Ðược trồng trên vùng đất cù lao, nơi hợp lưu giữa 2 con sông Cái Lớn, Cái Bé ở huyện Châu Thành (Kiên Giang), khóm Tắc Cậu có màu vàng đậm, vị ngọt thanh đặc trưng. Không chỉ tiêu thụ trái tươi, người dân nơi đây còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm bắt mắt, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tại vùng đất nhiễm phèn nặng, sinh kế cư dân vốn gặp nhiều khó khăn, nghề trồng khóm ở Tắc Cậu đã trở thành “nghề ăn nên làm ra”, vinh dự hơn, năm 2018 đã được vinh danh là một trong những nghề truyền thống của tỉnh Kiên Giang.
Nức tiếng gần xa
Các xã Bình An, Vĩnh Hoà Phú và một phần của xã Minh Hoà, huyện Châu Thành, là những nơi trồng nhiều khóm Tắc Cậu. Những quầy khóm rực sắc vàng ven Quốc lộ 63 đã trở thành điểm nhấn đặc biệt cho những ai xuôi ngược tuyến Cà Mau - Kiên Giang và ngược lại. Bà Trần Kim Yến, quê tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tôi nhiều lần từ Kiên Giang về Cà Mau qua đoạn này, thật sự không cưỡng lại được sức hút của khóm Tắc Cậu. Khóm ở đây ngọt, ngon tự nhiên, khó nơi nào được như vậy”.
Nhất là với khách phương xa, hương vị khóm Tắc Cậu cứ vương vấn, nhớ nhung. Chị Lê Hồng Loan, sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, được bạn dẫn về quê ngay tại huyện Châu Thành, tâm sự: “Ngày nào tôi cũng được bạn đãi ăn khóm nhưng không ngán. Khóm lạnh ở đây lạ lắm, ăn khóm chấm với muối ớt càng thích, vị ngọt tan dần và thấm tận vào cuống họng...”.
Du khách say mê lựa chọn khóm Tắc Cậu.
Khi hương vị ngon, ngọt của khóm Tắc Cậu càng được vang xa, danh tiếng và cả giá trị của cây khóm nhờ đó ngày một tăng lên. Ðây cũng là điều kiện thuận lợi để người dân trồng khóm Tắc Cậu phát triển nghề theo hướng du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn. Ông Lê Quốc Việt, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, cho biết: “Khóm Tắc Cậu đã được người dân trồng từ hơn 80 năm nay. Khóm trồng trên vùng đất Tắc Cậu mới có hương vị ngọt, thanh, giòn, màu vàng đậm”.
Ông Việt cũng “bật mí” thêm: “Khóm Tắc Cậu nhờ được trồng trên đất phù sa kèm theo độ mặn, chất phèn thích hợp nên phát triển tươi tốt và có vị ngọt đặc trưng. Khóm được trồng càng gần cửa biển sẽ ngon và ngọt hơn, càng vào sâu trong đất liền, độ mặn càng giảm thì khóm sẽ ít ngon hơn”. Bên cạnh đó, khóm Tắc Cậu được trồng xen dưới tán dừa và cây cau, tạo nên mô hình “đa canh đa thu”, vừa mang lại giá trị huê lợi lớn và vừa bền vững.
Khóm ướp lạnh đơn giản nhưng cũng không kém phần đặc biệt, giúp thanh lọc, giải nhiệt, nhất là vào những ngày nắng nóng.
Hiện khóm Tắc Cậu có giá từ 6-8 ngàn đồng/trái, tuỳ loại. Với 1 ha trồng khóm, người dân có thể thu lợi nhuận từ 90-100 triệu đồng/năm. Nếu tận dụng sự kết hợp khóm, dừa, cau và đầu tư kỹ lưỡng, có thể mang về lợi nhuận 120 triệu đồng/ha/năm. Anh Huỳnh Quý Thắng, ngụ xã Bình An, huyện Châu Thành, cho biết: “Gia đình tôi trồng 10 công khóm được 8 năm nay và cho thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm”.
Anh Huỳnh Quý Thắng có thu nhập khá nhờ trồng và bán khóm trái.
Hai ấp An Lạc, An Thành, xã Bình An, là nơi có nhiều hộ dân trồng khóm. Không chỉ có thu nhập từ chính vụ, người dân 2 ấp này còn học tập kỹ thuật canh tác để khóm cho thu hoạch quanh năm. Chị Huỳnh Ngọc Thu, ngụ xã Bình An, cho biết: “Khóm bán cho thương lái bình quân từ 5-6 ngàn đồng/trái, nhưng chịu khó chế biến thành bánh, mứt khóm thì có giá từ 200-220 ngàn đồng/kg. Ðể làm 1 kg mứt khóm cần khoảng 10 trái khóm nguyên liệu, tính ra thu nhập cao hơn gấp 3-4 lần. Nghề này tuy không làm giàu, nhưng có thu nhập tốt hơn nhiều so với trồng lúa, hay một số công việc khác”.
