Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình OCOP gắn với lễ công bố giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh năm 2024 vào sáng 23/1/2025.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT nhận định, Chương trình OCOP đến nay đã trải qua 5 năm thực hiện, trở thành phong trào rộng khắp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế tỉnh và xây dựng NTM… Nhiều sản phẩm khi được chứng nhận OCOP đã được nâng cao giá trị, sản phẩm bán ra thị trường với mức giá tăng cao; giúp người lao động có thêm việc làm ổn định, nâng cao đời sống và thu nhập.
Theo đó, trong năm 2024, toàn tỉnh đã thu hồi 6 sản phẩm của 3 chủ thể, do các chủ thể ngừng sản xuất kinh doanh. Phát triển mới và tiêu chuẩn hóa 81 sản phẩm của 43 chủ thể. Trong đó, công nhận mới 57 sản phẩm của 38 chủ thể đạt 3 sao; đặc biệt là năm đầu tiên tỉnh có sản phẩm OCOP du lịch 3 sao. Công nhận lại 6 sản phẩm của 5 chủ thể đạt 3 sao; công nhận 18 sản phẩm của 8 chủ thể đạt 4 sao. Từ đó, nâng tổng số sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh giai đoạn 2020-2024 toàn tỉnh là 191 sản phẩm. Trong đó có 47 sản phẩm 4 sao, 144 sản phẩm 3 sao.
Dù đã đạt được nhiều kết quả song việc triển khai thực hiện chương trình còn không ít khó khăn. Ông Quân chỉ rõ, hiện nay số sản phẩm được công nhận đạt OCOP của tỉnh chỉ xếp thứ 11 so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, cách xác định lợi thế, tiềm năng, sản phẩm và chủ thể; mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa thật sự quan tâm phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm khởi nghiệp và các sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống; sản phẩm còn đơn điệu.
Ngoài ra, năng lực của các tổ chức kinh tế OCOP còn hạn chế nên việc quản trị, phát triển chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu địa phương của các sản phẩm OCOP còn hạn chế, sản xuất chưa tập trung, nguyên liệu còn mang tính thời vụ, không ổn định; mẫu mã bao bì sản phẩm, chất lượng chưa được chú trọng nhiều… Đó cũng là những khó khăn mà các đại biểu dự hội nghị đã chỉ ra.
Với vị trí, vai trò quan trọng của chương trình, tỉnh đặt ra mục tiêu trong năm 2025 đánh giá, công nhận mới ít nhất 40 sản phẩm đạt 3-4 sao với các nhóm sản phẩm chính là: nhóm sản phẩm từ tôm công nhận khoảng 20 sản phẩm; nhóm sản phẩm từ cua công nhận khoảng 4 sản phẩm; nhóm sản phẩm gạo công nhận khoảng 4 sản phẩm; nhóm sản phẩm khác (cá khô bổi, chả cá phi, rượu, khô các loại...) công nhận khoảng 11 sản phẩm và nhóm sản phẩm du lịch công nhận 1 sản phẩm. Ngoài ra, đánh giá, công nhận lại ít nhất 3 sản phẩm đạt từ 3 sao và hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 10 sản phẩm đạt 4-5 sao.
Ngoài ra, phấn đấu đến hết năm 2025, nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn tỉnh đạt 240 sản phẩm. Trong đó, ưu tiên phát triển các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. Có ít nhất 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Tại hội nghị, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận cho 18 sản phẩm của 8 chủ thể đạt OCOP 4 sao. Đồng thời, có 8 tập thể và 10 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho các chủ thể.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, trước tiên các địa phương phải rà soát lại mục tiêu sản phẩm OCOP sát với thực tế của địa phương mình, nhưng phải với tinh thần phấn đấu hết sức mình, làm sao được càng nhiều càng tốt. Sở NN&PTNT tiến hành rà soát lại toàn bộ các công việc, nhiệm vụ sát với yêu cầu của năm 2025. Khi xác định đầu công việc phải hướng tới nâng cao năng lực quan quản lý, hỗ trợ các chủ thể trong chương trình. Nâng cao năng lực của các chủ thể sản phẩm OCOP thông qua công tác đào tạo, tập huấn. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể cùng sản phẩm hợp tác để thúc đẩy sản xuất. Nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm để chất lượng sản phẩm ngày một cao hơn. Rà soát đối tượng đủ điều kiện để hỗ trợ tiến tới cho các chủ thể phát triển sản xuất công nghiệp.
Nguyễn Phú