(CMO) Hiện nay tình hình phát triển kinh tế tập thể gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ nhằm giúp cho chuỗi liên kết thực sự đi vào thực chất và mang tính bền vững. Với hơn 961 tổ hợp tác (THT) và 199 hợp tác xã (HTX), trong đó đa phần hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề liên kết chuỗi luôn là sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Ðã có sự quan tâm nhiều hơn
Nói về tình hình phát triển kinh tế tập thể gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Minh Ái, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, đánh giá: "Nhận thức của chính quyền địa phương, HTX, người sản xuất đã được nâng lên, đặc biệt chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn hỗ trợ tốt hơn cho HTX phát triển, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp thực hiện khâu liên kết". Một vấn đề tích cực được ông Ái đưa ra đó là: “Vai trò quan trọng của chuỗi liên kết đã chứng minh qua đợt dịch Covid-19, không bị đứt gãy nếu có liên kết tốt; lợi nhuận của nông dân tham gia chuỗi liên kết được đảm bảo. Các HTX đã ý thức được vai trò nòng cốt của mình trong liên kết chuỗi”.
Hiện nay chính sách hỗ trợ HTX bước đầu thúc đẩy được liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ở một số HTX đạt được kết quả tốt. Trong đó, điển hình là đã xây dựng được 4 nhãn hiệu gạo địa phương: gạo Toàn Tâm, gạo Từ Tâm, gạo Hoàng Yến và gạo Ông Muộn.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các thành viên HTX hướng đến phát triển sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX TMDV nuôi trồng thuỷ sản Cái Bát (HTX Cái Bát), xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, cho biết: “HTX đã có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Hiện nay thu nhập người lao động từ 5-6 triệu đồng/tháng. Chúng tôi thực hiện bao tiêu hết nguyên liệu tôm, cua, cá cho các thành viên HTX với giá cao hơn 5% so với giá thị trường tại thời điểm thu hoạch, qua đó đảm bảo lợi nhuận cho các thành viên. Hiện chúng tôi đang mở rộng liên kết với các THT, HTX khác”.
Niềm vui của nông dân xã Trí Lực, huyện Thới Bình, khi được mùa tôm càng xanh trên ruộng lúa. |
Một điểm đáng chú ý là HTX Cái Bát liên kết chặt chẽ với các thành viên, có hợp đồng tiêu thụ rõ ràng, giá luôn cao hơn thị trường và sau khi thu hoạch thì chia sẻ lợi nhuận minh bạch nên đã tạo được vùng nguyên liệu ổn định. Ông Nguyễn Hoàng Ân cho biết thêm: “Hiện nay HTX tham gia làm thành viên của Liên hiệp HTX Nông nghiệp và tổ chức kết nối với tất cả chủ thể OCOP trong tỉnh nhằm trưng bày, tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh, và ngược lại, kết nối với một số liên hiệp HTX của các tỉnh, thành như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Quảng Ninh… nhằm trao đổi hai chiều sản phẩm OCOP của nhau, và điều này bước đầu cho thấy hiệu quả khi thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của HTX Cái Bát cũng như các sản phẩm khác của tỉnh được mở rộng hơn”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là trong số rất nhiều HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp thì chỉ có một số ít chuỗi liên kết lúa gạo hoạt động khá. Trong khi những HTX sản xuất chuối, rau màu hiện vẫn chưa tạo được chuỗi liên kết. Nhiều HTX chưa tìm được doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ đầu ra. Thực tế đa phần HTX không chủ động đàm phán mà chủ yếu đóng vai trò cầu nối cung ứng giống, vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm đầu ra, từ đó hiệu quả hoạt động cũng như lợi nhuận mang đến cho các thành viên còn thấp.
Vấn đề cũng phát sinh từ phía doanh nghiệp, khi số lượng tham gia chuỗi liên kết còn quá ít và hầu hết khi tham gia cũng dừng ở mức thương thảo, thuận mua vừa bán, chưa có cơ chế rõ ràng trong phân chia lợi nhuận, rủi ro với người sản xuất, dẫn đến liên kết không bền vững. Ông Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn tôm điều chỉnh tăng 4 lần nhưng hiện nay giá tôm đang ở mức thấp. Vì vậy, nếu trong quá trình nuôi, rủi ro xảy ra ở tôm loại 100 con/kg trở lên thì người nuôi bị lỗ. Người nuôi đa phần chịu thiệt vì không có cơ chế bao tiêu, chia sẻ rủi ro rõ ràng”.
