(CMO) Cuối tháng 3, tình trạng cua chết trên diện rộng kéo dài, dù đã được ngành chức năng vào cuộc làm rõ, thế nhưng dư âm để lại khiến người nuôi cua hết sức dè dặt. Một phần do lo sợ chất lượng cua giảm, phần lo thiệt hại, nên đến nay đa phần các hộ chỉ thả cầm chừng, số lượng con giống thả xuống ao, đầm giảm hơn 50%.
Xã Ðất Mới, huyện Năm Căn có diện tích tự nhiên hơn 6.814 ha, trong đó nuôi thuỷ sản chiếm hơn 5.773 ha, chủ yếu là nuôi tôm, cua, sò huyết.
Gắn bó với nghề nuôi tôm, cua hơn 20 năm nay, đây là lần đầu tiên anh Ngô Văn Két (ấp Ông Chừng, xã Ðất Mới) thấy cua chết nhiều đến vậy. Diện tích hơn 2.800 m2, nuôi tôm và cua, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ ngày xuất hiện bệnh lạ trên cua, cua chết, gia đình không chỉ mất nguồn lợi lớn mà ngay cả việc kinh doanh đan lợp, lú cũng trì trệ.
Ðể xoay chuyển tình thế, anh Két cùng vợ chuyển sang nghề quay chậu kiểng. Cùng với đó là cải tạo lại ao, đầm, rải vôi, diệt khuẩn. Anh thả nuôi với số lượng ít, thay vì 3.000 con giống như thường lệ thì chỉ thả 1.000 con để quan sát tình hình.
Anh Két ngao ngán: “Giờ nuôi cầm chừng tới đâu hay tới đó. Tôi cải tạo vùng nuôi rồi mà không hiểu sao cua hơi trọng tý là chết. Không chỉ nhà tôi mà mấy hộ lân cận cũng vậy”.
Chủ tịch UBND xã Ðất Mới Trần Văn Phim cho biết: “Mặc dù nguồn cua thương phẩm hiện nay khan hiếm, nhưng giá lại giảm sâu. Thương lái thu mua trữ lại cầm cự do tình trạng xuất khẩu hẹp đầu ra vì dịch Covid-9, nhất là các lô hàng xuất sang Trung Quốc, Singapore giảm mạnh. Mặt khác, các điểm nhà hàng, quán ăn tiêu thụ kém do ảnh hưởng dịch bệnh, giãn cách xã hội. Tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2021, nguồn thu từ cua giảm mạnh, đơn cử như con nước gần nhất tại xã Ðất Mới, giảm khoảng 80% sản lượng”.
Anh Mã Văn Lén (ấp Ông Chừng, xã Ðất Mới) có thâm niên hành nghề lái cua hơn 20 năm, chia sẻ: “Tôi thu mua cua ở các ấp và xã lân cận, mấy tháng nay đi hộ nào cũng lắc tay không có cua để bán. Trước đây, mỗi ngày tôi thu mua từ 15-20 triệu đồng tiền cua, giờ chỉ vài trăm ngàn đồng, mà toàn cua xô. Có khi về chưa tới nhà là chết, mất luôn tiền vốn. Chạy riết lỗ tiền xăng nên khoảng 2 tháng nay tôi dừng thu mua, chỉ khi có chủ vuông gọi thì mới đi, mà số lượng cũng không nhiều”.
Vuông tôm của hộ anh Mã Văn Lén thất thu do lượng cua hao hụt. |
Còn anh Mã Xuân Hoặc, ngụ ấp Ông Chừng, xã Ðất Mới, do thu mua lượng lớn nên phương tiện chuyên chở bằng vỏ cỡ lớn. “Hổm nay cua ít, mất giá, cân “phiêu lưu” quá nên tôi cân tôm là chính, nhưng giá cả giảm trên dưới 50.000 đồng/kg. Chẳng hạn như tôm sú loại 20 con kg, lúc trước có giá 250.000 đồng thì nay còn 190.000-200.000 đồng. Sản lượng cũng tuột, hễ vô con nước, mỗi ngày ít gì cũng cân vào 200 kg tôm thì nay hơn 100 kg là cùng”.
Hải sản rớt giá, vậy mà giá hàng hoá, vật tư, nguyên liệu... đổ xô tăng. Ðể có nguồn thu trang trải sinh hoạt, anh Két vốn chỉ làm chậu để trồng kiểng chơi thì nay tính đến chuyện làm chậu để bán. Còn anh Lén thì tận dụng chiếc vỏ lãi để hành nghề chạy đò, tìm mọi cách vượt qua khó khăn hiện tại.
Theo kế hoạch, trong tháng 9, tiếp nối sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến”, tại huyện Năm Căn sẽ diễn ra Ngày hội Cua Năm Căn, gắn với văn hoá ẩm thực Cà Mau. Tại hoạt động sẽ trưng bày các sản phẩm OCOP cùng hội thi ẩm thực các món ngon từ cua, đồng thời trao chứng nhận kỷ lục Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam “Cua Năm Căn Cà Mau”.
Với tình hình hiện tại, lượng cua không đảm bảo, địa phương rất quan ngại trong việc tìm nguồn nguyên liệu để ngày hội diễn ra trọn vẹn./.
Ngô Nhi