(CMO) Năm 2020, Phòng NN&PTNT huyện U Minh triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn tại Khóm 2, thị trấn U Minh. Qua hơn 5 tháng triển khai, đến nay mô hình bước vào giai đoạn thu hoạch. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất, cộng với việc sử dụng giống lúa chất lượng cao nên hầu hết các hộ thực hiện đều đạt năng suất khá.
Mô hình được triển khai trên diện tích 119 ha, có 58 hộ tham gia. Mỗi héc-ta được hỗ trợ 60 kg lúa giống ST24, phân lân, vôi, các loại chế phẩm, thuốc trừ sâu sinh học trong suốt quá trình thực hiện. Tổng nguồn vốn đầu tư 1 tỷ 515 triệu đồng, trrong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 557 triệu đồng, còn lại đối ứng trong dân.
Trong suốt quá trình thực hiện, người dân còn được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, có kỹ sư hướng dẫn cụ thể từng giai đoạn phát triển của lúa. Nhờ vậy, mô hình mang lại hiệu quả cao, năng suất lúa đạt trung bình từ 25-30 giạ/công, nhiều hộ năng suất đạt 35 giạ/công.
Lúa cho năng suất trung bình từ 25-30 giạ/công.
|
Lúa cho năng suất trung bình từ 25-30 giạ/công. |
Ông Võ Thanh Bình, ở Khóm 2, thị trấn U Minh, tham gia thực hiện mô hình trên diện tích 2 ha. Nhờ được kỹ sư hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, gieo cấy tập trung, bón phân cân đối nên diện tích lúa của ông Bình phát triển khá tốt. Tỷ lệ gây hại của sâu bệnh thấp nên hạn chế số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, từ đó chi phí sản xuất giảm từ 25-30% so với canh tác truyền thống.
Ông Võ Thanh Bình chia sẻ: “Nhờ làm đồng loạt nên giảm được phần nào ảnh hưởng của đợt ngập lụt vừa qua. Từ đó, mô hình mang lại hiệu quả tương đối khá, diện tích lúa của tôi đạt trung bình từ 25-30 giạ/công. Kết quả này từ trước đến giờ chưa năm nào tôi thực hiện được. Tôi rất phấn khởi nên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện ở vụ mùa năm sau”.
Hộ ông Lê Trung Ðề cũng là một trong những hộ tham gia mô hình, cho biết: "Ðể sản xuất đạt hiệu quả tôi đã thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Từ khâu rửa mặn, làm đất cho đến xuống giống, bón phân, phun thuốc tôi đều thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn. Nhờ vậy, diện tích lúa của gia đình tôi phát triển nhanh, đẻ nhánh tốt, trổ bông dài, chắc hạt, năng suất đạt khá cao".
“Tôi thực hiện mô hình lúa - tôm nhiều năm nhưng chưa năm nào kết quả cao như năm nay, hơn 30 giạ/công. Không chỉ vậy, việc thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn còn mang lại rất nhiều lợi ích, như ít bón phân, phun thuốc, nhờ vậy sức khoẻ của tôi được đảm bảo, chi phí sản xuất giảm, tăng lợi nhuận hơn mọi năm”, ông Ðề phấn khởi cho biết thêm.
Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh Dương Chí Linh nhận xét: “Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn thực hiện thành công là cơ sở để tổ chức lại sản xuất theo loại hình liên kết hộ nông dân. Liên kết sản xuất khép kín đồng bộ, đầu tư chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất giúp người dân nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất. Thông qua thực hiện chung quy trình sản xuất sẽ tạo ra hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường, tạo sự đột phá về tổ chức sản xuất lúa hữu cơ trong những năm tới. Qua đó, góp phần phát triển các ngành hàng chủ lực, thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện U Minh nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung”./.
Quang Phúc