(CMO) Năm 2022 đã khép lại, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 16% so cùng kỳ. Đặc biệt, mô hình sản xuất tôm - lúa của huyện Thới Bình vừa đạt thêm chứng nhận quốc tế ASC. đây được xem là tấm “Visa” để con tôm Cà Mau vươn mình ra thế giới. Với niềm vui này, cộng đồng doanh nghiệp và hàng trăm ngàn người nuôi tôm trong tỉnh như đang náo nức đón mừng mùa xuân mới.
Nghề nuôi tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 80% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Ngành tôm tạo sinh kế, thu nhập ổn định cho trên 50% dân số trong tỉnh, với gần 600.000 người, trong đó tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300.000 lao động.
Xuất khẩu thuỷ sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. |
Ða dạng các mô hình nuôi
Cà Mau là một trong những tỉnh, thành phố có diện tích nuôi thuỷ sản lớn nhất trong cả nước, khoảng 302.000 ha. Trong đó, có trên 282.000 ha nuôi tôm với mô hình thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp, tôm - lúa và tôm - rừng. Sản lượng tôm nuôi hàng năm đạt trên 205.000 tấn, chiếm 22% sản lượng tôm nuôi trong cả nước.
Nếu như năm 2016, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của tỉnh chỉ có 175 ha thì hiện nay đã tăng lên hơn 4.322 ha, với 4.498 hộ nuôi theo các quy trình ứng dụng công nghệ cao. Diện tích nuôi đạt hiệu quả trên 85%, đóng góp khoảng 30-40% vào tổng sản lượng tôm nuôi của tỉnh.
Ông Ðặng Hải Ðăng, thành viên Hội quán nuôi tôm năng suất cao xã Hoà Thành, TP Cà Mau, chia sẻ, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao kiểm soát được môi trường nước, hạn chế dịch bệnh, phù hợp cả quy mô nuôi nông hộ lẫn quy mô trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðặc biệt, quy trình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc gồm 2 giai đoạn; giai đoạn 1, tôm được nuôi trong nhà lưới từ 20-25 ngày với mật độ khoảng 1.000-3.000 con/m2; giai đoạn 2, tôm được chuyển qua ao nuôi ngoài trời. Cách nuôi này tôm nhanh lớn, giảm thiểu chi phí thức ăn, nuôi tôm sạch, không sử dụng hoá chất, không sử dụng kháng sinh theo quy trình VietGAP, tôm bán được giá cao.
Nông dân có sự năng động, chuyển đổi cách thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết; từ sản phẩm thông thường lên sản phẩm chất lượng cao. Ông Trần Văn Tính, Ấp 9, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, cho biết, năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Trí Lực liên kết với Công ty TNHH Xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú tham gia ký hợp đồng thực hiện mô hình sản xuất lúa - tôm theo tiêu chuẩn ASC. Qua hơn 4 năm thực hiện, có 252 hộ dân, với diện tích gần 565 ha sản xuất tôm - lúa đạt chứng nhận quốc tế ASC. Theo ông Tính, chứng nhận ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thuỷ sản được nuôi có trách nhiệm, giảm tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Chứng nhận ASC đưa sản phẩm thuỷ sản an toàn từ vùng nuôi ra thị trường. Ðồng thời hạn chế tối đa các tác động về môi trường và xã hội.
Ngành hàng tôm đã thành lập nhiều chuỗi liên kết giá trị, bước đầu được các tổ chức quốc tế cấp giấy chứng nhận VietGAP, ASC, B.A.P, Selva Shrimp. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Ðể phát triển nghề nuôi thuỷ sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, thời gian qua, tỉnh đã thành lập nhiều chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó, xây dựng được nhiều vùng nuôi tôm có chứng nhận trong nước và quốc tế (VietGAP, ASC, B.A.P, Selva Shrimp... dễ dàng thâm nhập vào các siêu thị, nhà hàng cao cấp tại các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật và EU. Trong đó, tiêu biểu là chuỗi liên kết sản xuất nuôi tôm sinh thái và tiêu thụ sản phẩm tôm - rừng, tôm hữu cơ, tôm - lúa của Công ty TNHH Xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú, Seanamico, Camimex Group, Công ty Chế biến Thuỷ sản xuất khẩu Thanh Ðoàn…, đưa mặt hàng tôm Cà Mau có ở 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nói cách khác, con tôm đạt các chứng nhận trong nước và quốc tế như: ASC, B.A.P, GlobalGAP, Naturland... chính là tấm giấy thông hành đến với các FTA. Mặt Khác, khi con tôm đạt các chứng nhận này, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp người nuôi và doanh nghiệp bán được với giá cao, ổn định và sản xuất bền vững, cần được nhân rộng trong thời gian tới, ông Bằng cho biết.
Ông Bằng cho biết thêm, toàn tỉnh hiện có khoảng 800 trại sản xuất và ươm dèo con giống, 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, với công suất thiết kế trên 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm, được trang bị công nghệ hiện đại so với khu vực và trên thế giới.
Toàn tỉnh có hơn 280.000 ha nuôi tôm, trong đó hơn 37.000 ha sản xuất tôm - lúa, tạo ra nhiều sản phẩm sạch, được người tiêu dùng đón nhận. |
Lực đẩy từ các hiệp định thương mại tự do
Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP… Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết, thời gian qua, việc đàm phán và ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại quan trọng đã mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tạo động lực mới cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân.
Ðiều này thể hiện rõ kim ngạch xuất khẩu năm nay ước đạt 1,3 tỷ USD, vượt 13% kế hoạch, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Hiện nay, ngoài các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết với các đối tác, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang tiếp tục đàm phán, thoả thuận ký kết cho các giai đoạn tiếp theo.
Ngoài công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, năm 2023 tỉnh sẽ tổ chức Festival tôm. Ðây là cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…, góp phần kết nối giao thương trong nước và xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản. Ðặc biệt, tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số, mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain... truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm thuỷ sản... Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, nền tảng số.
Ðạt được thành quả đó, ngoài sự điều hành linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả của các cấp chính quyền địa phương, còn có sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực duy trì ổn định các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường mới, có đơn hàng tăng so với cùng kỳ như: thị trường EU tăng 40,9%, Australia tăng 85,2%, Canada tăng 22,7%, Hàn Quốc tăng 14,1%… Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh tăng cao không chỉ giúp doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn mà còn bổ sung nguồn thu ngân sách của địa phương./.
Trung Đỉnh