(CMO) Ðến nay, tỉnh Cà Mau đã công nhận 128 sản phẩm OCOP của 61 chủ thể, 6 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm đạt 3 sao. Số lượng sản phẩm đạt 4 sao trên địa bàn tỉnh vẫn còn tương đối thấp. Qua rà soát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến đề xuất hỗ trợ 22 chủ thể với 49 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sao. Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, vai trò của chị em phụ nữ nông thôn được đánh giá cao.
Có 5 đơn vị cấp huyện (gồm TP Cà Mau, huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, U Minh, Năm Căn) đăng ký 11 sản phẩm của 8 chủ thể tham gia dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao.
Nhiều mô hình hay
Thông qua các kênh hoạt động của Hội LHPN đã tuyên truyền, vận động hàng triệu lượt phụ nữ nâng cao nhận thức về vai trò của mình trong phát triển kinh tế, tạo thu nhập, làm giàu cho bản thân và gia đình. Nhiều phụ nữ đã nhạy bén, linh hoạt nắm bắt các cơ hội, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, kết nối chặt chẽ với tổ chức hội, với các cơ quan chuyên môn mạnh dạn hiện thực hoá nhiều ý tưởng, vươn lên khởi nghiệp, kinh doanh thành công từ các nguồn tài nguyên bản địa của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời (bên phải) tham quan vườn ổi của hội viên ở xã Khánh Hải, mô hình được định hướng xây dựng sản phẩm OCOP năm nay. |
Chị Ðặng Thị Thuý, hộ kinh doanh Chín Thuý (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) cho biết: "Từ khi bước vào sân chơi OCOP đến nay, cơ sở được tham gia rất nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Và cũng từ đó, hình ảnh của cơ sở được nhiều đối tác biết đến; đơn hàng liên tục tăng. Cơ sở đã tự hoàn thiện về mọi mặt, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm một cách tốt nhất".
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuý, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chia sẻ: "Phát huy vai trò tổ chức Hội LHPN là điểm tựa, là cầu nối dẫn dắt quan trọng trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, thời gian qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, nâng cao hiểu biết của phụ nữ về các chủ trương, chính sách, pháp luật về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; tìm kiếm ý tưởng, thúc đẩy hỗ trợ hiện thực hoá các ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo. Ðồng thời, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp mới thành lập do nữ làm chủ, tham gia quản lý; tổ chức các hoạt động tôn vinh, truyền cảm hứng khởi nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại.
Tận dụng tiềm năng - Phát huy vai trò hội viên
Phụ nữ Cà Mau ngày càng thể hiện rõ bản lĩnh, vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà và vị thế của phụ nữ. “Tuy phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở Cà Mau đạt nhiều tiến bộ hơn so với trước, nhưng hiện phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại không nhỏ như: Phần lớn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình); sản phẩm sản xuất còn theo cách thủ công, thô sơ, thiếu ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sức cạnh tranh thấp; kiến thức về phát triển kinh tế, về thị trường, tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số còn hạn chế; còn gặp nhiều khó khăn trong điều hành, quản lý, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi, tìm kiếm khách hàng, xây dựng các mối quan hệ đối tác”, chị Nguyễn Thị Ngọc Thuý cho biết thêm.
Nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trong đó đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tham gia phát triển kinh tế tập thể, chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, chị Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Hội LHPN các cấp chủ động tham mưu với các cấp uỷ đảng, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan ủng hộ, đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình thành các phong trào khởi nghiệp lớn mạnh trong các tầng lớp phụ nữ ở các địa phương. Duy trì và phát huy hiệu quả mô hình Quán cà phê khởi nghiệp, không gian làm việc chung mà Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ thành lập trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Qua đó, để chị em có thêm kênh xúc tiến thương mại, trao đổi, nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, kinh doanh, phát triển kinh tế”.
Hội LHPN sẽ chủ động kết nối với các cơ quan chuyên môn tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng khởi nghiệp, phát triển kinh tế theo mô hình hợp tác xã, quản trị cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã; các chính sách hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước, xây dựng bao bì, nhãn mác, thương hiệu; kiến thức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh… Hướng dẫn, hỗ trợ chị em viết các ý tưởng, dự án tìm kiếm đầu tư để thực hiện. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh (kể cả nghiên cứu để hỗ trợ chị em ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bán hàng, kinh doanh sản phẩm). Tư vấn, kết nối hỗ trợ chị em tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh, mở rộng sản xuất (đối với các mô hình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nữ làm chủ).
“Hội sẽ cập nhật thông tin, tìm hiểu về thị trường và sản phẩm, nắm bắt bắt xu thế, cơ hội, xây dựng tìm kiếm các mối liên doanh, liên kết tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho chị em. Ðối với các sản phẩm, mô hình kinh tế của chị em, cần chú trọng xây dựng, cải tiến chất lượng, mẫu mã, bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm (đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng QR code, mã vạch, viết câu chuyện sản phẩm, chứng nhận sản phẩm OCOP và các chứng nhận khác)… Cam kết sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, uy tín”, chị Trần Thị Kiều Yến tâm huyết./.
Phú Hữu