(CMO) Cơ cấu lại các ngành hàng, giống, mùa vụ… để không chỉ phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, từng vùng sản xuất mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu gắn kết với thị trường tiêu thụ... là những nỗ lực mà ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai quyết liệt để tiến tới mục tiêu chuyển từ nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp.
Nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh được phân chia thành 23 tiểu vùng, kèm theo các tiểu vùng là một quy hoạch hệ thống thuỷ lợi khép kín. Tuy nhiên, đến nay việc đầu tư thuỷ lợi khép kín vô cùng khó khăn.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, khó khăn lớn nhất trong đầu tư hệ thống thuỷ lợi phục sản là kinh phí. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục kiến nghị Trung ương hỗ trợ cũng như tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư hạ tầng thuỷ lợi theo quy hoạch.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 188 cống trên các tuyến đê sông, đê biển. Đây là những cống được đầu tư cơ bản. Từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác tiêu úng, xổ phèn phục vụ sản xuất của người dân, đặc biệt thấy rõ ở vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau thuộc huyện Trần Văn Thời. Ngoài ra, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 147 tuyến đê bao, bờ bao đã được xây dựng với tổng chiều dài hơn 946 km. Trong đó, đê bao có năng lực chống tràn triệt để 149 km, còn lại khoảng 796 km chống tràn thời vụ. Hệ thống đê bao này hiện bảo vệ được khoảng 102.985 ha.
Cà Mau đã xây dựng 188 cống trên các tuyến đê sông, đê biển nhằm ngăn mặn, triều cường, xổ phèn. |
Tuy vậy, đánh giá về hiện trạng đê bao, bờ bao, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định, hiện trạng và cả chiều dài đê bao, bờ bao hiện có chỉ đáp ứng nhu cầu điều tiết nước và ngăn triều cường cục bộ một số khu vực, chưa đáp ứng nhu cầu ngăn triều cường và bảo vệ sản xuất cho địa bàn toàn tỉnh. Thực tế, các đê bao, bờ bao hiện có bề rộng và chiều cao chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế, chưa mang tính lâu dài. Để đảm bảo mang tính lâu dài các tuyến đê bao, bờ bao này cần được đầu tư nâng cấp.
Hệ thống sông ngòi chằng chịt với tổng chiều dài hơn 10.000 km là một điều kiện thuận lợi trong sản xuất nhưng cũng tạo ra không ít khó khăn. Khó khăn dễ thấy nhất chính là việc đầu tư hạ tầng thuỷ lợi và hạ tầng giao thông để phục vụ sản xuất. Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đánh giá, phát triển hạ tầng giao thông, các công trình dự án phòng chống thiên tai, phục vụ sản xuất… hiện nay tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn đến từ điều kiện tự nhiên do quá nhiều kênh rạch. Cùng với đó, tỉnh không có nguồn vật tư tại chỗ nên giá trị đầu tư cao, trong khi Cà Mau là tỉnh khó khăn về thu ngân sách, hiện nay thu chưa đạt 50% giá trị chi.
Hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh trong khi đó biến đổi khí hậu ngày một tác động rõ rệt hơn, nước biển dâng ngày một cao như hiện nay thì diện tích có nguy cơ ngập ngày một lớn hơn. Thiên tai đã để lại những thiệt hại to lớn về của cải cả về người trên địa bàn tỉnh là một thực tế đã diễn ra trong những năm gần đây. Do đó, việc cơ cấu lại từng ngành, đẩy mạnh liên kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng là một hướng đi tất yếu hiện nay.
Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, đưa kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế toàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững, tỉnh đã ban hành kế hoạch “Lập quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch là hướng đi chủ lực của tỉnh hiện nay. |
Theo đó, sẽ có 36 nội dung trên tất cả các lĩnh vực dự kiến được đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Cụ thể, có nhiều quy hoạch liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, như quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải kết hợp với phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; phát triển ngành nông - lâm - ngư nghiệp tỉnh; phát triển thuỷ lợi, đê điều và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, gắn liền với phương án phát triển cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá và hạ tầng phát triển giống và nuôi thuỷ sản….
Cá chình, cá bống tượng - sản phẩm đặc trưng vùng đất Tân Thành, TP Cà Mau đang tiếp tục được nhân rộng. |
Đó là những quy hoạch, phương án không chỉ để thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn đạt được các chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh đã đặt ra: GRDP giai đoạn 2021-2025 bình quân tăng 6,5-7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 77 triệu đồng; cơ cấu ngư, nông, lâm nghiệp chiếm 28,7%; công nghiệp, xây dựng chiếm 35%; dịch vụ chiếm 32,5%…
Trên lĩnh vực nông nghiệp, ngành đã và đang tiếp tục tập trung quy hoạch và đầu tư theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến xây dựng liên kết chuỗi giá trị bền vững thông qua việc tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại... Để từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường với những sản phẩm chất lượng sản phẩm hữu cơ, nông nghiệp sạch./.
Nguyễn Phú