ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-12-24 18:36:45
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðoàn Phương Ðông - Vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu

Báo Cà Mau Trước tình hình Mỹ - Diệm ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam với nhiều thủ đoạn dã man, tàn bạo, gây bao đau thương tang tóc cho quê nhà, nhiều cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc lòng sôi sục căm thù, quyết tâm tham gia cùng các đoàn trở về quê hương chiến đấu, trong đó có Ðoàn Phương Ðông với quân số lên đến gần 600 người.

Hành trình về nam chiến đấu

Lực lượng quân sự khi tập kết ra Bắc, một số được đi học văn hoá, đào tạo cán bộ ở các trường trong và ngoài quân đội, số còn lại tập trung huấn luyện, xây dựng quân đội chính quy, lao động sản xuất... góp phần cùng miền Bắc xây dựng hậu phương vững mạnh.

Với ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị thành lập binh đoàn mở đường Trường Sơn (Ðoàn 559) để chi viện cho chiến trường miền Nam. Ðoàn có nhiệm vụ mở con đường mòn gùi thồ, hành quân bộ (về sau phát triển thêm đường cơ giới), đó chính là con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, con đường giao thông huyết mạch góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bộ đội vượt Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1959, khi đường Trường Sơn được khai thông, Ðảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng bắt đầu chỉ đạo thành lập và đưa các đoàn cán bộ quân sự là con em miền Nam tập kết ra Bắc về tăng cường cho cách mạng miền Nam. Ban đầu là những đoàn nhỏ, số lượng vài chục đến vài trăm người. Ngày 7/5/1961, đoàn cán bộ quân sự có số lượng lớn đầu tiên với gần 600 người mang tên Ðoàn Phương Ðông đã lên đường về Nam chiến đấu.

Ðoàn Phương Ðông lên đường vào Nam được biên chế thành khung của các cơ quan quân sự Miền; khung các đơn vị binh chủng pháo binh, đặc công, công binh, thông tin...; khung các Bộ Tư lệnh Quân khu 8, Quân khu 9 và khung các trung đoàn chủ lực Miền. Từ đó góp phần xây dựng lực lượng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại và ngày càng lớn mạnh, lập nên nhiều chiến công lớn, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu cùng với lý tưởng cách mạng và tiếng gọi quê hương, những người lính tập kết trở về đã chịu đựng biết bao gian khổ, hiểm nguy. Kết thúc chiến tranh, trong số cán bộ quân sự Ðoàn Phương Ðông ngày nào, có 57 người hy sinh; 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 11 người mang hàm cấp tướng, đảm nhận các chức vụ từ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đến các Tư lệnh phó Tư lệnh Quân khu 8 và Quân khu 9; hàng trăm người cấp tá, cấp uý, hàng chục người trở thành cán bộ chủ chốt trong các cơ quan dân chính đảng ở các địa phương đồng bằng sông Cửu Long.

Và câu chuyện tình yêu người lính Phương Đông

Qua giới thiệu, một ngày tháng 9, tôi đến ấp Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, gặp bà Trần Thị Hoà, đầu mối chính của bài viết.

Trước mặt tôi là 2 quyển sách có tên: “Những kỷ niệm sâu sắc của Ðoàn Phương Ðông miền Trung và Tây Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và “Những truyện ngắn thông tin liên lạc Quân khu 9 - 30 năm kháng chiến” của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Thông tin Quân khu 9. Kẹp trong quyển sách là lá thư của Ðại tá Nguyễn Thông (Ba Kế), Phó ban Liên lạc Ðoàn Phương Ðông miền Tây Nam Bộ. Thư ghi: “Kính gửi đồng chí Ba Hoà (vợ đồng chí Ba Danh)” kèm theo địa chỉ. Lá thư được đánh máy, nội dung thư, nhân dịp xuất bản quyển sách “Những kỷ niệm sâu sắc của Ðoàn Phương Ðông miền Trung và Tây Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, Ban Liên lạc Ðoàn Phương Ðông tổ chức buổi họp mặt (năm 2005), có mời tất cả cựu chiến binh của đoàn và gia đình các đồng chí trong đoàn đã hy sinh về dự. Nhưng tiếc là không thấy có mặt bà Hoà, nên gửi thư thăm hỏi, kèm theo gửi biếu quyển sách. Cuối thư, còn có phần tái bút với chữ viết tay: “Ðược thơ, chị Ba cho biết tình hình gia đình. Lâu quá không được tin chị và các cháu”.

Bà Trần Thị Hoà bồi hồi kể câu chuyện tình yêu của mình với người chồng là cán bộ tập kết Ðoàn Phương Ðông.

Bà Trần Thị Hoà (Ba Hoà) năm nay đã ở tuổi 86, người mảnh khảnh, sức khoẻ còn tốt, giọng từ tốn, đặc biệt đầu óc bà còn rất minh mẫn. Bà cho biết, chồng bà là ông Trần Danh, quê Bến Tre, nhập ngũ năm 1948 ở Tiểu đoàn 306; là bộ đội tập kết, tham gia trong Ðoàn Phương Ðông về Nam năm 1961. Ông được phân công công tác ở Ban Thông tin Quân khu 9, chức vụ Ðại đội trưởng, hoạt động địa bàn từ U Minh Thượng (Kiên Giang) đến Sông Trẹm, Cái Tàu...

