(CMO) “Xem việc ngăn chặn, loại bỏ tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo”, là một trong những nội dung quan trọng trong Văn bản số 81-CT/TW, ngày 20/3/2020, của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Theo đó, văn bản yêu cầu người đứng đầu các bộ, ban, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, tầng lớp Nhân dân và các tổ chức, cá nhân,… đảm bảo mọi người nắm chắc, hiểu rõ và tuân thủ triển khai thực hiện các giải pháp, quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Từ đó thống nhất về nhận thức và hành động, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp.
Đẩy te là một nghề cấm hiện nay cần được chuyển đổi. |
Liên quan đến hoạt động phối hợp trong quản lý hiệu quả hoạt động khai thác trên biển theo tinh thần của văn bản, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND, ngày 7/5/2020, về Quy định phối hợp khai thác, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Cà Mau. Theo đó, quyết định này nêu rõ, việc phối hợp phải bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, kịp thời, công khai, minh bạch trên cơ sở cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, việc phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức và cá nhân phải được chủ động, kịp thời, thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Nguyên tắc quan trọng trong phối hợp mà quyết định này yêu cầu là, xác định rõ cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp; trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị; thời hạn, cách thức thực hiện; chế độ trao đổi thông tin, trên cơ sở cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về giám sát hành trình tàu cá, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, thống nhất giải quyết trên cơ sở thẩm quyền được giao. Nếu chưa đồng thuận phải tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Mặt khác, để đảm bảo hoạt động tuần tra kiểm soát trên biển, tỉnh đã và đang tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm ngư, các mô hình tổ chức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Được biết, hiện nay lực lượng thanh tra thuỷ sản (kiểm ngư) đảm bảo trải đều tại các cửa biển lớn của tỉnh. Về phương tiện, hiện nay tại đội tàu phục vụ cho hoạt động tuần tra 5 cửa biển lớn kèm theo 1 phương tiện tàu lớn là 1 ca-nô, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ.
Bên cạnh việc kiện toàn hệ thống văn bản, các quy định, quy chế,… cũng như hoạt động tuần tra kiểm soát, thời gian qua, tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Hoạt đông tuyên truyền được triển khai tại các xã, thị trấn, đồn biên phòng; phát thanh ngoài biển, nhắn tin qua điện thoại; in ấn tờ rơi, tờ gấp, pa-nô, sơ đồ, bản đồ ranh giới biển, khu vực vùng cấm khai thác...
Trước đó, UBND tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động, ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, trong kế hoạch này cũng xác định giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục công tác chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân; phát triển nuôi hải sản trên biển giai đoạn 2019-2021 và định hướng đến năm 2030 giúp ngư dân chuyển nghề, giảm áp lực khai thác hải sản. Tăng cường năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng thanh tra chuyên ngành trên các vùng biển, cảng cá, bến cá, chợ cá.
Qua thời gian nỗ lực ngăn chặn, hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh đã giảm rất nhiều. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để tỉnh triển khai công tác chấn chỉnh, ngăn chặn dứt điểm tàu cá vi phạm vùng biển trong và ngoài nước, tiến tới mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm./.
Nguyễn Phú