(CMO) Thiết bị giám sát hành trình là một trong những giải pháp được đánh giá quan trọng và có tính quyết định để kiểm soát các phương tiện một cách trực tiếp, liên tục. Đồng thời là một công cụ quan trọng trong nỗ lực tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, dù việc triển khai lắp đặt thiết bị này trên tàu cá đã hoàn thành nhưng đã phát sinh nhiều khó khăn tồn tại.
Gắn và duy trì hoạt động xuyên suốt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá là cơ sở quan trọng để xác nhận nguồn gốc thuỷ sản khi xuất khẩu. |
Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với những nỗ lực và bằng nhiều giải pháp, đến nay 100% với 1.529 tàu cá thuộc diện bắt buộc đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, tình trạng mất kết nối của thiết bị diễn ra ngày một phổ biến hơn.
Qua công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS cho thấy, từ ngày 1/1/2021-1/5/2022, có đến 8.640 lượt tàu cá bị mất tín hiệu kết nối ngoài khơi; riêng từ đầu năm 2022 đến nay, có đến 2.805 lượt tàu cá mất kết nối. Đặc biệt, số tàu mất tín hiệu 10 ngày trở lên từ ngày 1/1/2021-15/4/2022 được lập danh sách, thông báo đến các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp xác minh nguyên nhân 645 tàu với 784 lượt (riêng những tháng đầu năm 2022, có đến 267 tàu với 314 lượt).
Theo quy định, nếu tàu mất kết nối 10 ngày trở lên buộc phải vào bờ. Tuy nhiên, tình trạng tàu mất kết nối có thể do nhiều nguyên nhân, có thể là do lỗi kỹ thuật thiết bị hay do người sử dụng. Cùng với đó, việc xác định nguyên nhân mất kết nối, từ đó quy trách nhiệm khi xử lý trong thời gian qua là vô cùng khó. Những khó khăn này thể hiện rõ nhất khi đến nay các cơ quan chức năng chỉ mời làm việc trực tiếp và lập biên bản 97 vụ trong số 8.640 lượt mất kết nối.
Có thể dễ dàng lý giải vì sao số tàu mất kết nối lớn nhưng số trường hợp được mời làm việc và lập biên bản thấp là cũng xuất phát từ lý do chưa rõ nguyên nhân mất kết nối. Không thể xác định được nguyên nhân mất kết nối nên không thể xác định được chủ thể chịu trách nhiệm; trong khi chi phí một chuyến ra khơi quá lớn, ngư dân không muốn vào bờ và các cơ quan chức năng cũng chưa thể áp dụng biện pháp mạnh hơn là ra khơi để điều tàu vào.
Điều 44, Luật Thuỷ sản quy định, khi tàu cá mất kết nối thì chủ tàu phải sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc để báo cáo với đất liền và đơn vị cung cấp thiết bị, đồng thời tiến hành sửa chữa. Trong trường hợp không sửa được mà đã 10 ngày thì bắt buộc phải vào bờ. Do đó, dù tàu mất kết nối do nguyên nhân gì thì cũng phải vào bờ và trách nhiệm của tàu khi ra khơi là phải kiểm tra tất cả các thiết bị trên tàu để tránh thiệt hại cho mình và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Thiết bị giám sát hành trình là giải pháp quan trọng để các cơ quan chức năng quản lý tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ông Bằng cho biết thêm, với sự giúp sức của thiết bị giám sát, từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, xác minh, kêu gọi 235 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển quay trở về vùng biển Việt Nam. Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm đáng kể, từ đầu năm đến nay chỉ có 2 tàu, với 12 thuyền.
Song song với công tác quản lý, Cà Mau là 1 trong 5 tỉnh, thành đi đầu cả nước về xử phạt tàu cá vi phạm các quy định trong khai thác IUU, nhất là tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong hơn 1 năm qua (từ tháng 1/2021-5/2022) toàn tỉnh đã xử phạt 176 vụ với mức phạt hơn 6,3 tỷ đồng đối với tàu cá vi phạm khai thác IUU. Cá biệt, đã xử phạt 1 vụ tàu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài lên đến trên 1,027 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu so sánh số bị xử phạt và số tàu cá vi phạm thì vẫn còn khiêm tốn, nhất là tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Lý giải thực tế này, ông Bằng cho biết thêm, tỉnh kiên quyết xử lý “mạnh tay” và gần như áp dụng mức cao nhất đối với các trường hợp vi phạm đủ điều kiện. Tuy nhiên, số vụ vi phạm được xử lý còn thấp do còn tồn tại nhiều khó khăn. Về các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, khi vi phạm, vụ việc được các cơ quan nước ngoài xử lý phải rất lâu sau, thậm chí phải đi tù, người chịu trách nhiệm mới về Việt Nam. Do đó, việc củng cố hồ sơ làm cơ sở xử lý vi phạm cũng mất nhiều thời gian và khó khăn.
Thuyền trưởng không về nên không thể tiến hành xử phạt là một trong những nguyên nhân khiến số vụ vi phạm vùng biển nước ngoài bị xử phạt thời gian qua là còn thấp so với thực tế. Tuy nhiên, theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản thì hoàn toàn có thể tiến hành xử phạt chủ tàu. Bởi lẽ, Luật Thuỷ sản đã có quy định rất rõ, chủ tàu là người chịu trách nhiệm toàn bộ khi tàu vi phạm.
Không chỉ vậy, thời gian qua còn xảy ra tình trạng tàu cá tháo thiết bị giám sát hành trình gởi lại tàu khác để “né” sự theo dõi giám sát của các cơ quan chức năng khi lén lút ra vùng biển nước ngoài khai thác.
Qua trao đổi nhanh, ông Lê Văn Ninh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin thuỷ sản, cho biết, qua kiểm tra trong số 5 tàu vi phạm được đại sứ quán Malaysia thông báo thì có đến 4 tàu có hành trình chập một và máy đang ở Việt Nam, cụ thể là nằm ở vùng biển Nam Du. Như vậy, hiện tượng tàu cá tháo gỡ thiết bị giám sát gởi lại cho tàu khác còn lớn, cần có giải pháp quản lý.
Những khó khăn, tồn tại trên đang là thách thức lớn để hoàn thành mục tiêu chấm dứt tình trạng vi phạm trong khai thác IUU từ đây đến cuối năm như đã cam kết. Càng khó hơn khi Cà Mau không chỉ có đội tàu của tỉnh mà có một lượng lớn tàu từ các tỉnh, thành khác trong cả nước về đây neo đậu và tham gia khai thác. Do đó, ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý, sự hỗ trợ của Trung ương, quan trọng nhất là ý thức của ngư dân. Chỉ khi ngư dân hiểu và tuân thủ các quy định trong khai thác IUU là để bảo vệ cho nghề cá hiện tại và thế hệ sau thì mới mong chấm dứt tình trạng này./.
Nguyễn Phú