Ông và bà quen nhau năm 1962, khi đó bà là Bí thư Chi bộ Ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch (nay gồm Biển Bạch Ðông, Biển Bạch, Tân Bằng). Năm 1963, hai người thành hôn.

“Anh bận làm nhiệm vụ suốt, lâu lâu trên đường đi công tác thì ghé ngang thăm nhà. Có khi ở được 1-2 bữa, có khi chiều ghé ngủ rồi sáng lại đi. Sau khi sinh con đầu lòng, tôi là Xã uỷ viên, công tác nhiều hơn trước, có khi chồng về cũng không gặp”, bà nhắc về chồng bằng tình cảm yêu thương, trìu mến. Cũng giọng đầy xúc động, bà kể tiếp: “Anh hiền lắm, thiệt tình lắm, đối với gia đình, bạn bè rất tốt, vui vẻ, hoà đồng. Toàn bộ gia đình bên tôi, ai cũng thương ảnh. Anh cũng quan tâm, lo cho tôi dữ lắm. Chuyện công tác của tôi, anh bảo cứ làm được gì thì làm, tuỳ tôi, chứ không hề can ngăn, hay khuyên nghỉ, mặc dù có nhiều lần anh về, tôi bận công tác, vợ chồng chẳng gặp được nhau...”.

Chồng lo công tác, một mình bà vừa nuôi con vừa làm nhiệm vụ cơ sở rất vất vả, nhưng đó là do bà lựa chọn nên luôn cố gắng khắc phục để vượt qua. Bà kể, lúc ấy Nhà thơ, Nhà báo Nguyễn Hải Tùng có làm bài thơ về bà đăng trên báo, giờ bà còn nhớ được mấy câu:

“Hình ảnh Ba Hoà Xã uỷ viên

Cũng là người mẹ dịu hiền...

...

Bồng con đi họp lội ngang cánh đồng”.

Lấy nhau 4 năm, gặp nhau, sống cùng nhau cộng lại không được mấy tháng thì năm 1967,  chồng bà hy sinh.

Lúc đó con gái lớn 3 tuổi, con trai nhỏ mới sinh 4 tháng, nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn lao nhưng bà vẫn kiên cường không quỵ ngã. Một mình vừa tham gia công tác cách mạng, vừa nuôi con, lại gánh nỗi đau lớn trong đời, bà tự nhủ lòng phải mạnh mẽ gấp đôi.

“Lúc đó ở xứ này có biết bao gia đình bị giặc giết, có gia đình 2-3 người, có gia đình 4-5 người. Như gia đình ông Nguyễn Phúc Ánh cùng xóm này, bị giặc giết 5 người con, chôn 5 ngôi mộ song song. Về sau ông bị thần kinh rồi mất. Gia đình tôi, ba công tác ở Quân khu 9, mẹ làm trong Tổ Ðảng, đã hy sinh; 4 chị em gái đều lấy chồng bộ đội, 3 người có chồng hy sinh. Lúc đó căm thù thì ai cũng căm thù. Không đi làm cách mạng cũng chưa hẳn sống, mình đi có chết nhưng cũng góp công sức để giải phóng quê hương”, bà giãi bày.

Ðất nước độc lập là niềm vui lớn, nhưng bên cạnh đó, cuộc sống vẫn lắm bộn bề gian khó. Bà lại tiếp tục vừa công tác vừa nuôi con. Năm 1980, bà là Bí thư Ðảng uỷ xã Biển Bạch. Năm 1991, bà nghỉ hưu.

“Hồi đó Chủ tịch, Bí thư xã không có lương. Vừa tham gia công tác vừa làm ruộng, chăn nuôi để có tiền lo cho gia đình. Vất vả vô cùng. Ði công tác vận động sản xuất, vận động bảo vệ Tổ quốc... phải lội bộ đến từng nhà. Những lúc hội nghị ở huyện mấy ngày, khuya là dậy cho heo ăn, 5 giờ chèo xuồng ra tới huyện dự họp; chiều chèo về, hôm sau lại đi... Thời khó khăn đó, một số đảng viên nam, nữ không cầm cự nổi đã nghỉ, tôi thì vẫn đeo đuổi. Tôi nghĩ, thời chiến tranh giặc giã, khó khăn cỡ nào còn trụ được, giờ phải kiên trì... Phải nối tiếp truyền thống cách mạng gia đình”, bà tâm tình.

Trải qua thời chiến tranh, với bao đạn bom, bao đau thương lấp đầy tuổi trẻ, tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 64 năm tuổi Ðảng, con cái cũng được học hành, chữ nghĩa đàng hoàng, với bà như vậy cũng thấy bằng lòng. Và cái giá lớn nhất là được hưởng cuộc sống thanh bình, không còn đạn lạc, bom rơi.

