Chỉ hai câu thơ đó thôi mà cố thi sĩ Bùi Giáng đã hầu như diễn tả hết được nét đặc trưng nhất của xứ sở kinh kỳ, thành nội qua hai chữ “dạ, thưa” - được đặt trước ở mỗi câu và trong suốt buổi chuyện trò, dù dài hay ngắn.
“Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” (Bùi Giáng)
Chỉ hai câu thơ đó thôi mà cố thi sĩ Bùi Giáng đã hầu như diễn tả hết được nét đặc trưng nhất của xứ sở kinh kỳ, thành nội qua hai chữ “dạ, thưa” - được đặt trước ở mỗi câu và trong suốt buổi chuyện trò, dù dài hay ngắn. Mà thực ra không chỉ có xứ Huế mà hầu như bất cứ vùng miền nào của Việt Nam, tiếng “dạ, thưa, vâng, ạ…” hoặc những từ kính ngữ ít nhiều đều được sử dụng như là một cách thể hiện sự lễ phép, kính trên nhường dưới, sự trọng thị, lẽ nhún nhường, giữ sao cho lời ăn, tiếng nói của mình “dễ nghe”. Chí ít là khi vẫn còn nói hoặc nghe những tiếng “dạ, thưa” thì cuộc trò chuyện ấy hiếm khi nào dẫn đến cãi cọ, miệt thị, gây hấn… bởi khi đã biết cất lên những tiếng “dạ, thưa, ạ…” thì người trong cuộc dường như đã biết “tự răn mình” qua câu chữ.
Mà có lẽ quả như vậy thật, nếu để ý sẽ thấy trong cách dạy con của người xưa, chuyện dạy con “học ăn, học nói, học gói, học mở”, dạy cho trẻ khi nói chuyện với người lớn phải luôn biết dạ, thưa, không được nói leo, không nói bậy… Bởi có thể đánh giá (sơ bộ) một đứa trẻ ngoan - hư qua lời ăn, tiếng nói cũng tương tự như việc nhìn lướt qua căn bếp thì có thể biết được con gái trong nhà hay - vụng ra sao.
Minh hoạ: HOÀNG VŨ |
Dĩ nhiên, cách đánh giá ấy chưa hẳn là hoàn toàn chính xác, bởi, để biết tường tận về một người thì cần phải dựa trên rất nhiều những yếu tố khác chứ không chỉ bằng việc người đó có biết thưa gửi, vâng dạ hay không bởi quả có đúng là có những kẻ “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm” hoặc có những người “khẩu Phật, tâm xà” nhưng thật tình mà nói, cái nếp ăn, nếp ở, nếp sống của một người được thể hiện khá nhiều qua lời ăn, tiếng nói, trong giao tiếp hằng ngày, cũng như ông bà xưa từng dạy: “bệnh từ miệng vào, hoạ từ miệng ra”, vì “lỡ miệng” mà gây nên hoạ không phải là chuyện hiếm.
Chợt nhớ đến những bản tin tức trên báo chí gần đây về những vụ án mạng xảy ra chỉ vì hơn thua nhau lời ăn, tiếng nói, hoặc có những nhóm thiếu niên sẵn sàng “tìm cho ra” kẻ đã “dám” nói xấu, trêu tức mình trên mạng để thanh toán dẫn đến án mạng hoặc phạm tội hình sự hẳn hòi chứ không phải chỉ là chuyện cãi vã, đánh nhau suông. Cũng biết, những việc làm trên đa phần xuất phát từ sự bốc đồng, nóng nảy, thiếu suy nghĩ, có trường hợp là do “rượu nói”, “rượu làm” nhưng dám chắc một điều, những cuộc trò chuyện gây nên những án mạng kia đa phần xuất phát từ những lời khích bác, hơn thua, nặng nhẹ… Và những kính ngữ với các từ “dạ, thưa” chắc hẳn không có chỗ để chen vào trong suốt những cuộc trò chuyện (nếu vẫn còn có thể gọi đó là những cuộc trò chuyện) ấy.
“Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” - Phải chăng trong lúc “lựa lời” là người ta đã có chút thời gian để suy nghĩ về những gì mình sắp nói, nghĩa là ít nhiều đã có trách nhiệm trước những phát ngôn của mình; cũng như khi một đứa trẻ được cha mẹ dạy rằng khi nói chuyện với người lớn tuổi hơn mình thì phải biết “dạ, thưa”- nghĩa là cha mẹ đã gián tiếp dạy cho con cái về sự tôn trọng, lễ độ. Ðiều này sẽ khiến cho việc “gây hấn”, “cãi nhau” sẽ… khó hơn bởi sao có thể “kết hợp” tiếng dạ thưa với những lời nặng nề, thô tục cho được?
Chữ “dạ, thưa”, những từ kính ngữ đôi khi chỉ nhẹ bâng như muôn vàn những từ ngữ khác nhưng tác động mà nó tạo nên rõ ràng không hề nhỏ chút nào. Mà chỉ “một lời nói” thì “không mất tiền mua”, đã không mất mà lại được, tại sao lại không dùng kia chứ?!
Ðoàn Ngọc