Cần có cơ chế cụ thể
Theo ông Ðặng Ngọc Sơn, thành viên Hội đồng Quản trị, kiêm Phó tổng giám đốc Thường trực Công ty Camimex: “Vấn đề liên kết chuỗi cần sự liên kết trực tiếp, hai bên cùng có lợi sẽ dễ làm hơn. Doanh nghiệp hiện nay đang mong muốn diện tích nuôi tôm vùng Nam Cà Mau được cấp giấy chứng nhận quốc tế. Khi ấy doanh nghiệp bỏ tiền ra cho người dân xây dựng mô hình nuôi tôm sinh thái, đạt chứng nhận quốc tế và có cam kết đầu ra để hộ nuôi gắn bó với doanh nghiệp…”.
Ðể mô hình liên kết phát huy hết hiệu quả cũng như đi vào thực chất, ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nêu quan điểm: “Liên kết chuỗi ở nhiều lĩnh vực, tuỳ theo ngành nên có mô hình liên kết chuỗi khác nhau. Bên cạnh đó cần tuyên truyền nâng cao ý thức về vai trò, trách nhiệm của các bên. Hiện nông dân vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm sản xuất, cũng như chưa tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật... Trong liên kết còn tồn tại tình trạng nông dân có tâm lý ỷ lại, không tập trung nâng cao chất lượng”.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế địa phương, ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho rằng: “Phải củng cố vững chắc nền tảng HTX. HTX trên địa bàn xã Trí Lực đang liên kết rất có hiệu quả với doanh nghiệp. HTX có thiếu vốn, công ty sẵn sàng đầu tư vốn, cung cấp vật tư đầu vào, cuối năm HTX hoàn trả lại cho doanh nghiệp. Ðây là một hình thức liên kết khá tốt, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng đầu tư được như vậy, đây là một trong những lý do dẫn đến nhiều mô hình liên kết chưa phát huy hết hiệu quả”.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, khó khăn, hạn chế trong quá trình liên kết hiện nay là giá vật liệu, vật tư đầu vào. Chẳng hạn lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật tăng, đặc biệt phân bón tăng gấp 3 lần, làm gia tăng chi phí sản xuất; trong khi đó giá lúa hàng hoá không tăng dẫn đến giảm lợi nhuận của nông dân. Trong mô hình liên kết, lợi nhuận của nông dân tham gia giảm khoảng 10-15% so với các năm 2019, 2020.
Báo cáo đánh giá về vai trò của Sở NN&PTNT trong hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện. Ðó là, quá trình thực hiện liên kết chuỗi phải có sự tham gia tích cực của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX kết nối. Ðẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất trong khâu liên kết, đảm bảo tuân thủ yêu cầu của HTX và doanh nghiệp. Liên kết sản xuất phải đảm bảo lợi ích hài hoà của các bên, có sự chia sẻ khó khăn khi phát sinh ngoài ý muốn. Ðặc biệt, quá trình liên kết chuỗi giữa HTX với doanh nghiệp phải ký kết bằng hợp đồng có tính pháp lý phân rõ quyền, lợi ích, trách nhiệm của các bên. Trong đó, chính quyền địa phương phải tham gia làm đầu mối để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh giữa các bên.
Ðể thực hiện tốt liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ông Nguyễn Minh Ái nêu quan điểm: “Liên kết giữa doanh nghiệp và HTX cần thực hiện thông qua hợp đồng, có thiện chí hợp tác lâu dài, đồng thời các bên cần tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ, đảm bảo quyền và lợi ích của nhau. Ngành chức năng cần có cơ chế phối hợp và hỗ trợ tập trung đối với các HTX thực hiện mô hình về tư duy quản lý; cần phát huy tối đa nội lực, tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc phát triển kinh tế tập thể gắn với liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”./.
Ðặng Duẩn