Ông Ba Kế và rất nhiều người lính Ðoàn Phương Ðông ngày nào, bây giờ đã về với đất. Và dĩ nhiên còn rất nhiều câu chuyện tình yêu, chuyện gia đình của những người lính Ðoàn Phương Ðông chưa được kể. Câu chuyện của ông bà Hoà nghe qua cũng bình thường, nhưng đằng sau đó, đọng lại những điều thật ý nghĩa về tình yêu và sự trở về quê hương chiến đấu của người lính; về nghị lực phi thường của người mẹ, người vợ trong nỗi mất mát đau thương bởi bom đạn chiến tranh. Ở đó còn có cái nghĩa vợ chồng thuỷ chung son sắt, có niềm tin vào ngày mai tươi sáng, có tình đồng chí, đồng đội một thời luôn ấm áp, yêu thương./.

 

Huyền Anh

 

Về căn cứ xưa, nghe kể chuyện chở che bộ đội đánh giặc...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Trê (thuộc ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) được chọn làm nơi đóng quân của Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Suốt 9 năm (1964-1973), căn cứ Xẻo Trê vẫn giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối, tạo sức mạnh để tấn công kẻ địch. Ðó là nhờ vào lòng dân luôn đùm bọc che chở, hết lòng vì cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khu căn cứ.

Nơi lý tưởng để giáo dục truyền thống

Di tích lịch sử cấp tỉnh “Cây me Rạch Gốc” (toạ lạc tại ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), địa điểm minh chứng cho truyền thống lịch sử của vùng đất Tân Ân, được chính quyền địa phương và người dân nơi đây trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị.

Biểu tượng bất tử

Đền thờ 10 Anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai uy nghiêm giữa lòng TP Cà Mau. Công trình là biểu tượng bất tử của truyền thống anh hùng cách mạng, trang sử vàng của vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Thư từ Vàm Lũng

Thư từ Vàm Lũng

Truyền thống anh hùng vinh quang tiếp nối

Trong tiết trời se lạnh mỗi độ xuân về, trong mỗi người con đất Việt luôn nguyên vẹn niềm vui, tự hào khi có Ðảng. Ðặc biệt hơn, bước sang năm 2025, đất nước ta đón sự kiện quan trọng là đại hội Ðảng các cấp, đây là dịp để Ðảng ta tiếp tục chọn ra những cán bộ, đảng viên ưu tú tham gia thực hiện trách nhiệm thiêng liêng vì mục tiêu: làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngôi trường Nhà Máy

Vừa rời khỏi lớp Giáo khoa của Nha Giáo dục Nam Bộ đào tạo giáo viên cấp tốc 3 tháng ở vàm Rạch Ráng (do Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Nha Giáo dục Nam Bộ làm Hiệu trưởng), tôi được chú Nguyễn Tạo, Trưởng ty Giáo dục Bạc Liêu, giao nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học ấp Nhà Máy, xã Khánh Bình Tây (gồm lớp Nhì A, lớp Nhì B, lớp Ba, lớp Tư, có trên 150 học sinh hết thảy). Hôm đó là ngày lịch sử vẻ vang của đất nước.

Các anh về với đất mẹ xứ Đầm

Anh Sáu Phước (Lê Hoàng Phước), nguyên Giám đốc VNPT Cà Mau, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, gọi điện cho tôi, giọng xúc động: “Tổ chức “Trái tim người lính” phục dựng và trao tặng lại di ảnh của 2 liệt sĩ Lê Tấn Tài và Lê Tấn Lộc, 2 người anh ruột của anh Sáu Phước, tại gia đình. Em liên hệ đoàn theo chuyến này để cùng mọi người đón các anh về với gia đình, với quê hương Đầm Dơi sau mấy chục năm trời”.

Mạch nguồn giáo dục kháng chiến

Nhìn vào lịch sử cách mạng của vùng đất Cà Mau trong thời đại Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy những điều rất đặc biệt về giáo dục trong kháng chiến. Sự nghiệp giáo dục những thế hệ “hạt giống đỏ” cách mạng kế cận luôn là công việc hệ trọng mà Bác Hồ và Ðảng ta luôn đặc biệt quan tâm gắn liền với mục tiêu thiêng liêng của sự nghiệp cách mạng là chiến thắng giặc thù, giành lại hoà bình, thống nhất và xây dựng, phát triển đất nước. Xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Cà Mau trở thành chiếc nôi giáo dục kháng chiến Nam Bộ và đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh được giao phó.

Hẹn một ngày về

Từ nhiều tháng trước, các cựu học sinh miền Nam (HSMN) ở TP Hồ Chí Minh đã háo hức hẹn nhau cùng về Sông Ðốc - Cà Mau, dự Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, dù trong số ấy không phải ai cũng ra đi từ bến Sông Ðốc. Về với Sông Ðốc - Cà Mau, về với sự kiện mà 70 năm trước được xem là mốc khởi nguồn của các trường HSMN trên đất Bắc, với các cựu HSMN, thêm một lần nữa được tắm mình trong ký ức buồn vui của quãng đời tuổi thơ vắng mẹ, thiếu cha đầy khắc khoải nhớ thương, nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Tri ân Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ngày 23/11 hằng năm không chỉ là ngày kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ - mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà còn là ngày sinh của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.