ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 16:18:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vị ngọt khóm Bưng Sẩm

Báo Cà Mau Biết chúng tôi có ý định về vùng Bưng Sẩm, anh bạn đồng nghiệp làm ở Báo Vĩnh Long gật đầu cái rụp, rồi chỉ dẫn tận tường: “Vùng Bưng Sẩm nay thuộc ấp Hiệp Lợi, xã Hoà Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - PV) một thời khói lửa và là cái nôi cách mạng ở đất Trà Ôn. Qua cầu Cần Thơ, chú em cứ rẽ theo đường Quốc lộ 54, qua thị trấn Trà Ôn hỏi đường về Bưng Sẩm, ai cũng rành”.

Bao lượt xuôi ngược, từ lúc còn phải luỵ phà cho đến khi những chiếc cầu kết nối hoàn thiện nhưng thời gian nán lại chỉ dăm ba bận, tôi chỉ biết loáng thoáng, mơ hồ về xứ sở vùng Bưng. Vùng đất Trà Ôn, tôi chỉ biết đến vì là quê hương của cố Nghệ sĩ Nhân dân Út Trà Ôn, bởi sự mến mộ giọng hát để đời qua bài "Tình anh bán chiếu" của cố Soạn giả Viễn Châu. Mãi sau năm 2000, tôi mới lần đầu tiên đặt chân đến và cũng là duyên với miền đất vùng châu thổ Cửu Long trứ danh cây ăn trái. Ðó là “thủ phủ cam sành” của tỉnh Vĩnh Long. Mấy mươi năm qua, nghề trồng cam sành đã trở thành sinh kế, giúp nhiều nông dân có kinh tế ổn định, vươn lên trên chính mảnh đất quê hương; đồng thời, đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ðến nay, diện tích cam sành trên toàn huyện đạt hơn 10.410 ha; trong đó, 88,63% cam sành được trồng trên đất lúa.

Do hiệu quả canh tác lúa không cao, nhiều năm qua, người dân xã Hoà Bình đã chuyển đổi diện tích đất trồng cây hằng năm hoặc cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Ðặc biệt, cam sành ngày càng phát triển về quy mô, sản lượng, không chỉ giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Khóm Bưng Sẩm đang là một trong nhóm cây chủ lực giúp nông dân khá giàu.

Quốc lộ 54 trải nhựa bóng loáng, hai bên đường là vườn cây, rẫy hoa màu với ruộng lúa. Ðoạn gần tới ngã rẽ về xã Hoà Bình giáp nhau với xã Xuân Hiệp là mênh mông đồng rau nhút xanh rợp. Rau nhút cho lợi nhuận từ 60-100 triệu đồng/ha/năm. Ngoài cung cấp trong tỉnh, rau nhút Xuân Hiệp còn được thương lái vận chuyển ra các tỉnh, thành lân cận như: Trà Vinh, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh.

Vừa qua khỏi cánh đồng rau nhút là tới màu xanh rờn của rẫy khóm, loại cây chủ lực mới vừa ngự trị trên vùng đất Bưng Sẩm ở xã Hoà Bình. Trong cái bắt tay thân thiện, trìu mến, ông Trần Thành Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Hoà Bình, mở đầu câu chuyện về vùng đất bưng nhiều huyền thoại.

Ông nói: “Mấy năm qua, truyền thông về vùng Bưng Sẩm tăng hẳn so với trước. Chắc nhờ vậy mà vùng bưng biền được “lộc”, phất lên. Từ hạ tầng giao thông yếu và thiếu, đi lại chủ yếu lộ làng, lộ tự mở, bằng ghe, xuồng, giờ toàn xã giao thông bộ kết nối liên hoàn. Hoà Bình có 7 ấp, đường giao thông trải nhựa phủ khắp. Cùng với đó, các tuyến liên ấp mở rộng, xe tải trọng lớn vào tận vườn, rẫy thu mua nông sản của bà con, rồi đem lên bán ở Sài Gòn, xuống khắp miền Tây”.

Thành viên HTX khóm Bưng Sẩm trong niềm vui thu hoạch khóm trái to, giá tốt.

Nói đoạn, ông kể như khoe về thành công của những lão điền thuần phục vùng đất trũng phèn, để tạo ra nhiều nông sản trứ danh. Không chỉ là vùng ngự trị cam sành, xứ sở Hoà Bình gần đây còn có thêm một loại nông sản hiệu quả định danh trên vùng đất bưng biền - thương hiệu khóm Bưng Sẩm.

