(CMO) “Thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu chưa được gỡ bỏ lại thêm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, là 2 tác động “kép” lên ngành kinh tế thuỷ sản của tỉnh. Ngành kinh tế mũi nhọn này được dự báo sẽ đối diện với nhiều khó khăn nếu không có giải pháp thích ứng kịp thời, hiệu quả.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp những ngày qua, giá tôm trên thị trường có biến động giảm, gây tâm lý lo lắng cho người dân, đặc biệt là người nuôi tôm và ngư dân.
Giá tôm đang có chiều hướng giảm đã ảnh hưởng phần nào đến nuôi trồng của người dân, nhất là đối với những hộ nuôi theo loại hình thâm canh và siêu thâm canh. |
Ðược mệnh danh là “thủ phủ” của con tôm, Cà Mau hiện có hơn 279.851 ha nuôi tôm trong tổng số khoảng 302.635 ha nuôi trồng thuỷ sản. Ðặc biệt, trong đó có hơn 8.571,8 ha với khoảng 13.966 hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Cùng với hoạt động nuôi trồng, hơn 4.567 phương tiện đang ngày đêm hoạt động khai thác trên biển cũng đóng góp không nhỏ vào sản lượng và sự đa dạng, phong phú các mặt hàng thuỷ sản cho thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, tổng sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm của tỉnh khoảng 303.700 tấn, trong đó tôm khoảng 107.040 tấn.
Với những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua từ việc chuyển đổi trong sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, cho đến hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm, mở rộng thị trường…, hoạt động xuất khẩu của tỉnh, nhất là đối với mặt hàng thuỷ sản, chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 455,6 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ, riêng mặt hàng thuỷ sản đạt trên 423,8 triệu USD.
Mặc dù hoạt động xuất khẩu có nhiều chuyển biến, nhưng do tình hình dịch Covid-19, giá một số mặt hàng thuỷ sản trong dân đang có chiều hướng giảm, thậm chí có những mặt hàng giảm mạnh. Nếu so sánh với tuần trước (ngày 5/7) giá tôm sú loại 20 con/kg là 225.000 đồng, tôm sú 30 con/kg 190.000 đồng, tôm sú 40 con/kg 165.000 đồng… thì đến ngày 11/7, giá các mặt hàng này lần lượt là 220.000 đồng, 185.000 đồng và 160.000 đồng.
Tương tự, mặt hàng tôm thẻ chân trắng cũng giảm từ 6.000-7.000 đồng/kg so với tuần trước tuỳ loại. Hiện nay, tôm thẻ chân trắng ao bạt loại 100 con/kg giá còn 90.000 đồng và ao đất cùng loại là 89.000 đồng. Ðây là giá bình quân chung đối với tôm thẻ đạt màu và kiểm tra đạt kháng sinh, còn nếu tôm thẻ chân trắng không đạt kháng sinh, tiếp tục giảm thêm từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Ðối với các mặt hàng cua y và yếm vuông, giảm khoảng 25.000 đồng/kg; đặc biệt, cua gạch giảm mạnh tới 140.000 đồng/kg, hiện chỉ còn trên dưới 400.000 đồng/kg.
Với sản lượng và diện tích lớn như hiện nay, chỉ cần một biến động nhỏ của thị trường cũng sẽ tác động lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Giá cả giảm đang tạo ra tâm lý lo lắng cho người nuôi, nhất là đối với loại hình có mức đầu tư lớn như thâm canh và siêu thâm canh. Trong tổng số hơn 8.571,8 ha của 2 loại hình này, thì đến thời điểm hiện tại diện tích đang nuôi ước khoảng 4.400 ha, diện tích đang cải tạo 3.162,5 ha, diện tích còn lại hơn 1.000 ha đang tạm ngưng nuôi.
Dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó ngư dân đang là đối tượng cũng gặp nhiều khó khăn.
Hơn 30 năm bám biển, nhưng hơn 1 tháng qua, ông Nguyễn Văn Phỉnh (thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân) phải ngậm ngùi cho tàu nằm bờ. Nhắc đến từ “Covid-19”, ông Phỉnh lắc đầu ngao ngán: “Từ khi có Covid, giá thuỷ sản khai thác giảm, giá nguyên liệu đầu vào lại tăng, 2 chuyến biển gần đây phải bù vào mấy trăm triệu đồng”.
Là một trong những hộ được hỗ trợ đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, cách đây hơn 2 năm, khi chiếc tàu sắt hơn 850 CV được hạ thuỷ đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi cho gia đình ông Phỉnh. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa được bao lâu, hơn 1 tháng nay nó phải chịu cảnh nằm bờ vì liên tục thua lỗ do giá thành các mặt hàng xuống thấp. Ông Phỉnh cho biết: “Trước đây cá ngừ, cá thu đánh bắt được từ lưới xù có giá từ 160.000-180.000 đồng/kg, nay giảm còn 60.000-70.000 đồng, thậm chí không có thương lái ra biển mua. Ðánh không đủ tiền dầu, lấy đâu tiền trả cho bạn, những chuyến biển gần đây phải chạy chiếc nhỏ (290 CV) để bù tiền bạn cho chiếc lớn”.
Cũng như một số hộ dân khác, để có tàu lớn ra khơi, ông Phỉnh đăng ký và được hỗ trợ vay 15 tỷ đồng để đóng tàu sắt. Những tưởng khi có tàu lớn sẽ ăn nên làm ra, thế nhưng, hoạt động chưa được bao lâu thì dịch bệnh ập đến, đẩy gia đình ông vào tình cảnh vô cùng khó khăn. “Nếu tình hình này kéo dài thì không cách nào chịu nổi, chỉ hy vọng Nhà nước có chính sách giảm, giãn lãi để ngư dân có thể vượt qua giai đoạn này”, ông Phỉnh trải lòng.
Không chỉ có người nuôi tôm, ngư dân khai thác, mà nhiều mặt hàng khác của nông dân cũng đang trong tình trạng lao đao vì dịch bệnh. Ngoài con tôm, 3 công rẫy là nguồn thu khá quan trọng của gia đình chị Nguyễn Hồng Cẩm (ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình) nhiều năm qua. Thế nhưng, trước sự xuất hiện của ổ dịch Covid-19 tại ấp Ðầu Nai, xã Tân Phú, khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Chị Cẩm cho biết, hoa màu của người dân nơi đây chủ yếu tập trung tiêu thụ tại chợ đầu mối Huyện Sử. Trong những ngày qua, do dịch bệnh xuất hiện, hơn 1 công củ cải đã đến lứa nhưng chưa liên hệ được với thương lái. Nhiều thương lái không mua, một số thì cho giá rất thấp, chỉ khoảng 3.000 đồng/kg. “Với giá này thì nông dân xem như trắng tay, không một đồng lãi nào sau hơn 2 tháng ròng rã”, chị nói.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo có thông tin chính xác, khách quan, kịp thời phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, ngày 9/7, UBND tỉnh có Công văn số 3622/UBND-NNTN về phát triển sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công thương thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến, tình hình giá tôm trên thị trường, để có những thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, qua đó đưa ra khuyến cáo cần thiết phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Ðồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, đặc biệt là tình hình cung ứng giống, thức ăn, vật tư phục vụ sản xuất; kịp thời tham mưu thực hiện các biện pháp đảm bảo sản xuất của người dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt không để gián đoạn việc vận chuyển vật tư, hàng hoá phục vụ sản xuất./.
Nguyễn Phú