(CMO) Bài 2: ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP HỮU HIỆU? Mặc dù tình trạng đất cảng khu neo đậu tàu thuyền, đất cảng cá bị lấn chiếm, sử dụng sai công năng đã kéo dài nhiều năm và có nhiều chỉ đạo từ văn bản đến trực tiếp của lãnh đạo tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, liên quan đến tình trạng lấn chiếm tại KNĐTTB Sông Đốc, ngay từ ngày16/8/2013, Thường trực UBND tỉnh có Công văn số 811/VP-XD giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan giải quyết việc lấn chiếm trái phép hành lang an toàn bảo vệ mặt kè và các đường dẫn KNĐTTB Sông Đốc.
Sự phối hợp thiếu chặt chẽ
Cần xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý tại KNĐTTB Sông Đốc để hạn chế tình trạng lấn chiếm. |
Doanh nghiệp tư nhân Duy Lợi (Đặng Lợi) là một trong số doanh nghiệp bị lập biên bản vì có hành vi lấn chiếm tại KNĐTTB Sông Đốc. |
Trong quá trình đầu tư xây dựng dự án từ bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, nghiệm thu dự án công trình đưa vào sử dụng, việc lấn chiếm KNĐTTB Sông Đốc đã xảy ra quy mô nhỏ, giai đoạn đầu các phương tiện chỉ hoạt động trái phép trên bờ kè để bốc xếp hàng hoá. Tuy nhiên, chính việc phối hợp xử lý của các cơ quan thẩm quyền không chặt chẽ và thiếu kiên quyết, nhất là việc thực hiện Quy chế quản lý cảng cá, KNĐTTB cho tàu cá trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 9/5/2016 của UBND tỉnh. Từ đó, hoạt động lấn chiếm mỗi lúc một gia tăng cả về diện tích, số lượng và quy mô công trình.
KNĐTTB Sông Đốc có vị trí, tầm quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. KNĐTTB Sông Đốc tỉnh là dự án KNĐTTB cấp vùng với quy mô có khả năng neo đậu 1 ngàn tàu cá các loại, công suất đến 600 CV. Do vậy, việc lấn chiếm, xâm hại bờ kè rất nguy hiểm, gây cản trở cho công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, an toàn giao thông đường thuỷ, làm giảm lượng tàu neo đậu so với dự án được duyệt. Điều này cho thấy cơ quan quản lý trực tiếp chưa thực hiện hết chức năng, quyền hạn trong quá trình xử lý các sai phạm tại KNĐTTB Sông Đốc, dẫn đến các sai phạm kéo dài trong nhiều năm (từ năm 2009 đến nay) vẫn còn tồn tại, có chiều hướng gia tăng và phức tạp.
Ngoài tình trạng lấn chiếm của các tổ chức, cá nhân trong khu vực KNĐTTB Sông Đốc còn một tồn tại khác cho thấy công tác quản lý còn lỏng lẻo, đó là việc Sở Giao thông vận tải tỉnh cấp phép hoạt động bến thuỷ nội địa, bến phà khách ngang sông cho các tổ chức, cá nhân trên cơ sở gia hạn giấy phép do Cảng vụ Đường thuỷ nội địa khu vực 4, trực thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cấp phép.
Cụ thể là Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa số 422/GPBTNĐ được cấp vào ngày 27/12/2017 đến ngày 27/12/2020 cho Công ty TNHH Chế biến bột cá Khải Hoàn; Giấy phép số 070/GPKNS ngày 26/4/2016 bến phà khách ngang sông bến kênh Bảy Thanh; Giấy phép số 0210/GPKNS ngày 2/2/2016 bến phà khách ngang sông bến rạch Vinh Nhỏ. Việc cấp phép này là vi phạm Nghị định 80/2012/NĐ-CP ngày 8/10/2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, KNĐTTB cho tàu cá.
Xây dựng quy chế riêng
Trước những tồn tại, hạn chế công tác quản lý và tình trạng lấn chiếm tại KNĐTTB Sông Đốc, UBND tỉnh có Công văn số 3353/UBND-KT ngày 9/5/2018 về việc giải quyết vướng mắc các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, Chánh thanh tra tỉnh đã ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại KNĐTTB Sông Đốc.
Trong kết luận, đoàn thanh tra đã chỉ ra nhiều sai sót liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng KNĐTTB Sông Đốc bị lấn chiếm như thời gian đã qua. Cụ thể là Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh Cà Mau (năm 2013 đến nay) là những đơn vị trực tiếp khai thác, sử dụng nhưng quản lý còn lỏng lẻo, thực hiện các quy định, quy chế chưa tốt; Các cơ quan được giao phối hợp với Ban Quản lý các cảng cá chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chưa kiên quyết trong quá trình xử lý các vi phạm lấn chiếm trong khu neo đậu; Thực hiện chưa nghiêm các quy định từ Trung ương đến tỉnh trong quản lý cảng cá, KNĐTTB cho tàu cá.
Theo đó, đoàn thanh tra kiến nghị UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân đã để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện, quản lý vận hành và phối hợp xử lý sai phạm tại KNĐTTB Sông Đốc. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm trong việc lấn chiếm đất đai; Phối hợp các ngành chức năng làm rõ hành vi xâm hại, phá dỡ các hạng mục trên KNĐTTB, xác định mức độ thiệt hại để xử lý theo quy định.
Với bình quân 1 năm xảy ra từ 10-12 cơn bão lớn, nhỏ và xảy ra trong thời gian ngắn thì KNĐTTB Sông Đốc giữ vai trò vô cùng quan trọng. Do vậy, việc các sở, ngành và đơn vị có liên quan phối hợp xây dựng quy chế riêng đối với KNĐTTB nhằm tận dụng hạ tầng cơ sở phục vụ hậu cần nghề cá, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thuỷ sản nhưng không làm ảnh hưởng đến dự án KNĐTTB Sông Đốc là vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay./.
Nguyễn Phú
BÀI CUỐI: HẠN CHẾ TỪ KHÂU QUY HOẠCH