Tôi sực nhớ: xứ miền Tây ai mà không tường về các loại khóm như: Ba Ðình (Bạc Liêu), Cầu Ðúc (Hậu Giang), Tắc Cậu (Kiên Giang), giờ thêm khóm Bưng Sẩm (Vĩnh Long). Ông Vũ cùng chúng tôi hướng về phía cánh đồng xanh mút tầm mắt, thấp thoáng ửng lên vệt hồng - màu đặc trưng của khóm chín. Ðó là vùng nguyên liệu khóm thuộc Hợp tác xã (HTX) Nông sản Bưng Sẩm (nay với tên gọi mỹ miều Làng khóm Bưng Sẩm) thành lập cách nay 2 năm, tổng diện tích đã nâng lên 70 ha, tập trung tại 2 ấp Hiệp Lợi và Ngãi Hoà.

Ký ức về vùng Bưng Sẩm nghèo khó giờ chỉ là câu chuyện của các lão điền vùng đất này. Giữa cánh đồng khóm xanh mút tầm mắt, gần chục người đang lom khom tuyển lựa trái chín lứa đầu, ông Thạch Xuân Vũ, quản lý HTX khóm Bưng Sẩm, cho biết: “Khóm thuận khi trồng trên vùng đất trũng phèn như Bưng Sẩm. Ở HTX, ngoài ưu tiên cả thảy cho khóm thì thêm vào đó là các loại cây như: bầu, mướp, đu đủ, ổi, xoài, dừa. Với giá thành và chi phí hợp lý, cộng thêm cam kết bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp, người trồng khóm đỡ lo hơn so với nhiều loại cây trồng khác”.

Lão điền Nguyễn Hữu Thưởng, năm nay 64 tuổi, vui vẻ khi được hỏi về cuộc sống mới trên vùng đất Bưng Sẩm: “Giờ thay đổi hơn trước kia nhiều lắm, vì hồi xưa có gì để so sánh với hiện tại!? Từ cái nôi truyền thống cách mạng, Nhân dân nơi đây quyết chí làm ăn và ứng dụng kỹ thuật, mô hình mới, từng bước vươn lên thoát nghèo. Như nhà tôi, với 6 công đất, hồi trồng lúa bấp bênh, giờ an tâm với cây khóm, cây dừa. Hai năm trước tôi trồng khóm xen với vườn dừa, giờ đã thu hoạch 2 lượt, thu lãi cao gấp 3 lần lúa. Tháng sau tôi định bán thêm lứa thứ 3, cầm chắc trong tay 40 triệu đồng tiền lời”.

Vùng canh tác năng động với các loại hoa màu ngắn ngày thu nhập cao.

Ưu điểm lớn nhất của cây khóm là trồng một lần cho thu hoạch nhiều năm, vòng đời từ 5 năm. Người trồng có thể chủ động chừa trái để thu hoạch và còn tận dụng khóm để làm giống bán. Ông Trần Thành Vũ cho biết thêm: “Cùng với nỗ lực của các thành viên HTX, chính quyền địa phương chỉ đạo ban, ngành, các ấp tiếp tục vận động bà con trồng khóm, tham gia HTX, mở rộng diện tích, tăng sản lượng, áp dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao hơn nữa chất lượng khóm, góp phần tăng thu nhập cho người dân”.

Chị Trần Thị Phương Du, ấp Hiệp Lợi, phấn khởi: “Sau hơn 1 năm canh tác 3 ha, tôi thu hoạch được mấy mùa khóm “ngọt”, sản lượng tăng dần, lợi nhuận gần 50 triệu đồng/đợt (khoảng 4 tháng). Dự tính đợt sau là “xuất” thêm 10 tấn”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan không giấu được niềm vui: “Thấy trồng khóm cho lợi nhuận khá, rồi vô HTX để cùng làm, càng yên tâm hơn. Vậy là chị em chúng tôi rủ nhau gia nhập HTX. Trái khóm được bao tiêu từ khi mới trồng tới lúc bán luôn. Khỏi lo lắng nhiều”.

Ông Phạm Văn Hy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Hiệp Lợi, khề khà: “Làng xóm mình giờ đúng là mới hết thảy. Ðiện, đường, trường, trạm... tất cả khang trang, điện lưới quốc gia, nước sạch vùng nông thôn người dân thụ hưởng 100%. Ngoài phát triển kinh tế bằng các mô hình hiệu quả tại chỗ, lực lượng lao động thường xuyên đi làm ăn ngoài tỉnh hơn 200 khẩu cũng là động lực, cầu nối thúc đẩy sự thay đổi toàn diện vùng quê Bưng Sẩm như ngày nay. Chúng tôi tự hào vì là đầu tàu trong phát huy tiềm năng, lợi thế ở Hoà Bình”.

Những câu chuyện về vùng đất "khoác lên mình áo mới" càng thú vị với khách phương xa. Nhìn về phía con đường vừa thảm nhựa xuyên qua tuyến dân cư Bưng Sẩm, ông Vũ mở lòng: “Giờ về xã Hoà Bình nói chung, vùng Bưng Sẩm nói riêng mà anh hỏi hộ nghèo thì tôi lấy đâu ra số liệu để cung cấp!? Bởi, xứ này sau hơn 10 năm chuyển mình giờ đã xoá trắng hộ nghèo. Thay vào đó có trên 80% hộ khá, giàu. Còn toàn xã Hoà Bình thì chỉ 8/3.082 hộ nghèo, thu nhập trung bình đầu người cuối năm ngoái đạt trên 68 triệu đồng/năm”./.

