(CMO) Cua biển là đối tượng nuôi truyền thống có giá trị kinh tế và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Ðặc biệt, với điều kiện đặc thù vùng ngập mặn, phù sa bồi lắng, con cua ở Cà Mau nổi tiếng ngon nhất cả nước. Thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, cộng với kinh nghiệm nuôi cua từ thực tiễn, người dân đã ứng dụng một số kỹ thuật nuôi cơ bản, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả.
Tại ấp Tân Phong, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước có Tổ hợp tác (THT) nuôi tôm cua cải tiến duy trì hiệu quả trong nhiều năm qua. Ông Trần Văn Hoài, thành viên THT, cho biết: "Với 20 công đất vuông, tôi áp dụng mô hình nuôi tôm, cua 2 giai đoạn, cải tiến theo hình thức bao ví dưỡng tôm giống, kết hợp cho ăn, tầm 15 ngày đến 1 tháng mới thả lan ra vuông. Tôi mua cua giống được thuần tại địa phương để chúng dễ thích nghi nguồn nước, môi trường. Khi cua 2 tháng tuổi, tôi tận dụng cá phi mồi cho cua ăn, cách 2 ngày cho ăn một đợt. Cách này giúp cua ở lại vuông, mau lớn, đạt hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây. Trong 3 tháng đầu năm, tôi thu nhập từ cua trên 50 triệu đồng".
Với mô hình nuôi cua cải tiến, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, ông Trần Văn Hoài thu được trên 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Ðoàn, ấp Tân Phong, cho biết, từ kinh nghiệm nuôi thực tiễn, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các ngành chức năng, hiện nay bà con nông dân nơi đây áp dụng hình thức nuôi cua cải tiến, mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống. "Với khoảng 10 công đất vuông, gia đình tôi thu về trên 100 triệu đồng/năm từ tôm, cua", ông Ðoàn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Ðoàn (bên trái) bắt cua giống từ trại về dèo, ương từ cua mê lên cua tiêu 1, không chạy ô xy, cho cua ăn tầm 10 ngày, khi cua khoẻ, thích nghi với nguồn nước thì ông thả ra vuông nuôi. |
Anh Bạch Trường Giang, công chức nông nghiệp xã Tân Hưng, cho biết, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà thu nhập người dân nâng lên đáng kể, nhất là từ mô hình nuôi tôm, cua. Ðối với nuôi cua, bà con trên địa bàn xã đã và đang áp dụng hình thức nuôi cải tiến, kiểm soát từ con giống đầu vào, theo dõi, bổ sung thức ăn cho đến khi thu hoạch, nhờ đó cua nhanh lớn, hiệu quả.
Ông Trương Văn Phúc, Tổ phó THT sản xuất thuỷ hải sản ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, cho biết: "Cùng với con tôm thì con cua mang lại thu nhập đáng kể, đôi khi còn cao hơn con tôm. Do đó, THT tạo điều kiện để thành viên tiếp cận áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản suất, nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi. Ngoài việc quan tâm nguồn giống đầu vào, kết hợp chăm sóc, bổ sung thêm thức ăn thiên nhiên trong quá trình nuôi, thành viên THT còn đặc biệt quan tâm giữ nguồn nước sạch (ít thay nước vuông tôm), hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm rủi ro cho cả con tôm và cua trong quá trình nuôi".
Hiện nay, diện tích nuôi cua toàn tỉnh trên 250 ngàn héc-ta, năng suất bình quân 100 kg/ha/năm, sản lượng ước tính 25 ngàn tấn/năm. Trong đó, diện tích nuôi tôm, cua chứng nhận sinh thái, hữu cơ và các loại chứng nhận khác trên 20 ngàn héc-ta, còn lại được nuôi theo phương pháp truyền thống trong vuông tôm. Con cua cũng là ngành hàng chủ lực của tỉnh (chỉ sau con tôm), do đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng vùng nuôi đạt chứng nhận sinh thái, hữu cơ; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, trích xuất được nguồn gốc: kiểm soát được từ đầu vào nguồn gốc con giống, cho đến môi trường nuôi... là điều cần thiết nhất hiện nay. Với giải pháp nuôi cải tiến, vừa giúp nông dân trong tỉnh nuôi cua đạt năng suất, hiệu quả, hạn chế rủi ro, vừa góp phần nâng cao uy tín, chất lượng con cua Cà Mau vốn nổi tiếng bấy lâu nay.
Loan Phương