Người dân cắt khóm thành từng lát mỏng rồi đem phơi dưới nắng mặt trời để có mặt hàng khóm dẻo nức tiếng thơm ngon.
Bà Lê Thị Kim Em, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết: “Hiện toàn huyện có 1.864 ha trồng khóm, với năng suất bình quân khoảng 14 tấn/ha. Nghề trồng khóm Tắc Cậu là một trong những nguồn thu nhập chính, cải thiện đời sống của hàng trăm hộ dân ở một số xã trong huyện. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm chuyển giao khoa học - kỹ thuật, góp phần tạo điều kiện cho người dân bám trụ nghề và phát triển nghề bền vững, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của thị trường”.
Ða dạng sản phẩm từ khóm
Theo nhiều lão nông trồng khóm Tắc Cậu, vào những năm 1940, người dân nơi đây đã trồng và bán khóm cho các thương lái mang lên Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) tiêu thụ. Sau đó, với những biến động thời cuộc, nghề trồng khóm trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng đã bị lãng quên. Hoà bình, thống nhất, khi có một số nhà máy chế biến khóm đóng hộp và cung cấp sản phẩm cho thị trường các nước Ðông Âu, nghề trồng khóm ở đây bắt đầu “hồi sinh” sôi động.
Bằng đôi tay khéo léo, người dân huyện Châu Thành đã làm ra bánh hoa mai nhân khóm với tạo hình đẹp mắt và hương vị độc đáo.
“Nhưng phận của cây khóm cũng lắm truân chuyên. Cuối thập niên 80, thị trường Ðông Âu đóng cửa, một số nhà máy chế biến khóm trên địa bàn huyện Châu Thành ngưng hoạt động, cây khóm Tắc Cậu lại đối diện với tương lai chông chênh. Lúc này, người dân lại bỏ khóm cả chục năm, trong khi sản xuất khóm cứ 5 năm phải trồng lại lứa mới. Nhiều người phá luôn khóm để trồng lúa”, ông Lê Quốc Việt kể.
Năm 2010, cây khóm phát triển mạnh trở lại. Năm 2013, Hội Nông dân huyện Châu Thành đăng ký nhãn hiệu tập thể khóm Tắc Cậu. Tiếp đó, cầu Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng, mở lối cho khóm Tắc Cậu vươn xa.
Hiện nay, dọc hai bên đường, đoạn nối giữa cầu Cái Lớn, Cái Bé, người dân bày bán đủ các loại sản phẩm khóm. Du khách qua đường, ngoài ghé lại thưởng thức các sản phẩm khóm ướp lạnh, thì thường mua mứt khóm, bánh khóm và cả nước màu được chế biến từ khóm làm quà biếu. Không ít những vị khách được người trồng khóm đưa vào tận vườn để xem việc thu hoạch khóm và thưởng thức khóm tươi ngay tại vườn.
Sản phẩm nước màu khóm được bán với giá 25.000 đồng/chai.
Nắm bắt thị trường, nhiều gia đình trồng khóm Tắc Cậu ở huyện Châu Thành đầu tư dây chuyền khép kín để làm khóm sấy dẻo, tăng giá trị lên nhiều lần. Công ty TNHH MTV Lê Gia, Công ty TNHH Phát Vũ Ðạt là những đơn vị ở địa phương tiên phong chế biến sản xuất khóm sấy dẻo từ vùng nguyên liệu khóm Tắc Cậu để đưa sản phẩm vào các siêu thị, xuất khẩu sang thị trường một số nước như Canada, Malaysia...
Hiện có rất nhiều hộ kinh doanh khóm tận dụng thời gian nhàn rỗi cắt khóm thành từng khoanh mỏng rồi đem phơi dưới nắng mặt trời, tạo ra các sản phẩm khóm khá độc đáo. Bà Trác Mỹ Nhiên, ngụ ấp An Thành, xã Bình An, chia sẻ: “Ðể có một ký khóm phơi khô cần khoảng 10 trái khóm tươi. Khóm phơi từ 3-4 nắng sẽ giữ được vị ngọt thanh, đạt độ dẻo, dai và ngon nhất”.
Từ danh tiếng trăm năm, nhiều sản phẩm từ khóm cũng đang được nghiên cứu để tạo ra chuỗi giá trị từ nông sản đặc trưng địa phương, gia tăng thu nhập của người nông dân, đóng góp vào sự phát triển giàu đẹp của huyện Châu Thành. Có dịp về Tắc Cậu, thưởng thức vị ngon của khóm mà thêm yêu mến quê hương./.
Quốc Rin - Lê Vinh