 

Phong Phú - Phúc Danh

 

Gáo Giồng mùa cò ốc sinh sản

Rừng Gáo Giồng (thuộc địa bàn tại xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp) có hệ sinh thái đặc trưng vùng Ðồng Tháp Mười vô cùng độc đáo, diện tích 1.600 ha (có 1.200 ha rừng tràm, 250 ha rừng nguyên sinh). Với nhiều loài thực vật như tràm, lau sậy, sen, súng, cà na, gáo... rừng Ráo Giồng thích hợp cho các loài động vật, đặc biệt là loài chim cò quý hiếm được đưa vào sách đỏ, trong đó có loài cò ốc sinh sống.

Sẽ có một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Chiều 15/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Ðề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đến năm 2030".

Trăm năm nghề tranh kiếng Chợ Mới

Nghề vẽ tranh trên kiếng từ xưa ở Nam Bộ trứ danh với 3 vùng sản xuất là: Lái Thiêu (Bình Dương), Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang). Mỗi nơi sản xuất có riêng đặc điểm và phong cách của vùng miền, văn hoá tín ngưỡng, nếp sống người dân. Tranh kiếng Chợ Mới tuy xuất hiện muộn, nhưng mẫu mã phong phú, đa dạng, giá thành hợp lý. Hiện nay, sản phẩm tranh kiếng Chợ Mới vẫn được người dùng ưa chuộng.

Sức vóc miền biên giới Hồng Ngự

Thực hiện Chỉ thị 07/CT-TTg, ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống Nhân dân; Nghị quyết số 23/NQ-CP, ngày 2/3/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền, những năm qua, tỉnh Ðồng Tháp không ngừng đẩy mạnh các giải pháp, ban hành nhiều chủ trương, cùng với sự phát huy nội lực, các địa phương trong tỉnh đã vươn mình, khởi sắc. Trong đó, huyện Hồng Ngự là một trong những điển hình cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Ðặc sản "cơm đình"

Trong rất nhiều hoạt động của lễ hội kỷ niệm 156 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, "cơm đình" là một trong những nét văn hoá độc đáo mà rất nhiều du khách háo hức mong chờ.

Di sản đương đại “Vương quốc lò gạch”

Nằm trên bờ Nam sông Cổ Chiên và dọc theo kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) có một làng nghề gạch, gốm đỏ nổi tiếng hàng trăm năm tuổi, được ví như "Vương quốc lò gạch" đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Trải qua hơn 2 thế kỷ thăng trầm, nay làng nghề ấy dần hình thành "Di sản đương đại Mang Thít", thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Mục tiêu 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Diện tích trồng lúa ở nước ta hiện nay khoảng 7,1 triệu héc-ta, riêng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) khoảng 3,8 triệu héc-ta. Trước những thách thức lớn của ngành lúa gạo ÐBSCL trước tình trạng biến đổi khí hậu, Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030” được coi là giải pháp phù hợp, khả thi, mở ra hướng đi bền vững cho ngành lúa gạo và gia tăng lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.

Nghề nuôi cá lồng bè

Ở vùng biển Tây Nam, như các đảo của tỉnh Kiên Giang, Cà Mau..., người dân đầu tư nhiều lồng bè nuôi cá. Ðây cũng là nơi sống và sinh hoạt của nhiều hộ dân trên biển.

Làng nông thôn mới Saemaul ở Hậu Giang

Cuối năm 2015, UBND tỉnh Hậu Giang ký kết hợp tác cùng Tổ chức Nông thôn mới (NTM) Hàn Quốc triển khai Dự án Làng NTM - Saemaul tại ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp) và Ấp 9, xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ). Thời điểm được chọn, 2 ấp nêu trên thuộc diện khó khăn, hạ tầng nông thôn còn yếu, người dân canh tác lúa theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, đời sống ở mức thấp.

Hãy đến Trại rắn Ðồng Tâm

Trại rắn Ðồng Tâm có diện tích 12 ha, toạ lạc tại ấp Tân Thuận B, xã Bình Ðức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm TP Mỹ Tho 9 km. Nơi đây có bảo tàng trưng bày gần 100 loài rắn quý hiếm và lưu giữ tiêu bản của hầu hết các loài rắn hiện có ở Việt Nam. Ða số rắn được nuôi và bảo tồn trong lồng, một số loài không có nọc độc được nuôi thả tự nhiên trên các nhánh cây, để du khách có thể quan sát trực tiếp chúng. Trong khuôn viên Trại rắn Ðồng Tâm còn trồng hơn 60 cây thuốc Nam.