Mắc dị vật tai mũi họng (TMH) thường gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là trẻ em. Ðặc biệt, trẻ em hay tinh nghịch, hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh nên thường có thói quen nhét vật lạ vào mũi, tai, hay ngậm các vật nhỏ vào miệng, dễ sặc vào phổi... Một số trường hợp do bất cẩn trong chế biến thức ăn, trẻ dễ bị hóc xương. Dị vật TMH ở trẻ em nếu không được phát hiện, chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ gây các biến chứng khôn lường.
Bác sĩ CKII Trần Trung Kiên, Trưởng liên Chuyên khoa Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, thông tin, dị vật TMH thường có những triệu chứng tuỳ theo vị trí dị vật: dị vật tai có triệu chứng đau tai, ù tai, chảy máu tai (dị vật sống), chảy mủ tai (dị vật để lâu); dị vật mũi thường có các triệu chứng như đau mũi, nghẹt mũi, chảy mũi một bên, mũi có mùi hôi (thường dị vật đã lâu); dị vật họng - thực quản với các triệu chứng như đau họng, nuốt vướng, nuốt đau, nuốt nghẹn, không ăn uống được, trẻ nhỏ thường quấy khóc. Ðặc biệt, đối với dị vật đường thở, trẻ thường có các triệu chứng ho thành cơn, tím tái, thở khò khè, khó thở. Ðối với các trường hợp dị vật nhỏ không gây triệu chứng, hoặc khi mắc dị vật trẻ không báo với cha mẹ, được phát hiện tình cờ qua khám TMH.
Bác sĩ nội soi gắp dị vật xương cá cho trẻ.
Thông thường các trường hợp dị vật TMH được bác sĩ chuyên khoa TMH phát hiện, có trường hợp được lấy dị vật dễ dàng, không để lại biến chứng. Tuy nhiên, các dị vật để lâu, trẻ không hợp tác, cần phải gây mê để lấy dị vật. Có trường hợp phải được xử trí cấp cứu, thậm chí cấp cứu khẩn cấp như dị vật đường thở, dị vật thực quản, dị vật họng. Nếu không được xử trí đúng và kịp thời, dị vật TMH có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng trẻ như viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa thủng nhĩ, viêm xương chũm, viêm mũi xoang mủ, chảy máu mũi, áp xe cạnh cổ, áp xe trung thất, viêm phổi, áp xe phổi...
Theo Bác sĩ Trần Trung Kiên, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý 225 ca dị vật TMH, nội soi lấy dị vật thành công 100%. Trong đó, có 57 ca gây mê lấy dị vật, đây là các trường hợp dị vật phế quản phổi, dị vật thực quản, dị vật hạ họng, trẻ không hợp tác... "Ðặc biệt, cuối tháng 10 vừa qua, Bệnh viện Sản - Nhi tiếp nhận và cấp cứu thành công một trường hợp bé trai 9 tuổi bị dị vật phế quản phổi phải. Tôi cùng ê kíp trực tiếp thực hiện gây mê, nội soi ống cứng gắp dị vật là răng do nhổ răng vô tình sặc vào phổi", Bác sĩ Kiên cho biết thêm.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng tránh dị vật TMH, cần tuyên truyền cho các bậc cha mẹ, người nuôi giữ trẻ cách phát hiện dị vật TMH, thận trọng trong khâu chế biến thức ăn; không cho trẻ ăn nhanh, ăn vội, cười đùa trong khi ăn; các vật dụng, đồ chơi của trẻ khi cho trẻ chơi phải kiểm tra, đếm lại và cất giữ cẩn thận; những vật dụng đồ chơi không sử dụng phải vứt đi. Khi trẻ mắc dị vật TMH, không được tự ý móc, dùng các biện pháp dân gian như cúng vái, mượn người sinh ngược cào xương, mà phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, hạn chế biến chứng do dị vật gây ra./.
Loan Phương