(CMO) Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không chỉ đảm bảo đầu ra, góp phần quan trọng giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường, mà còn từng bước ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước hướng tới nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả.
Những tín hiệu khả quan
Dù còn nhiều hạn chế, nhưng trong những năm gần đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai nhiều liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng đi mới cho một số ngành hàng chủ lực của tỉnh. Tiêu biểu, đối với con tôm, trong năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ 7 công ty chế biến xuất khẩu thuỷ sản triển khai vùng nuôi tôm - rừng bền vững có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm - rừng với diện tích hơn 22.606 ha và 565 ha tôm - lúa ở huyện Thới Bình. Trong đó, đã được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP, Seafood Watch...
Hay trên ngành hàng lúa, đến hết năm 2022, cũng đã có 25 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo với sự tham gia của 10 công ty và 18 HTX, tổ hợp tác với diện tích 6.462,5 ha. Trong đó, lúa hữu cơ đạt trên 577 ha và đã có hơn 306 ha đạt tiêu chuẩn trong nước, 271 ha đạt tiêu chuẩn quốc tế NOP, EU và JAS; ngoài ra lúa an toàn và VietGAP có 5.885 ha được tổ chức sản xuất theo chuỗi.
Một ngành hàng chủ lực khác của tỉnh là gỗ cũng đã xây dựng, duy trì được 2 liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của HTX Vạn Lợi và Công ty Cổ phần đầu tư Thuý Sơn, với diện tích 128 ha, sản lượng hơn 26.000 m3 gỗ được tiêu thụ thông qua các hợp đồng liên kết.
Ðể từng bước đẩy nhanh hoạt động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn huyện, ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, từ các nguồn vốn như khuyến khích phát triển đất trồng lúa, khuyến nông, khuyến công và khoa học công nghệ... để hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện triển khai được trên 20 dự án liên kết, đặc biệt là các doanh nghiệp lúa gạo ngoài tỉnh. Các liên kết này khá toàn diện từ đầu vào cho đến tổ chức sản xuất và đầu ra sản phẩm.
Là một trong những HTX khá thành công thời gian qua trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của người dân thông qua các hình thức liên kết, ông Lương Hồng Thắm, Phó giám đốc Kinh doanh HTX Dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản Quyết Thắng (Ấp 3, xã Trí Phải, huyện Thới Bình), cho biết, HTX đã đứng ra và tìm kiếm những doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào với chất lượng tốt nhất, giá thành phù hợp nhất cho các xã viên cũng như bà con trong vùng. Cụ thể hiện tại 1 bao khoáng xử lý trong nuôi trồng thuỷ sản mà THX cung cấp cho người dân thấp hơn bên ngoài từ 15-20 ngàn đồng. Ngoài ra, hàng năm, HTX tiến hành tìm và liên kết với các công ty để sản phẩm đầu ra của xã viên được cao nhất có thể.
HTX Dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản Quyết Thắng cung cấp vật tư nông nghiệp, thuỷ sản cho xã viên với giá cả phù hợp.
Ðể sự liên kết bền chặt
Tuy đã đạt được những kết quả nhất định trong liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, nhưng ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn nhận, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, chưa đi vào chiều sâu, liên kết giữa các chủ thể tham gia thiếu bền vững. Cụ thể, việc liên kết tiêu thụ gỗ, mặt hàng chủ lực của tỉnh hiện cũng chỉ khoảng 6,32% diện tích khai thác của toàn tỉnh. Hay như sản phẩm lúa gạo hiện cũng chỉ khoảng 5,2% sản lượng được tiêu thụ thông qua hình thức liến kết.Theo kế hoạch phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2022-2025, tỉnh đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, đặc biệt là các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Cụ thể, thuỷ sản đạt tối thiểu 25%, lúa đạt từ 15-20%, chuối đạt từ 5-7% và rau màu đạt 3%, gỗ đạt 20% diện tích khai thác, heo xuất chuồng đạt 54% tổng đàn.
Mục tiêu đến năm 2025, ngành hàng gỗ được tiêu thụ thông qua liên kết đạt 20% diện tích khai thác.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trên địa bàn huyện, ông Lý Minh Vững chia sẻ, về liên kết, ngoài hợp đồng ký kết giữa các bên như doanh nghiệp và HTX thì cần có bên thứ 3 là UBND xã hay phòng NN&PTNT huyện. Việc này nhằm để theo dõi và giúp đỡ người dân, doanh nghiệp khi có phát sinh những vấn đề khó khăn. Ngoài ra, huyện chủ động mời doanh nghiệp cử đại diện tham gia vào Hội đồng quản trị của HTX để cùng điều hành, cùng tổ chức sản xuất và theo dõi, giám sát quy trình sản xuất của người dân để sản phẩm đạt yêu cầu cao nhất của doanh nghiệp và thị trường.
“Ngoài ra, trong hội nghị phát triển kinh tế tập thể, huyện cũng chủ động mời các doanh nghiệp có mối liên kết với huyện, cũng như các doanh nghiệp có tiềm năng để cùng ngồi lại, trao đổi thấu đáo những cái được, chưa được trong quá trình liên kết để tiến tới sự thống nhất và gắn kết hơn”, ông Vững chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, ông Bằng cho biết thêm, để hoạt động liên kết đi vào thực chất, có chiều sâu, tỉnh cũng đã xây dựng hàng loạt các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ nay đến năm 2025, dự kiến sẽ có hơn 45 hoạt động khác nhau từ công tác tuyên truyền; củng cố, thành lập mới HTX; giới thiệu kết nối các HTX với doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động các chuỗi liên kết sẵn có; xây dựng các chuỗi liên kết mới cho đến tổ chức hội thảo, đào tạo, tập huấn; xây dựng thương hiệu, nhãn hàng hoá, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ xúc tiến thương mại và tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm...
Liên kết là hướng đi tất yếu trong xu thế hội nhập. Việc liên kết chặt chẽ sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, HTX và người dân, từ đó việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả sẽ ngày một gần hơn./.
Nguyễn Phú