(CMO) Trên một số kênh thông tin, quảng bá du lịch…, vườn chim Chà Là được giới thiệu là một trong những điểm tham quan, du lịch sinh thái ở Cà Mau. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2006, nơi đây đã không còn rộn ràng tiếng chim.
Vườn chim Chà Là (thuộc xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước) được hình thành trong điều kiện tự nhiên từ thời Pháp thuộc. Tháng 8/1986, cùng với vườn chim Bạc Liêu, vườn chim Ðầm Dơi…, vườn chim Chà Là được ghi trong danh sách các khu rừng đặc dụng, theo Quyết định số 194/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Năm 1999, tỉnh Cà Mau cũng đã phê duyệt dự án đầu tư Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Chà Là với diện tích đề xuất là 14 ha. Tuy nhiên, do thiếu sự quan tâm đúng mức công tác bảo tồn và ảnh hưởng bởi yếu tố thiên nhiên, tác động của con người, chim chóc tại đây lần lượt bỏ đi nơi khác, khu vườn trở nên hoang hoá hàng chục năm nay.
Một thời “vương quốc”
Theo lời kể của nhiều lão nông ở Ðông Hưng, khu vực vườn chim trước đây là phần đất thuộc sở hữu của ông Cao Triều Phát là nhân sĩ trí thức yêu nước. Sau khi ông Phát tập kết ra Bắc, Pháp đã ném bom trúng ngay căn nhà của ông, tạo ra một hố bom sâu và rộng, trở thành nơi tích trữ nước ngọt và nguồn thuỷ sản phong phú, cùng với xung quanh cây cối mọc lên um tùm, phát triển thành khu rừng nguyên sinh. Ngoài đặc trưng là cây chà là thì còn có dừa nước, tràm, giá và nhiều loại cây kiểng lâu năm dáng đẹp như: sộp, gừa, tra bồ đề. Thảm thực vật phong phú với ráng đại, mây nước, dây cám và nhiều loại thuốc nam quý… đã tạo nơi sinh sống lý tưởng cho các loài động vật như: trăn, rắn, chồn, cáo… Ðồng thời, lôi cuốn nhiều chủng loại chim về quần tụ như: quắm đầu đen, giang sen, cò long bong, diệc, cò, cổ rắn…
Ông Huỳnh Hạnh Phúc, nguyên Bí thư Chi bộ ấp Tân Phong, xã Ðông Hưng, cho biết, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, khu rừng nói trên được giao cho chính quyền địa phương quản lý. Thời điểm đó chim về rất đông, sinh sản ngày càng nhiều, đến nỗi từ khu rừng đến sông Bảy Háp cách khoảng hơn cây rưỡi số mà người dân chạy xuồng qua lại trên sông còn nghe mùi chim. Song, xã chỉ quản lý vài năm thì bàn giao cho Phòng Nông nghiệp huyện quản lý, được vài năm Phòng Nông nghiệp lại giao cho Ban Dự án bảo tồn rừng ngập mặn quản lý… Và đến năm 2006, vườn chim được bàn giao lại cho xã quản lý, lúc này chim đã không còn sinh sôi, những loài quý hiếm như: quắm đen, quắm đầu đen, giang sen, cò long bong… không còn xuất hiện.
“Không chỉ có chim muông, khu rừng này còn có thảm thực vật phong phú, đa dạng các giống thuỷ sinh lâu năm có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, để bảo tồn, huyện Cái Nước đã chủ trương mua đất của các hộ dân xung quanh tạo bờ bao và trồng tre rào chắn. Tuy nhiên, sự nhập nhằng phân cấp quản lý và quản lý thiếu chặt chẽ, cùng với việc xâm mặn khi xã Ðông Hưng chuyển dịch cơ cấu sản xuất đã gây xáo trộn môi trường, làm lụi tàn một “vương quốc” của các loài chim”, ông Phúc chạnh lòng.
Vườn chim Chà Là từng là “vương quốc” của nhiều loài chim và động vật quý. |
Tiềm năng bỏ ngỏ
Ông Huỳnh Bình, người có nhiều năm tham gia công tác ấp Tân Phong và trực tiếp quản lý vườn chim, trải lòng: “Ít có nơi nào vườn tự nhiên rộng lớn quần tụ nhiều chủng loại chim về bám trụ lâu dài như vườn chim Chà Là. Nếu không khai thác hết nguồn lợi thiên nhiên ban tặng thì tiếc lắm!”. Theo ông Bình, muốn làm được điều đó, địa phương cần có chính sách đãi ngộ thu hút nhà đầu tư khôi phục lại trạng thái nguyên sinh. Bởi, gọi chim về không khó, nhưng để chim trụ lại thì phải cải thiện môi trường xung quanh, giữ được nguồn nước thuần ngọt nhằm tạo nguồn thức ăn phong phú cho chim. Hơn hết là phải triệt để vấn nạn săn, bắt chim.
Ông Tiêu Quang Khái, Phó chủ tịch UBND xã Ðông Hưng, băn khoăn: “Khôi phục và phát triển vườn chim thành điểm tham quan, du lịch sinh thái cũng là ý tưởng địa phương ấp ủ từ nhiều năm nay. Với điều kiện sẵn có, nếu được cải tạo, đầu tư hệ thống nhà vườn và đường đi nổi luồn lách trong rừng…, nguồn thu từ việc trồng rau màu trên phần đất bờ bao và cá đồng nuôi tự nhiên dưới kênh bao là không nhỏ chút nào. Du lịch phát triển sẽ phát sinh các loại dịch vụ ăn theo, đời sống người dân địa phương sẽ được cải thiện. Tiềm năng là thế, giao thông cũng thuận tiện khi từ trung tâm TP Cà Mau về đến vườn chim chỉ khoảng 50 km. Tuy nhiên, kêu gọi xã hội hoá cũng có vài nhà đầu tư đến khảo sát nhưng chưa có động thái tích cực phát triển du lịch”.
“Xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng thời phân công lực lượng hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh nếu như có nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch sinh thái. Nếu được khôi phục trạng thái nguyên sinh, công tác quản lý chặt chẽ, vườn chim Chà Là không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng trong quần thể các điểm du lịch sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long, mà còn thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Hơn thế còn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục, bảo tồn thiên nhiên”, ông Khái khẳng định./.
Mỹ Pha